Sáng 17/8, tại Nhà Quốc hội, với sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khai mạc phiên họp thứ hai.
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, đây là phiên họp thứ hai của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhưng là phiên thường kỳ đầu tiên trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV; đồng thời đề nghị các đại biểu nghiên cứu kỹ các nội dung; phát huy trách nhiệm của cơ quan trình, cơ quan thẩm tra, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu.
Qua đó siết chặt kỷ luật, kỷ cương, thực hiện đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của nhiệm kỳ.
Bảo đảm tính công bằng, phổ quát
Trong công tác lập pháp, Chủ tịch Quốc hội cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi). Đây sẽ là “sản phẩm” đầu tiên trong công tác lập pháp của nhiệm kỳ.
Đây là cơ hội để Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội thực hiện lời hứa, hiện thức hóa chương trình hành động, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác lập pháp, gắn với siết chặt kỷ luật, kỷ cương lập pháp, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu.
Chủ tịch Quốc hội yêu cầu khắc phục sự chồng chéo, trùng lặp giữa các quy định của pháp luật với dự án luật này; thể chế hóa, cụ thể hóa chủ trương của Đảng, nhất là Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 7/4/2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng.
Sau khi sửa luật phải tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ, rõ rệt, trông thấy trong tổ chức thực hiện các phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và chủ động hội nhập quốc tế, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo phong trào thi đua.
Bên cạnh đó phải cụ thể hóa, thể chế hóa tư tưởng của Bác Hồ về công tác thi đua, khen thưởng; quan hệ giữa thi đua và khen thưởng, giữa khen thưởng theo niên hạn và khen thưởng đột xuất. Khắc phục khen thưởng theo kiểu gối đầu, tích lũy thành tích để khen...
[Phiên họp thứ 2 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Xem xét 4 nội dung lớn]
“Sửa đổi lần này phải làm sao hướng nhiều hơn đến cơ sở, chú trọng khen thưởng công nhân, nông dân, người lao động trực tiếp sản xuất, kinh doanh; quan tâm khen thưởng ở cơ sở, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo và vùng dân tộc thiểu số. Mặt khác phải tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đơn giản hóa thủ tục hành chính, bảo đảm kịp thời, minh bạch, công khai, khả thi và hiệu quả trong việc thực hiện,” Chủ tịch Quốc hội nói.
Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu khắc phục sự thiếu đồng bộ trong hệ thống chính trị về công tác thi đua, khen thưởng. Thi đua, khen thưởng phải bao quát toàn bộ hệ thống chính trị, bảo đảm tính công bằng, phổ quát. Đặc biệt, Chủ tịch Quốc hội lưu ý cần khắc phục tính hình thức trong thi đua, khen thưởng, bảo đảm công khai, minh bạch; bao quát được khu vực công và khu vực tư, nhất là khu vực doanh nghiệp...
Cải tiến công tác giám sát
Chủ tịch Quốc hội cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, quyết định thành lập 2 đoàn giám sát chuyên đề về “Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 1/7/2016 đến ngày 1/7/2021” và “Việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021.”
Quang cảnh phiên khai mạc. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Chủ tịch Quốc hội gợi ý, nên chăng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ thành lập đoàn giám sát, còn việc xây dựng đề cương, nội dung giám sát thì giao cho đoàn giám sát thực hiện và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định. Quan trọng nhất là việc tổ chức thực hiện như thế nào để huy động các đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng Nhân dân các địa phương, các cơ quan của Quốc hội thực hiện công tác này.
Đặc biệt, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu, sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo phải tạo được chuyển biến trong việc giải quyết những vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài.
Tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét báo cáo tình hình giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri; kết quả tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi tới Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội khẳng định, Ban Dân nguyện sẽ báo cáo công tác này định kỳ hằng tháng trong các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, vì việc giải quyết khiếu nại, tố cáo phải kiên trì từng ngày, từng tháng nên không chờ tới khi Quốc hội họp mới xem xét.
Ràng buộc trách nhiệm của đại biểu Quốc hội
Về cải tiến, đổi mới hoạt động của Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, ban hành nghị quyết quy định điều lệ mẫu của Hội đồng Dân tộc và các cơ quan của Quốc hội trong nhiệm kỳ này. Đây là cơ sở để các cơ quan của Quốc hội xây dựng điều lệ một cách nhất quán, thống nhất.
Trong điều lệ mẫu có quy định về việc thành lập các tiểu ban trong các cơ quan của Quốc hội, phát huy vai trò của cả đại biểu Quốc hội chuyên trách và đại biểu Quốc hội không chuyên trách. Theo quy định, đại biểu Quốc hội không chuyên trách phải dành ít nhất 1/3 thời gian làm việc để thực hiện nhiệm vụ của đại biểu Quốc hội.
Do vậy, bên cạnh việc tạo điều kiện để các đại biểu Quốc hội hoạt động thì cần có quy định ràng buộc trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội với hoạt động của các cơ quan của Quốc hội, qua đó bảo đảm thực hiện hiệu quả nguyên tắc làm việc tập thể, quyết định theo đa số tại các cơ quan của Quốc hội.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ ban hành quy chế sử dụng chuyên gia và cộng tác viên.
Phiên họp diễn ra trong hai ngày (17-18/8), Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tổng kết kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV...
Tiếp theo, các đại biểu có mặt tại phiên họp cho ý kiến vào dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi); báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện các chế độ, chính sách về bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội năm 2020./.
Chủ tịch Quốc hội chủ trì Phiên họp thứ 2 của Ủy ban Thường vụ QH
Hoàng Thị Hoa / (TTXVN/Vietnam+)