Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Thống kê sơ bộ kết quả bầu cử và danh sách những người trúng cử đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 của Ủy ban Bầu cử các tỉnh, thành phố, hầu hết các địa phương trên cả nước đã bầu đủ theo số lượng đại biểu được ấn định.
Tuy nhiên, theo báo cáo của các Ủy ban Bầu cử các tỉnh, thành phố, còn có một số nơi phải tổ chức bầu cử thêm đại biểu Hội đồng Nhân dân cấp huyện, cấp xã do bầu chưa đủ số lượng đại biểu được ấn định.
[Thành công của cuộc bầu cử khẳng định sức mạnh từ lòng dân]
Cụ thể, 11 tổ bầu cử thuộc 9 xã ở các huyện Lương Tài, Quế Võ, Yên Phong, Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh bầu thêm 19 đại biểu Hội đồng Nhân dân cấp xã.
Tại Thái Bình, phải bầu thêm 5 đại biểu Hội đồng Nhân dân xã An Hiệp (huyện Quỳnh Phụ), xã Việt Hùng (huyện Vũ Thư) và xã Hà Giang (huyện Đông Hưng).
Toàn tỉnh Nam Định có 18 đơn vị bầu cử phải tổ chức bầu cử thêm đại biểu Hội đồng Nhân dân cấp xã.
Tại Kiên Giang, có 5 đơn vị bầu cử đại biểu Hội đồng Nhân dân cấp xã (xã Minh Thuận, huyện U Minh Thượng; xã Đông Thái, huyện An Biên) và 1 đơn vị bầu cử đại biểu Hội đồng Nhân dân cấp huyện (huyện Kiên Hải) tổ chức bầu cử thêm.
Tại Bình Phước, đơn vị bầu cử số 5 xã Long Tân (huyện Phú Riềng) bầu thêm đại biểu Hội đồng Nhân dân xã.
Tại Quảng Nam, huyện Thăng Bình và huyện Tiên Phước, mỗi huyện phải bầu thêm 1 đại biểu Hội đồng Nhân dân cấp huyện, còn với đại biểu Hội đồng Nhân dân cấp xã, toàn tỉnh phải bầu thêm 34 đại biểu.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Chánh Văn phòng Hội đồng Bầu cử Quốc gia Bùi Văn Cường đã có cuộc trao đổi với phóng viên TTXVN để làm rõ hơn những vấn đề xoay quanh việc bầu cử thêm đại biểu Hội đồng Nhân dân, những lưu ý khi tiến hành bầu cử thêm trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp.
- Thưa ông, thống kê sơ bộ kết quả bầu cử và danh sách những người trúng cử đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 của Ủy ban Bầu cử các tỉnh, thành phố cho thấy một số địa phương trong cả nước bầu thiếu đại biểu Hội đồng Nhân dâncấp xã, cấp huyện và phải tiến hành bầu cử thêm để đủ số lượng đại biểu đã được ấn định. Ông có nhận định gì về việc này?
Ông Bùi Văn Cường: Theo quy định, chậm nhất đến ngày 2/6 sẽ công bố kết quả bầu cử và danh sách những người trúng cử đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Đến nay, theo báo cáo của nhiều địa phương, kết quả bầu đại biểu Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh, thành phố, cấp huyện cơ bản đạt yêu cầu, đảm bảo đúng cơ cấu, thành phần.
Tuy nhiên, ở một số địa phương, số đại biểu Hội đồng Nhân dân cấp xã, cấp huyện bầu còn thiếu so với quy định, nên phải tiến hành bầu cử thêm.
Theo tôi, việc bầu chưa đủ số lượng đại biểu Hội đồng Nhân dân cấp xã, cấp huyện ở một số địa phương cũng là việc bình thường trong bầu cử.
Quá trình hiệp thương giới thiệu nhân sự dân chủ, khách quan, các ứng cử viên đảm bảo tiêu chuẩn, điều kiện, cơ bản các ứng cử viên đều ngang nhau về năng lực, trình độ, phẩm chất đạo đức, số dư trong nhân sự bầu cử cao (khoảng 1,7-2 lần số lượng cần bầu) nên bầu không đủ cũng là việc bình thường.
Việc này cho thấy cử tri rất công bằng, vô tư, khách quan trong việc lựa chọn những người mà họ thấy đủ trình độ, năng lực để đại diện cho tiếng nói và nguyện vọng của mình ở cơ quan dân cử.
Một điểm bỏ phiếu tại Hà Nội. (Ảnh: TTXVN phát)
Việc bầu không đủ số lượng đại biểu Hội đồng Nhân dân cấp xã, phường sẽ được Ủy ban bầu cử ở địa phương chỉ đạo tổ chức bầu cử thêm để đảm bảo đủ số lượng đã được ấn định.
Điều này cũng cho thấy cử tri ngày càng có trách nhiệm hơn với lá phiếu của mình, đại biểu nào xứng đáng đại diện cho ý chí và nguyện vọng của cử tri thì sẽ được cử tri tin tưởng, đánh giá cao và chọn lựa.
- Theo ông vì sao việc bầu cử thêm lại đa phần diễn ra tại Hội đồng Nhân dân cấp xã? Liệu đây có phải thể hiện tính dân chủ ngày càng cao, cử tri đặt nhiều yêu cầu vào người đại diện cho mình nên có sự cân nhắc kỹ lưỡng hay không?
Ông Bùi Văn Cường: Việc bầu không đủ số lượng đại biểu Hội đồng Nhân dân cấp xã, cấp huyện cho thấy cử tri quan tâm nhiều đến Hội đồng Nhân dân cơ sở, đặt kỳ vọng vào từng đại biểu nên có sự cân nhắc, lựa chọn kỹ càng.
Cử tri biết rất rõ đại biểu ở địa phương họ như thế nào nên họ quyết định bầu hay không bầu, cho nên người trúng cử và người không trúng cử chỉ chênh lệch không lớn, thậm chí chỉ vài lá phiếu, chứ không có chuyện chênh lệch quá nhiều phiếu bầu.
- Quy trình cũng như những lưu ý đối với những địa phương khi tiến hành bầu cử thêm, đặc biệt khi dịch COVID-19 vẫn đang rất phức tạp, thưa ông?
Ông Bùi Văn Cường: Theo quy định tại Điều 79, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân, trong cuộc bầu cử đầu tiên, nếu số người trúng cử đại biểu Hội đồng Nhân dân chưa đủ hai phần ba số lượng đại biểu được bầu đã ấn định cho đơn vị bầu cử thì Ban bầu cử phải ghi rõ vào biên bản xác định kết quả bầu cử và báo cáo ngay cho Ủy ban Bầu cử chịu trách nhiệm tổ chức bầu cử đại biểu Hội đồng Nhân dân ở cấp đó để quyết định ngày bầu cử thêm ở đơn vị bầu cử đó.
Trong trường hợp bầu cử thêm thì ngày bầu cử được tiến hành chậm nhất là 15 ngày sau ngày bầu cử đầu tiên. Trong cuộc bầu cử thêm, cử tri chỉ chọn bầu trong danh sách những người ứng cử tại cuộc bầu cử đầu tiên nhưng không trúng cử.
Danh sách cử tri của cuộc bầu cử thêm được lập theo danh sách cử tri trong cuộc bầu cử đầu tiên. Người trúng cử là người được quá một nửa tổng số phiếu bầu hợp lệ và có số phiếu bầu cao hơn.
Hiện tại, dịch COVID-19 đang diễn biến rất phức tạp, vì vậy những địa phương khi tiến hành bầu cử thêm cần tiếp tục thực hiện nghiêm những quy định, hướng dẫn về công tác bầu cử phù hợp với yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19 của Hội đồng Bầu cử Quốc gia và các cơ quan hữu quan; tuyên truyền để cử tri hiểu về quyền lợi và nghĩa vụ khi đi bỏ phiếu, vận động cử tri nghiên cứu kỹ lý lịch của các ứng cử viên, đi bỏ phiếu đầy đủ và thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.
- Việc bầu thiếu đại biểu Hội đồng Nhân dân, đặc biệt là tại cấp xã không phải là vấn đề mới mà đã từng diễn ra tại các cuộc bầu cử trước. Vậy theo ông cần phải làm gì để hạn chế việc này? Nếu bầu cử thêm nhưng vẫn chưa đạt yêu cầu thì việc này sẽ tiếp tục xử lý thế nào, thưa ông?
Ông Bùi Văn Cường: Từ kết quả bầu cử Hội đồng Nhân dân cấp xã vừa qua tôi cho rằng cần phải rút kinh nghiệm từ công tác tuyên truyền, vận động bầu cử. Theo đó, các phương tiện thông tin tuyên truyền cần tăng cường vận động để cử tri đi bỏ phiếu; vận động cử tri nghiên cứu lý lịch cũng như tiếp cận nhiều hơn với ứng cử viên, để từ đó có đánh giá khách quan, toàn diện hơn trước khi bỏ phiếu.
Kỳ bầu cử lần này diễn trong bối cảnh đặc biệt khi dịch COVID-19 tái bùng phát với diễn biến phức tạp, khó lường, cho nên công tác vận động bầu cử của từng cử ứng cử viên cũng có phần hạn chế.
Trong trường hợp bầu cử thêm nhưng vẫn chưa đạt yêu cầu thì theo quy định của luật, nếu bầu cử thêm mà vẫn chưa đủ số lượng đại biểu được bầu đã ấn định cho đơn vị bầu cử thì không tổ chức bầu cử thêm lần nữa.
Đơn vị bầu cử đó được xác định là đơn vị bầu cử thiếu đại biểu (tức là sau khi đã tổ chức bầu cử thêm mà vẫn không bầu được đủ số đại biểu đã được ấn định cho đơn vị bầu cử đó).
- Xin trân trọng cảm ơn ông./.
Quỳnh Hoa / (TTXVN/ Vietnam+)