Cử tri Thanh Hóa, Quảng Trị, Kiên Giang, Long An nghiêm túc đi bầu cử

(TTXVN/Vietnam+)
Cử tri Thanh Hóa, Quảng Trị, Kiên Giang, Long An đến các điểm bầu cử, tiến hành bỏ phiếu, bầu người đủ đức, đủ tài, có trách nhiệm để đại diện cho ý chí, nguyện vọng, quyền lợi của nhân dân.
Cu tri Thanh Hoa, Quang Tri, Kien Giang, Long An nghiem tuc di bau cu hinh anh 1Tranh cổ động tuyên truyền về bầu cử trên đường phố ở thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị. (Ảnh: Nguyên Lý/TTXVN)

Tại các điểm bầu cử của tỉnh Quảng Trị, lễ khai mạc đã diễn ra trang trọng, đồng thời đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Các điểm bầu cử đều được phun khử khuẩn, có lực lượng hướng dẫn và phân luồng cử tri đi vào khu vực bầu cử.

Đối với khu vực bỏ phiếu có cơ sở cách ly tập trung, cơ sở y tế đang điều trị cho cử tri nghi ngờ hoặc mắc COVID-19, khu vực phong tỏa hoặc có cử tri thực hiện cách ly tại nhà được trang bị thêm găng tay, áo quần bảo hộ y tế, kính chắn giọt bắn, thùng đựng chất thải.

Ngoài thành viên của Tổ bầu cử, tỉnh còn bổ sung thêm thành viên làm nhiệm vụ bầu cử trong khu vực phong tỏa, cách ly, bệnh viện; đồng thời có phương án nhân sự dự phòng phục vụ bầu cử, sẵn sàng có người thay thế nếu thành viên Tổ bầu cử bị cách ly hoặc nghi mắc COVID-19.

Trong ngày bầu cử, thời tiết trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có nắng nóng. Để đảm bảo an toàn giao thông, Công an tỉnh Quảng Trị đã tăng cường tuần tra, kiểm soát bảo đảm trật tự an toàn giao thông và nơi công cộng.

Tại Quảng Trị có 10 người ứng cử để bầu 6 đại biểu Quốc hội khóa XV; 85 người ứng cử để bầu 50 đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh theo; 483 người ứng cử để bầu 292 đại biểu Hội đồng Nhân dân cấp huyện; 4.836 người ứng cử để bầu 2.883 đại biểu Hội đồng Nhân dân cấp xã. Toàn tỉnh có 479.515 cử tri.

Không khí náo nức tại những điểm bầu cử đặc biệt ở Thanh Hóa

Những ngày này, từ trung tâm thành phố Thanh Hóa đến các huyện ven biển, vùng sâu, vùng xã, vùng có nhiều đồng bào dân tộc như Mường Lát, Quan Hóa, Bá Thước… đến đâu cũng thấy không khí rộn ràng, phấn khởi của cử tri tham gia Ngày Bầu cử - Ngày hội toàn dân.

Cùng với cử tri cả nước, tại nhiều điểm bỏ phiếu, trong đó có những điểm đặc biệt, cử tri Thanh Hóa đang tràn đầy phấn khởi, náo nức để thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân, trách nhiệm chính trị đối với sự kiện trọng đại của quốc gia, dân tộc - bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Tại Nhà văn hóa phố 8, phường Ba Đình, thành phố Thanh Hóa, từ 7 giờ sáng đã có hàng trăm cử tri đã tập trung tại đây để bầu những đại biểu ưu tú nhất. Chị Hồ Thị Hải một cử tri của tổ bầu cử số 7, phường Ba Đình đang rà soát lại danh sách tiểu sử các ứng cử viên lần cuối để lựa chọn các đại biểu xứng đáng nhất để đại diện cho quyền lợi và lợi ích của mình.

Chị Hải cho biết: "Từ 7 giờ kém, tôi và gia đình đã đến điểm bỏ phiếu. Những thông tin đã được các cán bộ phường, tổ dân phố tuyên truyền từ trước về các ứng cử viên ứng biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đã giúp tôi hiểu kỹ hơn về ứng cử viên mình sẽ lựa chọn."

Còn tại huyện Quan Sơn khu vực miền núi tỉnh Thanh Hóa, không khí náo nức của Ngày Bầu cử - Ngày hội toàn dân cũng hiện hữu ở từng thôn, bản. Kỳ bầu cử lần này được chính quyền địa phương chuẩn bị khá chu đáo. Công tác tuyên truyền về danh sách, tiểu sử ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 được đẩy mạnh nên cử tri hiểu được quyền, nghĩa vụ và lợi ích của mình để sáng suốt lựa chọn những đại biểu xứng đáng nhất.

Chị Lò Thị Thoa ở xã Trung Hạ (Quan Sơn) cho biết: "Đến thời điểm này tôi đã nắm khá rõ tiểu sử của từng ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 để lựa chọn được những đại biểu xứng đáng nhất. Tôi tin tưởng, các đại biểu sẽ là cầu nối quan trọng giữa nhân dân với Quốc hội, với Hội đồng nhân dân các cấp để giải quyết thỏa đáng những đề xuất, kiến nghị của nhân dân; đặc biệt tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc chúng tôi được tiếp cận khoa học-kỹ thuật, các nguồn vốn ưu đãi để phát triển các mô hình kinh tế, nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo bền vững."

Cũng để đảm bảo an toàn cho cử tri tham gia ngày hội toàn dân, tại các điểm bỏ phiếu tổ bầu cử bố trí nhân viên y tế đo thân nhiệt cho cử tri, đề nghị cử tri rửa tay sát khuẩn, đeo khẩu trang; đồng thời các thành viên của tổ bầu cử cũng yêu cầu cử tri không tập trung đông tại một khu vực, vào cùng một thời điểm.

Nếu phát hiện cử tri có biểu hiện sốt, ho, khó thở, nghi ngờ mắc COVID-19, nhân viên y tế sẽ tiến hành kiểm tra và đưa về khu vực riêng biệt đã bố trí sẵn để xử lý theo quy trình.       

Cu tri Thanh Hoa, Quang Tri, Kien Giang, Long An nghiem tuc di bau cu hinh anh 2Các bị can bỏ phiếu bầu cử. (Ảnh: Trịnh Duy Hưng/TTXVN)

Một điểm bỏ phiếu khá đặc biệt của tỉnh Thanh Hóa là tại Trại tạm giam công an tỉnh Thanh Hóa. Những người đang bị tạm giam, tạm giữ đủ điều kiện được bầu cử cũng đã tập trung tại nơi quy định để tiến hành lựa chọn những đại biểu ưu tú nhất.

Đại tá Lê Bá Chinh, Giám thị Trại tạm giam Công an tỉnh cho biết: "Hiện, Trại tạm giam có 700 cử tri được tham gia bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Để bảo đảm quyền lợi cho những người bị tạm giữ, tạm giam, Trại chúng tôi đã chủ động xây dựng kế hoạch, phân công nhiệm vụ cụ thể tới từng đội nghiệp vụ, tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến quy chế bầu cử, nguyên tắc và trình tự bỏ phiếu cho những người bị tạm giữ, tạm giam. Chúng tôi cũng soạn những bản tin để cán bộ quản giáo trực tiếp đến tuyên truyền cho họ ở từng buồng giam để họ nắm được và thực hiện trách nhiệm của mình."

Bị can Đ.T. L, sinh năm 1965 ở phường Nam Ngạn, thành phố Thanh Hóa cho biết: "Hàng ngày, chúng tôi được nghe trên loa phát thanh ở trong trại về cuộc bầu cử, được nghe các cán bộ quản giáo ở đây tuyên truyền, phổ biến về luật bầu cử. Ngoài ra, chúng tôi còn được phát tờ rơi tuyên truyền tại buồng giam để đọc, tìm hiểu. Với những thông tin mình nắm được tôi tin tưởng sẽ lựa chọn được những đại biểu xứng đáng nhất."

Tại các khu cách ly, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đảm bảo các điều kiện cho cử tri đang cách ly tham gia bầu cử. Đối với những cử tri đang cách ly tại nhà, các thành viên tổ bầu cử sẽ mang thùng phiếu đến tận nhà hướng dẫn cử tri bỏ phiếu và phải tuân thủ nghiêm quy định phòng, chống dịch COVID-19.

Trước đó, tỉnh Thanh Hóa cũng đã tổ chức diễn tập về công tác ứng phó với dịch COVD-19 trong ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đối với 5 tình huống gồm: Tổ chức bầu cử tại khu vực bỏ phiếu cố định không có dịch COVID-19; tổ chức bầu cử tại địa điểm bỏ phiếu bầu cử ở các xã, phường, thị trấn thực hiện giãn cách xã hội; tổ chức bầu cử cho người đang cách ly tại nhà, nơi làm việc, nơi lưu trú; tổ chức bầu cử tại khu vực cách ly y tế tập trung và nơi thực hiện cách ly xã hội hoặc phong tỏa; tổ chức bầu cử tại bệnh viện, cơ sở y tế điều trị cho bệnh nhân nghi ngờ hay xác định mắc COVID-19.

Trong cuộc bầu cử lần này, toàn tỉnh Thanh Hóa có 5 đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội, 27 đơn vị bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh, 259 đơn vị bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện và 3.909 đơn vị bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã, để bầu 14 đại biểu Quốc hội, 85 đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh, 920 đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện, 13.272 đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã.

Cử tri vùng biên giới Long An nghiêm túc đi bầu cử

Tại Long An, cùng với cử tri cả nước, từ sáng sớm ngày 23/5, cử tri tại các địa phương vùng biên giới tỉnh Long An đã nô nức đến các điểm bầu cử, tiến hành bỏ phiếu, bầu người đủ đức, đủ tài, có trách nhiệm để đại diện cho ý chí, nguyện vọng, quyền lợi của nhân dân tham gia Quốc hội khóa XV và Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Tại điểm bầu cử ấp Ông Nhan Tây thuộc xã biên giới Bình Hiệp (thị xã Kiến Tường, Long An), từ sáng sớm, nhiều cử tri trong khu vực đã đến điểm bầu cử để thực hiện quyền cử tri, sáng suốt lựa chọn những đại biểu ưu tú đại diện cho nhân dân vào Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp.

Cấp ủy, chính quyền địa phương, ngành chức năng tại Long An tổ chức tốt, chu đáo ở các điểm bầu cử theo đúng quy trình, luật định, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho cử tri thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân, bảo đảm phòng, chống dịch COVID-19. Người dân được hướng dẫn đi bầu theo các khung giờ khác nhau để hạn chế tụ tập đông người.

Cử tri đi bầu phải mang khẩu trang, thực hiện khai báo y tế và được đo thân nhiệt trước khi vào bỏ phiếu. Hoạt động bầu cử cũng được tiến hành lần lượt từng người một.

Chị Nguyễn Thị Sang, cử tri xã biên giới Bình Hiệp cho biết: Tôi làm công nhân ở địa phương, đời sống còn nhiều khó khăn, thông qua bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, tôi mong muốn lựa chọn người xứng đáng để đại diện cho quyền lợi của nhân dân tại diễn đàn Quốc hội và Hội đồng nhân dân, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống người dân vùng biên giới.

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, sinh sống tại vùng biên giới, tiếp giáp với Campuchia, bản thân chị Sang và gia đình luôn chấp hành nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch bệnh không chỉ khi đi bầu cử, mà cả trong sinh hoạt hàng ngày.

Cu tri Thanh Hoa, Quang Tri, Kien Giang, Long An nghiem tuc di bau cu hinh anh 3Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Chủ tịch Ủy Ban bầu cử Long An Nguyễn Văn Được, bỏ phiếu bầu Đại biểu quốc hội và HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026. (Ảnh: Thanh Bình/TTXVN)

Theo Ủy ban Bầu cử tỉnh Long An, toàn tỉnh có trên 1,2 triệu cử tri đi bầu đại biểu Quốc hội XV và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Trong đó, thị xã Kiến Tường nằm trên tuyến biên giới tiếp giáp với nước bạn Campuchia có trên 37.000 cử tri đi bỏ phiếu. Lần bầu cử này được tổ chức trong hoàn cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, tình trạng xuất, nhập cảnh trái phép trên tuyến biên giới vẫn tiếp diễn. Do vậy, việc tổ chức bầu cử phải đáp ứng yêu cầu chặt chẽ trong công tác phòng, chống dịch. Các lực lượng đang canh giữ biên giới được phân công để vừa đảm bảo quyền bỏ phiếu của cử tri, vừa thực hiện hiệu quả nhiệm vụ lá chắn ngăn dịch trên biên giới, không chủ quan, lơ là để xảy ra tình trạng xuất, nhập cảnh trái phép, dẫn đến nguy cơ lan tràn dịch bệnh qua biên giới.

Trung tá Nguyễn Văn Nam, Chính trị viên Đồn biên phòng Cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp cho biết: Những cán bộ, chiến sĩ đang làm việc tại đồn sẽ tham gia bỏ phiếu tại các điểm bầu cử ở địa phương, còn người nào đang thực hiện nhiệm vụ trực tại các chốt trên biên giới sẽ bầu thông qua các thùng phiếu di động do tổ bầu cử mang đến tận nơi. Đơn vị quyết tâm thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao, duy trì quân số trực 24/24h ở các chốt trên biên giới, đảm bảo không để xảy ra tình trạng xuất nhập cảnh trái phép, tăng cường phòng, chống dịch COVID-19 và góp phần vào thành công chung của Ngày hội bầu cử.

Theo ông Nguyễn Văn Vũ, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thị xã Kiến Tường, Long An, để tổ chức bầu cử an toàn, hiệu quả, địa phương thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 tại các điểm bầu cử.

Song song với đó, các tổ bầu cử tổ chức thêm các thùng phiếu di động để phục vụ các cử tri đang bị cách ly, người già yếu không đi lại được và đặc biệc là các lực lượng đang trực trên tuyến biên giới, vừa bảo đảm quyền lợi cho cử tri, vừa thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh.

Theo Ủy ban Bầu cử tỉnh Long An, toàn tỉnh dự kiến có trên 1,2 triệu cử tri đi bầu đại biểu Quốc hội XV và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 tại 1.298 khu vực bỏ phiếu.

Kiên Giang không khí bầu cử vui tươi, dân chủ, đúng luật 

Tại Kiên Giang có 3 đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội; 21 đơn vị bầu cử Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh; 163 đơn vị cấp huyện; 1.167 đơn vị cấp xã với 1.768 khu vực bỏ phiếu. Kiên Giang có 13 ứng cử viên đại biểu Quốc hội, 103 ứng cử viên đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh, 961 ứng cử viên Hội đồng Nhân dân cấp huyện và 6.319 ứng cử viên Hội đồng Nhân dân cấp xã. Toàn tỉnh Kiên Giang có trên 1.190.000 cử tri.

Tỉnh Kiên Giang có mưa từ đêm đến sáng nhưng người dân vẫn đến các điểm bỏ phiếu từ sớm. Các lực lượng chức năng làm nhiệm vụ kiểm tra y tế, phòng, chống dịch COVID-19, nhắc nhở cử tri đeo khẩu trang đúng cách, đo thân nhiệt, sát khuẩn tay, sau đó mới phát phiếu, hướng dẫn cử tri cách thức bỏ phiếu. Nhiều cử tri vẫn tranh thủ nghiên cứu tiểu sử của các ứng cử viên.

Anh Lê Hoàng Dũng, ở ấp Bờ Xáng, xã Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Thuận cho biết, ngày 23/5 đúng dịp bơm nước vào vuông nuôi tôm, cua nhưng anh tạm gác lại để đi bầu cử.

Không riêng gì anh Dũng, hầu hết nông dân của tỉnh Kiên Giang đều nhận thức rõ trách nhiệm của công dân trong công tác bầu cử, từ đó thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình qua lá phiếu.

Tại bến cảng Rạch Giá, tàu khách vận chuyển hành khách đi huyện đảo Kiên Hải và thành phố Phú Quốc vẫn hoạt động bình thường. Nhiều hành khách ở thành phố Rạch Giá cho biết, trước khi ra đảo đã đi bỏ phiếu từ sớm. Ngược lại, nhiều hành khách ở huyện đảo cũng tranh thủ về cho kịp thực hiện quyền và nghĩa vụ của người công dân.

Đại đức Danh Dung, trụ trì chùa Khmer Đồng Tranh, xã Vĩnh Bình Bắc, huyện Vĩnh Thuận cho biết trước ngày diễn ra bầu cử, Đại đức cùng với chính quyền địa phương đã tích cực tuyên truyền cho đồng bào phật tử bằng tiếng dân tộc Khmer để đồng bào hiểu được ý nghĩa cũng như quyền và nghĩa vụ công dân. Phật tử dân tộc Khmer hiểu rõ, mọi công việc đồng áng đều gác lại, hân hoan đi bầu cử.

Các điểm bỏ phiếu bầu cử riêng như quân đội, công an, biên phòng… kết hợp với địa phương tổ chức đồng loạt để cán bộ, chiến sỹ thực hiện quyền công dân của mình.

Trung tá Phạm Quốc Tuấn, Chính trị viên Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Hà Tiên cho biết, đơn vị được Hội đồng bầu cử tỉnh Kiên Giang cho phép tổ chức một đơn vị bầu cử độc lập tại đơn vị.

Từ giữa tháng 4/2021, đơn vị đã phát động thi đua giữa các chi đoàn, trong đó có cán bộ, chiến sỹ trên các chốt phòng, chống dịch cùng tham gia, qua đó đã tạo được không khí lao động, học tập sôi nổi. Các chốt thi đua phòng, chống dịch COVID-19, chống xuất nhập cảnh trái phép và chống buôn lậu, giữ gìn an ninh, chính trị khu vực biên giới, bảo đảm cho ngày bầu cử diễn ra tốt đẹp, an toàn, thành công.

Lần đầu tiên tham gia bầu cử, binh nhì Dương Đức Công Trình, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Hà Tiên bộc bạch rất vinh dự, tự hào vì vừa tham gia công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên tuyến biên giới vừa tham gia bầu cử.

Theo bà Lê Thị Vệ, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Phó Chủ tịch Ủy ban Bầu cử tỉnh Kiên Giang, để ngày bầu cử diễn ra thành công tốt đẹp, Mặt trận Tổ quốc các cấp và các tổ chức thành viên, hội viên, quần chúng nhân dân tham gia công tác bầu cử và bầu cử phát huy quyền dân chủ công dân để lựa chọn người đủ tiêu chuẩn là đại biểu Quốc hội khóa XV và Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Mặt trận Tổ quốc các cấp thực hiện giám sát cuộc bầu cử và vận động nhân dân tham gia giám sát quá trình tổ chức bầu cử, góp phần đảm bảo cuộc bầu cử diễn ra dân chủ và đúng pháp luật./.

(TTXVN/Vietnam+)