Công nhân Công ty TNHH May Nien Hsing Ninh Bình, khu công nghiệp Khánh Phú, huyện Yên Khánh, Ninh Bình thực hiện nghiêm quy định phòng, chống dịch COVID-19. (Ảnh: Đức Phương/TTXVN)
Ngày Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đang đến rất gần.
Trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát, tấn công vào một số khu công nghiệp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc làm, đời sống của công nhân, người lao động, việc đảm bảo an toàn cho công nhân, người lao động tham gia bầu cử, thể hiện quyền công dân của mình là nhiệm vụ rất quan trọng của tổ chức Công đoàn.
Tạo mọi điều kiện để đoàn viên hoàn thành nhiệm vụ của cử tri
Anh Nguyễn Bá Vinh, đang làm việc tại Khu Công nghiệp Quang Minh (Hà Nội),cho biết đây là lần thứ 3 được đi bầu cử, thực hiện nghĩa vụ của một công dân.
Tuy nhiên, khác với những lần bầu cử trước, anh cũng như những công nhân lao động khác vừa phải phòng, chống dịch, vừa hoàn thành công việc tại doanh nghiệp, vừa thực hiện quyền công dân.
"Công đoàn Công ty đã hướng dẫn chi tiết về cuộc bầu cử, từ giới thiệu tiểu sử các ứng viên, đến cách thức đi bỏ phiếu, kỹ năng phòng dịch... Địa phương cũng tuyên truyền, thông tin về bầu cử hàng ngày trên xe lưu động. Nhờ vậy, chúng tôi đều hiểu rõ và chỉ còn chờ ngày đi bỏ phiếu," anh Vinh chia sẻ.
Hầu hết Công đoàn cơ sở tại các doanh nghiệp đều khẳng định công ty rất quan tâm đến cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.
Khi nhận được hướng dẫn của chính quyền, Công đoàn đã phối hợp với Chi bộ Đảng tổ chức tuyên truyền cho công nhân lao động hiểu rõ về quyền lợi và trách nhiệm, nghĩa vụ của công dân.
Nhiều tổ chức Công đoàn tại các doanh nghiệp cho biết, công ty sẽ cho người lao động nghỉ làm ngày 23/5 để tham gia bỏ phiếu. Một số doanh nghiệp không thể ngừng hoạt động vẫn tạo điều kiện để công nhân đi bầu cử rồi quay lại làm việc.
[Bầu cử Quốc hội và Hội đồng Nhân dân: Chính sách dân tộc nhất quán]
Xác định bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 là sự kiện chính trị đặc biệt quan trọng, Liên đoàn Lao động thị xã Duy Tiên (tỉnh Hà Nam) cho biết đã xây dựng kế hoạch hướng dẫn về công tác tuyên truyền bầu cử.
Nội dung tuyên truyền tập trung nêu bật mục đích, ý nghĩa của cuộc bầu cử lần này cũng như quyền, nghĩa vụ của đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động, quyền, nghĩa vụ của người sử dụng lao động. Qua đó, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của chủ sử dụng lao động, của đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động.
"Quà rà soát cho thấy, các doanh nghiệp đã xây dựng kế hoạch cho công nhân, người lao động nghỉ trong Ngày Bầu cử để thực hiện quyền, nghĩa vụ công dân của mình. Một số doanh nghiệp do điều kiện sản xuất kinh doanh không cho phép cũng có kế hoạch phân ca làm việc để cử tri là công nhân được về nơi đăng ký bỏ phiếu, thực hiện quyền công dân của mình," Chủ tịch Liên đoàn Lao động thị xã Duy Tiên Lê Thị Thu Phương cho biết.
Theo Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Nguyễn Phi Thường, các cấp Công đoàn đã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để công nhân nhận thức đúng đắn về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; quyền và nghĩa vụ của công dân trong công tác bầu cử.
Tổ chức Công đoàn cử cán bộ theo sát các thông tin trên mạng xã hội (zalo, facebook...), để chủ động xây dựng phương án xử lý tình huống trong mọi hoàn cảnh; cảnh giác không bị các đối tượng lôi kéo, kích động tham gia vào các hoạt động gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Để trang bị kiến thức cơ bản cho công nhân, người lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã tổ chức Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu pháp luật về bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp trong hai tuần (3-16/5/2021).
Theo Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Trần Thanh Hải, Cuộc thi đã thu hút hơn 534 nghìn lượt công nhân, viên chức, lao động tham gia và có tới 39 nghìn công nhân, viên chức, lao động trả lời đúng 100% câu hỏi trắc nghiệm.
"Cuộc thi là một hoạt động thiết thực nhằm cụ thể hóa nhiệm vụ tuyên truyền chính trị - pháp luật, giúp cho đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động hình thành thói quen tự giác, quan tâm và chủ động tìm hiểu để nâng cao nhận thức, ý thức tuân thủ pháp luật", ông Trần Thanh Hải cho biết.
Quyết tâm không để COVID-19 lây lan trong bầu cử
Theo thống kê của tổ chức Công đoàn Việt Nam, cả nước hiện có 369 khu công nghiệp tập trung, gần 30 khu kinh tế cửa khẩu, khu chế xuất với khoảng 3,8 triệu lao động; khoảng 700 cụm công nghiệp đang hoạt động với xấp xỉ 600.000 lao động.
Thực hiện mục tiêu kép vừa sản xuất, kinh doanh vừa phòng chống dịch, các nhà máy chế biến yêu cầu công nhân, lao động nghiêm túc thực hiện thông điệp 5K. (Ảnh: Thanh Vân/TTXVN)
Trong bối cảnh dịch COVID-19 đang bùng phát, việc tổ chức cho đội ngũ công nhân, lao động tham gia bỏ phiếu an toàn là nhiệm vụ được tổ chức Công đoàn xác định, xây dựng các phương án, kế hoạch chi tiết.
Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Nguyễn Phi Thường cho hay đến nay, các cấp Công đoàn đã nắm bắt chặt chẽ tình hình công nhân, lao động và quan hệ lao động, đảm bảo an toàn tuyệt đối phục vụ công tác bầu cử; không để tranh chấp lao động, đình công, biểu tình hoặc các hành vi lôi kéo kích động chống phá xảy ra.
Công đoàn cơ sở đã phối hợp với người sử dụng lao động duy trì việc làm, quan tâm, đảm bảo đời sống, thu nhập của người lao động; các chế độ, chính sách đối với công nhân, lao động bị ngừng việc, bị cách ly do dịch COVID-19; xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp.
"Chúng tôi thường xuyên tổ chức các buổi giao lưu trực tuyến với công nhân, lao động để tuyền truyền về công tác bầu cử, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân đối với công nhân lao động; phối hợp chặt chẽ với Ban Quản lý các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội, chính quyền địa phương rà soát, thống kê, giám sát chặt chẽ những biến động của cử tri là công nhân, lao động tham gia bỏ phiếu ở các điểm bầu cử ở khu công nghiệp, để có biện pháp điều chỉnh kịp thời," ông Nguyễn Phi Thường cho biết.
Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang thông tin, từ khi đợt dịch lần thứ 4 bùng phát đến nay, Tổng Liên đoàn đã ban hành 3 văn bản chỉ đạo hệ thống Công đoàn tích cực, chủ động tham gia công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Tổng Liên đoàn đã chỉ đạo các cấp Công đoàn chủ động, quyết liệt có cách tiếp cận, tư tưởng, quan điểm chỉ đạo mới trong phòng, chống dịch; tiếp tục quán triệt nghiêm các văn bản chỉ đạo của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19.
Đồng thời, tuyên truyền, vận động đoàn viên, người lao động yên tâm sản xuất, không chủ quan, lơ là, nhưng cũng không quá hoang mang, lo sợ, mất bình tĩnh trước diễn biến mới của dịch bệnh; thực hiện nghiêm túc, quyết liệt các giải pháp của cấp ủy, chính quyền địa phương; tuân thủ nghiêm quy định 5K, nhất là việc bắt buộc đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà và yêu cầu khai báo y tế; thông báo cho cơ sở y tế gần nhất khi cá nhân có dấu hiệu nghi mắc dịch bệnh...
Theo Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, thời gian từ nay đến Ngày Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, các cấp Công đoàn phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và người sử dụng lao động triển khai đồng bộ các giải pháp, phương án về bầu cử theo hướng dẫn, chỉ đạo của Hội đồng Bầu cử Quốc gia, trong đó có giải pháp, phương án cụ thể đối với công nhân, lao động trong diện phải cách ly y tế.
Các cấp Công đoàn nắm chắc tình hình công nhân, lao động để kịp thời phản ánh đến Ban Chỉ đạo bầu cử ở địa phương; tuyên truyền, vận động, tạo điều kiện thuận lợi để cử tri là đoàn viên, người lao động đề cao trách nhiệm công dân, gương mẫu tham gia bầu cử theo quy định, tuân thủ quy định phòng, chống dịch tại nơi bầu cử, góp phần cùng cả nước tổ chức thành công cuộc bầu cử.../.
Đỗ Bình / (TTXVN/Vietnam+)