'Bắt tay vào việc ngay để hoàn thành mục tiêu giai đoạn 2021-2025'

Thảo Nguyên / (TTXVN/Vietnam+)
Chính phủ đề ra mục tiêu năm 2021 phải đạt được nhiều thành tích và tiến bộ hơn năm 2020 như phát biểu chỉ đạo, giao nhiệm vụ của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.
'Bat tay vao viec ngay de hoan thanh muc tieu giai doan 2021-2025' hinh anh 1Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì họp báo. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Tại phiên họp báo Chính phủ thông tin về Nghị quyết số 01/NQ-CP và Nghị quyết 02/NQ-CP sáng 4/1, đánh giá về các giải pháp phát triển kinh tế-xã hội năm 2021-2025, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết yêu cầu và nhiệm vụ đặt ra trong giai đoạn tới là rất lớn.

Trong khi đó, dự báo tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, đại dịch COVID-19 chưa thể sớm kết thúc, ảnh hưởng đến nhiều ngành, lĩnh vực. Vì vậy, ngay từ những ngày đầu năm 2021, Chính phủ và các cơ quan trực thuộc Chính phủ đã bắt tay vào việc ngay để hoàn thành mục tiêu giai đoạn 2021-2025.

Tiền đề tăng trưởng kinh tế

Nhìn nhận đầy đủ về giai đoạn 5 năm 2016-2020, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết trước hết, chúng ta đánh giá giai đoạn 4 năm 2016-2019 khi chưa xuất hiện đại dịch COVID-19.

Năm 2019 là năm thứ 2 liên tiếp Việt Nam hoàn thành vượt mức toàn bộ 12/12 chỉ tiêu chủ yếu Quốc hội giao. Đây là nền tảng để Việt Nam hoàn thành thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2020 và giai đoạn 2016-2020 như nhận định của nhiều chuyên gia, nhà phân tích kinh tế.

Cụ thể, tăng trưởng kinh tế bình quân 6,8%/năm trong giai đoạn 2016-2019, Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia tăng trưởng cao nhất thế giới. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng từ 327,8 tỷ USD năm 2015 lên khoảng 517 tỷ USD năm 2019; liên tục xuất siêu, năm sau cao hơn năm trước.

Tỷ lệ huy động vào ngân sách nhà nước đạt bình quân 25,5% GDP, cao hơn mức bình quân giai đoạn 2011-2015 (23,4% GDP). Bội chi ngân sách nhà nước ở mức 3,5% GDP, giảm mạnh so với giai đoạn 2011-2015 (5,4% GDP)…

Giai đoạn 2016-2019, Chính phủ đã tập trung cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử. Đồng thời, Chính phủ xây dựng và đưa vào vận hành các hệ thống thông tin nền tảng của Chính phủ điện tử, giúp đổi mới lề lối làm việc trong các cơ quan hành chính nhà nước và công tác chỉ đạo, điều hành dựa trên dữ liệu số, cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp, như trục liên thông văn bản quốc gia; hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ.

Các giải pháp quyết liệt, hiệu quả của Chính phủ đã góp phần cải thiện xếp hạng quốc tế của Việt Nam. So với giai đoạn 2011-2015, Việt Nam đã tăng 20 bậc trên Bảng xếp hạng về môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới (WB), tăng 10 bậc trên Bảng xếp hạng về năng lực cạnh tranh toàn cầu 4.0 của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF); tăng 12 bậc trên Bảng xếp hạng về Năng lực cạnh tranh du lịch của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF); tăng 25 bậc trên Bảng xếp hạng về hiệu quả logistics của WB…

Những kết quả đó là những thuận lợi, động lực để chúng ta bước vào năm 2020 với quyết tâm cao hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của cả nhiệm kỳ. Tuy nhiên, dịch COVID-19 xuất hiện và bùng phát từ đầu năm đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc thực hiện mục tiêu này.

[Kiến nghị Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số trong năm 2021]

Nếu như quý 1/2020, GDP tăng trưởng 3,82% do còn có những tác động trễ của quý 4/2019 thì đến quý 2/2020, tăng trưởng GDP chỉ còn 0,36%. Điều này cho thấy những tác động rất nặng nề của dịch COVID-19 đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng trước khó khăn, chúng ta càng nỗ lực, cố gắng để thực hiện được lời hiệu triệu của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã xác định khó khăn gấp đôi thì phải cố gắng gấp ba. Đồng thời, xác định phương châm “chống dịch như chống giặc” và quyết tâm thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.

"Chúng ta đã ứng phó nhanh chóng, kịp thời, linh hoạt có hiệu quả, đã giảm thiểu tối đa thiệt hại; được nhiều tổ chức quốc tế đánh giá cao và trở thành một hình mẫu về cách thức kiểm soát dịch bệnh đạt hiệu quả cao nhất với mức chi phí tối thiểu. Sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành đã góp phần phát huy tính ưu việt của hệ thống chính trị, ý chí, sức mạnh Việt Nam, truyền thống yêu nước, đoàn kết, tương thân, tương ái, và sức sống mãnh liệt của dân tộc trong phòng chống dịch bệnh, khắc phục hậu quả thiên tai, lũ lụt," Bộ trưởng Mai Tiến Dũng bày tỏ.

Vị thế và uy tín quốc tế của Việt Nam được nâng cao

Trong năm 2020, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. GDP tiếp tục tăng trưởng 2,91%, là một trong số ít nền kinh tế duy trì được tốc độ tăng trưởng dương trong năm 2020, cao nhất khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Việt Nam là một trong số 10 nước trên thế giới có tốc độ tăng trưởng GDP cao nhất; một trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất trong năm 2020. Quy mô nền kinh tế tăng, đứng thứ 4 khu vực Đông Nam Á, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 543,9 tỷ USD (tăng 5,2% so với năm 2019), xuất siêu đạt mức kỷ lục 19,1 tỷ USD trong bối cảnh thương mại toàn cầu sụt giảm mạnh.

Xuất khẩu nông sản đạt hơn 41 tỷ USD; thu ngân sách nhà nước đạt 99,4% dự toán, hụt thu ngân sách nhà nước khoảng 36.000 tỷ đồng, giảm mạnh so với mức dự báo khi báo cáo Trung ương tại Kỳ họp 13 và Quốc hội tại Kỳ họp thứ 10 (189.200 tỷ đồng). Bội chi ngân sách nhà nước từ 4,1-4,2% GDP, giảm so với mức dự báo khi báo cáo Trung ương tại Kỳ họp 13 và Quốc hội tại Kỳ họp thứ 10 (4,99%). Nợ công chỉ còn 55-56% GDP (giảm so với mức 63,7% cuối năm 2016), nằm trong giới hạn an toàn được Quốc hội quy định. Lạm phát tiếp tục được kiểm soát tốt, bình quân cả năm ở mức 3,23%.

Vai trò của kinh tế tư nhân ngày càng được khẳng định là một động lực quan trọng của đất nước. Doanh nghiệp của Việt Nam đang dần chiếm lĩnh một số vị trí then chốt của nền kinh tế. Ngày càng nhiều doanh nghiệp Việt Nam chuyển hướng đầu tư vào công nghệ, sáng tạo, nắm bắt và làm chủ các thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Nhiều sản phẩm hàng hóa do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất đã gia nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Nông nghiệp tiếp tục khẳng định vai trò trụ đỡ của nền kinh tế; an ninh lương thực được bảo đảm; phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, hữu cơ đang trở thành xu hướng. Xây dựng nông thôn mới hoàn thành trước thời hạn gần 2 năm. Công nghiệp chuyển biến theo chiều sâu với tỉ trọng hàng xuất khẩu qua chế biến tăng từ 65% năm 2016 lên 85% năm 2020; tỷ trọng xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao tăng từ 23% lên 50% trong cùng kỳ.

Việc cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính đạt nhiều kết quả ấn tượng. Chúng ta đã cắt giảm, đơn giản hóa 3.893/6.191 điều kiện kinh doanh, 6.776/9.926 danh mục dòng hàng phải kiểm tra chuyên ngành và 30/120 thủ tục hành chính liên quan đến kiểm tra chuyên ngành. Tổng chi phí xã hội tiết kiệm được từ việc cắt giảm, đơn giản hóa khoảng hơn 18 triệu ngày công/năm, tương đương hơn 6.300 tỷ đồng/năm. Cổng Dịch vụ công quốc gia sau hơn 1 năm đi vào hoạt động đã tích hợp, cung cấp hơn 2.700 dịch vụ công trực tuyến trên 6.798 thủ tục hành chính tại 4 cấp chính quyền.

Dịch vụ thanh toán trực tuyến đã tích hợp, cung cấp với 14 bộ, ngành và 54/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đã có hơn 48.000 lượt giao dịch thành công qua Cổng... Tổng chi phí tiết kiệm khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia từ khi khai trương đến nay là khoảng 8.000 tỷ đồng/năm.

Trục liên thông văn bản quốc gia đã kết nối, liên thông gửi, nhận văn bản điện tử giữa 95/95 cơ quan trung ương, địa phương với hơn 3,8 triệu văn bản điện tử, chi phí tiết kiệm khoảng 1.200 tỷ đồng/năm. Hệ thống thông tin phục vụ họp và phục vụ xử lý công việc của Chính phủ đã phục vụ 24 phiên họp Chính phủ, thay thế hơn 225.000 hồ sơ, phiếu lấy ý kiến Thường vụ Chính phủ, giúp tiết kiệm mỗi năm khoảng 169 tỷ đồng.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh các kết quả trên chính là những dấu ấn nổi bật của Chính phủ trong giai đoạn vừa qua, góp phần làm cho “đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay” như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhận định, tạo niềm tin, nguồn lực và động lực mới để Việt Nam vững bước tiến tới Đại hội XIII của Đảng và thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ mà Đại hội sẽ đề ra.

Tận dụng tốt thành tựu Cách mạng công nghiệp lần thứ tư

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết năm 2021 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm tổ chức Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bầu cử Quốc hội khóa XV, bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp và là năm đầu tiên thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030, Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025.

Với ý nghĩa như vậy, yêu cầu và nhiệm vụ đặt ra là rất lớn. Trong khi đó, dự báo tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, đại dịch COVID-19 chưa thể sớm kết thúc, ảnh hưởng đến nhiều ngành, lĩnh vực.

Trong nước, bên cạnh những thời cơ, thuận lợi, tác động của dịch bệnh, biến đổi khí hậu, thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn tiếp tục diễn biến phức tạp; yêu cầu cho đầu tư phát triển, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, bảo đảm an sinh xã hội và củng cố quốc phòng, an ninh rất lớn trong khi nguồn lực còn hạn chế.

Các xu hướng mới về dịch chuyển đầu tư, thương mại, chuyển đổi số, cùng với sự thay đổi nhanh chóng của các mô hình kinh doanh, phương thức sản xuất, tiêu dùng, khoa học công nghệ… vừa là thời cơ, vừa là thách thức, đòi hỏi chúng ta không được chủ quan với những kết quả đã đạt được mà cần phải tiếp tục nỗ lực, cố gắng nhiều hơn nữa trong năm 2021 và thời gian tới.

Nhiều tổ chức quốc tế vẫn đánh giá rất cao về tiềm năng phát triển của Việt Nam trong năm 2021. WB dự báo Việt Nam tăng trưởng kinh tế 6,8%; ADB dự báo 6,3%; IMF dự báo 6,7%, Standard Chartered dự báo 7,8%; Goldman Sachs dự báo 8,1%... Để hiện thực hóa tiềm năng tăng trưởng như đánh giá của các tổ chức quốc tế, Chính phủ đã ban hành các Nghị quyết 01, 02 với nhiều nhiệm vụ, giải pháp hết sức cụ thể.

Thông tin về Nghị quyết 01/NQ-CP, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết Nghị quyết tập trung vào những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2021.

Cụ thể, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xác định thông điệp của năm 2021 là tiếp tục đổi mới tư duy phát triển, hành động quyết liệt, hiệu quả hơn, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, biến thách thức thành cơ hội, tận dụng tốt các thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và xu hướng dịch chuyển đầu tư, thương mại, chuyển đổi số trong khu vực và thế giới.

'Bat tay vao viec ngay de hoan thanh muc tieu giai doan 2021-2025' hinh anh 2Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn Chính phủ Mai Tiến Dũng thông tin kết quả thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP và Nghị quyết 02/NQ-CP. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Cùng với đó, phát huy hơn nữa tinh thần đoàn kết, chung sức đồng lòng của cả hệ thống chính trị, với niềm tin, ý chí, khát vọng vươn lên mạnh mẽ, nỗ lực phấn đấu hoàn thành vượt mức các nhiệm vụ, mục tiêu, chỉ tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2021, củng cố niềm tin của người dân, doanh nghiệp, tạo nền tảng vững chắc cho việc thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025 và Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm giai đoạn 2021-2030, sớm hiện thực hóa khát vọng phát triển về tầm nhìn đến năm 2045 đưa nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao theo Nghị quyết của Đảng, Quốc hội.

Chính phủ đề ra mục tiêu năm 2021 phải đạt được nhiều thành tích và tiến bộ hơn năm 2020 như phát biểu chỉ đạo, giao nhiệm vụ của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương tháng 12/2020.

Đối với Nghị quyết 02/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2021, trong bối cảnh Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP về Chương trình cắt giảm quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025, với mục tiêu cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% số quy định và 20% chi phí tuân thủ quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh, Nghị quyết 02 năm nay đề ra thông điệp của Chính phủ là Cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia là nhiệm vụ trọng tâm thường xuyên, liên tục bởi nếu đứng yên hoặc cải cách chậm hơn thì tức là thụt lùi và sẽ bị bỏ lại phía sau./.

Thảo Nguyên / (TTXVN/Vietnam+)