Đảm bảo các điều kiện phòng chống COVID-19 trong thời điểm bầu cử

(TTXVN/Vietnam+)
Các địa phương Đà Nẵng, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đắk Lắk đã chuẩn bị các tình huống cụ thể nhằm đảm bảo việc bầu cử được diễn ra an toàn phù hợp với các qjuy định phòng chống COVID-19.
Dam bao cac dieu kien phong chong COVID-19 trong thoi diem bau cu hinh anh 1Ủy ban Bầu cử thành phố Đà Nẵng hướng dẫn quy trình cho các cán bộ Tổ bầu cử số 3 phường Khuê Trung (quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng). (Ảnh: Quốc Dũng/TTXVN)

Các địa phương Đà Nẵng, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đắk Lắk đã chuẩn bị các tình huống cụ thể nhằm đảm bảo việc bầu cử được diễn ra an toàn phù hợp với các qjuy định phòng chống COVID-19.

Đà Nẵng diễn tập 4 tình huống bầu cử Quốc hội và Hội đồng Nhân dân trong dịch COVID-19

Sáng 9/5, Ủy ban Bầu cử thành phố Đà Nẵng tổ chức diễn tập đảm bảo y tế, phòng, chống dịch COVID-19 phục vụ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 tại thành phố Đà Nẵng.

Buổi diễn tập gồm có 4 tình huống, nhằm tăng cường việc chủ động ứng phó có hiệu quả với các tình huống dịch COVID-19 cho các thành viên của Tổ bầu cử trong quá trình triển khai các hoạt động bầu cử.

Cụ thể, tình huống 1 là: Thực hiện bầu cử tại một khu vực bỏ phiếu cố định, được diễn tập tại điểm bỏ phiếu của Tổ bầu cử số 3 phường Khuê Trung (quận Cẩm Lệ). Ban tổ chức đã bố trí nhân lực tại cổng ra vào để kiểm tra khai báo y tế đối với cử tri vãng lai, kiểm tra thân nhiệt, hướng dẫn phòng, chống dịch và sàng lọc nhanh sức khỏe công dân đến bỏ phiếu về các biểu hiện sốt, ho, khó thở và thực hiện khử khuẩn.

Đồng thời, đảm bảo 100% thành viên Tổ bầu cử phải được đo thân nhiệt trước khi phục vụ bầu cử; đảm bảo 100% cử tri phải đeo khẩu trang, đo thân nhiệt trước khi vào bỏ phiếu bầu cử. Ban tổ chức cũng hướng dẫn Tổ bầu cử bố trí lực lượng giám sát, đề nghị tất cả người tham gia bầu cử thực hiện quy định 5K; hướng dẫn thu gom khẩu trang đã qua sử dụng vào thùng đựng chất thải; giả định tình huống cho Ủy ban Bầu cử, Ban bầu cử, Tổ bầu cử và các lực lượng chức năng liên quan khi phát hiện cử tri có triệu chứng sốt, ho, đau họng, khó thở… trong quá trình đi bầu cử.

Trong tình huống này, Ủy ban Bầu cử cũng hướng dẫn Tổ Y tế-Phòng, chống dịch, chịu trách nhiệm đảm bảo công tác y tế (phòng chống dịch, kiểm tra sức khỏe của cử tri, vệ sinh phòng dịch...); thành phần Tổ Y tế tối thiểu phải có 1 cán bộ y tế/khu vực bỏ phiếu. Đặc biệt, mỗi khu vực bầu cử sẽ có khu vực cách ly tạm thời đối với các trường hợp có biểu hiện sốt, ho, khó thở, nghi ngờ mắc COVID-19, được trang bị: bàn ghế, dung dịch khử khuẩn tay, găng tay, khẩu trang, đồ bảo hộ...

Tình huống 2 được diễn tập là: Tổ chức bầu cử cho một hộ dân đang thực hiện cách ly tại nhà. Lúc này, các cán bộ bầu cử sẽ trang bị khẩu trang, găng tay, kính chống giọt bắn rồi vận chuyển thùng phiếu phụ, danh sách ứng cử viên, phiếu bầu cử, bút, dung dịch khử khuẩn, bao đựng rác... đến nhà người đang cách ly.

Các cán bộ bầu cử không vào nhà cử tri mà đặt hòm phiếu phụ ngoài khuôn viên nhà của cử tri, rồi dùng loa gọi, hướng dẫn người cách ly cách thức bầu cử và phòng, chống dịch trong bầu cử: Đeo khẩu trang, khử khuẩn tay. Sau khi cử tri bỏ phiếu xong: cán bộ phun khử khuẩn hòm phiếu và các đồ vật khác, dán hòm phiếu và vận chuyển về Điểm bầu cử.

Tình huống 3 được diễn tập tại Trung tâm Y tế quận Cẩm Lệ: Tổ chức Bầu cử cho người đang thực hiện cách ly tại khu cách ly tập trung, bệnh viện, cơ sở y tế (bệnh nhân nghi ngờ, xác định mắc COVID-19).

Lúc này, tất cả các cán bộ bầu cử phải đứng ngoài hàng rào và mặc đồ bảo hộ y tế đúng quy định, hòm phiếu và bàn đựng phiếu để sát bên ngoài hàng rào, còn người cách ly đứng xếp hàng giãn cách trong khu vực cách ly.

Sau đó, cán bộ hướng dẫn người cách ly cách thức bầu cử và hướng dẫn phòng chống dịch trong bầu cử (đeo khẩu trang, khử khuẩn tay trước khi nhận phiếu bầu cử, khử khuẩn tay lần 2 trước khi viết phiếu bầu cử, khử khuẩn tay lần 3 sau khi bỏ phiếu). Cán bộ bầu cử đứng ngoài giám sát, nhắc nhở cử tri thực hiện bầu cử an toàn theo quy trình đã được hướng dẫn.

Tình huống cuối cùng là: Tổ chức bầu cử trong Khu cách ly tập trung, khu vực phong tỏa hoặc giãn cách theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ. Tình huống này được tiến hành tương tự tình huống 3, nhưng sẽ có thêm công an khu vực để phối hợp ổn định tình hình an ninh, trật tự trong quá trình bầu cử.

Sau quá trình bầu cử, Tổ bầu cử sẽ phun khử khuẩn Hòm phiếu và các đồ vật khác; đeo khẩu trang, găng tay, vận chuyển hòm phiếu và các đồ vật khác về địa điểm tập kết hòm phiếu. Sau đó, lực lượng phục vụ và cử tri tiếp tục tự theo dõi sức khỏe 14 ngày, thực hiện nghiêm túc các biện pháp 5K, nếu có biểu hiện sốt ho, khó thở thông báo ngay cho cơ quan y tế.

Ông Phan Thanh Long, Trưởng ban Pháp chế Hội đồng Nhân dân thành phố Đà Nẵng, thành viên Ủy ban Bầu cử thành phố Đà Nẵng cho biết: Trong 4 tình huống này, chúng tôi đánh giá tình huống tổ chức bầu cử tại các khu dân cư cách ly tập trung, khu vực phong tỏa sẽ có nhiều khó khăn, trong việc hướng dẫn người dân bỏ phiếu theo đúng quy định.

Ủy ban Bầu cử thành phố đã chỉ đạo các quận huyện, phường xã tập trung thực hiện, triển khai đúng quy trình đã đề ra, chuẩn bị đầy đủ dụng cụ và các hòm phiếu phụ để phục vụ riêng cho các điểm cách ly. Trong buổi diễn tập này, Ban tổ chức đã ghi hình cụ thể tất cả các bước xử lý trong các tình huống, sau đó sẽ dựng thành clip hướng dẫn chung cho tất cả các Tổ bầu cử trong toàn thành phố.

Đắk Lắk tổ chức hội nghị tiếp xúc giữa cử tri với người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV theo hình thức trực tuyến

Ngày 9/5, Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk ban hành Công văn số 507 thông báo ý kiến chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy Đắk Lắk về việc thay đổi hình thức tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri, vận động bầu cử giữa cử tri với người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV tại tỉnh Đắk Lắk.

Theo đó, Thường trực Tỉnh ủy Đắk Lắk thống nhất thay đổi hình thức tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri từ trực tiếp sang trực tuyến; quá trình tổ chức phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh Đắk Lắk và hướng dẫn của ngành Y tế.

Trước đó, trong cùng ngày 9/5, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đắk Lắk ban hành Công văn số 886 về thay đổi hình thức tổ chức hội nghị tiếp xúc, vận động bầu cử giữa cử tri với người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV tại tỉnh Đắk Lắk.

Công văn nêu rõ, dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, khó lường; tỉnh Đắk Lắk đã xuất hiện ca dương tính với virus SARS-CoV-2 trong cộng đồng.

Do đó, từ ngày 10/5-11/5/2021, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đắk Lắk sẽ tổ chức điểm cầu trực tuyến tại Hội trường họp trực tuyến của Ủy ban nhân dân tỉnh để 15 người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV ở tỉnh Đắk Lắk tiếp xúc với cử tri của 3 đơn vị bầu cử để vận động bầu cử.

Tại điểm cầu của các huyện, thị xã, thành phố, cử tri sẽ được mời dự để nghe chương trình hành động của những người ứng cử. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đắk Lắk đề nghị các huyện, thị xã, thành phố chủ động bố trí tổ chức hội nghị, kết nối đường truyền về điểm cầu cấp xã theo điều kiện thực tế của địa phương, hướng dẫn cử tri thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 và phối hợp với điểm cầu cấp tỉnh để hội nghị diễn ra thuận lợi, thành công, an toàn.

Việc tổ chức các hội nghị tiếp xúc giữa cử tri với người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV tại tỉnh Đắk Lắk theo hình thức trực truyến nhằm đảm bảo quyền lợi của những người ứng cử theo quy định, việc vận động bầu cử được diễn ra an toàn và phù hợp với yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19.  

Trước đó, trong 3 ngày (5-7/5), Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức 100 cuộc tiếp xúc trực tiếp giữa cử tri với 125 người ứng cử đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh Đắk Lắk khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 để vận động bầu cử tại 20 đơn vị bầu cử.

Bà Rịa-Vũng Tàu tổ chức vận động bầu cử cả trực tiếp và trực tuyến

Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Bầu cử tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Mai Ngọc Thuận cho biết, trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, để bảo đảm an toàn sức khỏe cho các ứng cử viên, cử tri và cuộc bầu cử diễn ra trọn vẹn, Ủy ban Bầu cử, Ủy ban Nhân dân và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh đã quyết định tổ chức các Hội nghị vận động bầu cử giữa ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh, cấp huyện nhiệm kỳ 2021-2026 với cử tri theo hình thức cả trực tiếp và trực tuyến.

Dam bao cac dieu kien phong chong COVID-19 trong thoi diem bau cu hinh anh 2Bà Rịa-Vũng Tàu tổ chức bầu cử sớm cho cán bộ, chiến sỹ, người lao động làm việc dài ngày trên biển. (Ảnh: Đoàn Mạnh Dương/TTXVN)

Theo đó, các ứng cử viên có mặt tại điểm cầu chính ở trụ sở Ủy ban Nhân dân các huyện, thị xã, thành phố để tiếp xúc với cử tri các địa phương qua màn hình, âm thanh kết nối trực tuyến với các điểm cầu tại trụ sở Ủy ban Nhân dân các xã, phường, thị trấn.

Đến nay, Ủy ban Bầu cử tỉnh đã xây dựng xong phương án cho các hội nghị vận động bầu cử để triển khai. Cụ thể, các ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XV thuộc Đơn vị Bầu cử số 1 tiếp xúc trực tuyến với cử tri huyện Đất Đỏ vào sáng 10/5, cử tri huyện Long Điền vào chiều 10/5. Riêng hội nghị vận động bầu cử với cử tri của huyện Côn Đảo vào sáng 11/5 của Đơn vị Bầu cử số 1, các ứng cử viên sẽ có mặt điểm cầu chính tại Hội trường Thành ủy thành phố Vũng Tàu.

Còn các ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XV thuộc Đơn vị Bầu cử số 2 sẽ tiếp xúc trực tuyến với cử tri  huyện Châu Đức vào sáng 10/5, cử tri huyện Xuyên Mộc vào chiều 10/5.

Trước đó, từ ngày 4 đến 7/5, các ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XV thuộc Đơn vị Bầu cử số 1 tiếp xúc trực tiếp với cử tri thành phố Vũng Tàu; các ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XV thuộc Đơn vị Bầu cử số 2 đã tiếp xúc trực tiếp với cử tri thành phố Bà Rịa, thị xã Phú Mỹ để vận động bầu cử.

Đối với các ứng cử viên đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh và cấp huyện nhiệm kỳ 2021-2026 thuộc 11 Đơn vị Bầu cử, các hội nghị tiếp xúc cử tri để vận động bầu cử cũng được tổ chức theo hình thức trên từ sáng 11/5 đến ngày 13/5.

Ủy ban Bầu cử tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, hiện trang thiết bị và hệ thống công nghệ thông tin của tỉnh hoàn toàn đủ khả năng đáp ứng tổ chức các hội nghị trực tuyến, bảo đảm kết nối thông suốt từ các điểm cầu chính đến các điểm cầu tại Ủy ban Nhân dân các xã, phường, thị trấn trên địa bàn.

Các ứng cử viên tiếp xúc cử tri, vận động bầu cử tại Ninh Thuận 

Những ngày qua, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Ninh Thuận liên tục tổ chức nhiều hội nghị để 10 ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, nhiệm kỳ 2021-2026 tiếp xúc cử tri; trình bày chương trình hành động của mình với cử tri tại các địa phương trong toàn tỉnh.

Sau khi đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh giới thiệu tóm tắt tiểu sử của các ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XV tại đơn vị bầu cử, các ứng cử viên đã trình bày trước cử tri về tiểu sử, quá trình công tác của bản thân; đồng thời đề ra chương trình hành động của mình nếu được cử tri tín nhiệm bầu làm đại biểu Quốc hội khóa XV.

Các ứng cử viên đều thể hiện quyết tâm cao khi được tín nhiệm, trúng cử sẽ không ngừng nỗ lực trong công tác, tích cực đóng góp công sức, trí tuệ trong quá trình xây dựng và thực thi pháp luật; đồng thời tích cực đề xuất những cơ chế, chính sách hợp với nguyện vọng của người dân, nhất là vấn đề mà người dân bức xúc, mong muốn được giải quyết để đảm bảo an sinh xã hội, phát triển kinh tế.

Ông Nguyễn Đình Khang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (ứng cử viên đại biểu Quốc hội tại Ninh Thuận) cho biết, rất phấn khởi vì được tham gia ứng cử tại Ninh Thuận, một địa phương giàu truyền thống cách mạng, giàu lòng nhân ái. Những năm qua, kinh tế-xã hội của tỉnh có bước phát triển khá mạnh mẽ, trở thành một trong ít tỉnh có tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 12,17%. Tuy nhiên, thực tế sự phát triển của tỉnh chưa bền vững trước khó khăn, thách thức đang tác động ở phía trước.

Ông Nguyễn Đình Khang nhấn mạnh, với cương vị đảm nhiệm hiện nay, nếu được cử tri trong tỉnh tín nhiệm bầu làm đại biểu Quốc hội khóa XV, bản thân ông sẽ cố gắng nỗ lực cùng với các đại biểu Quốc hội đem hết sức lực để tạo cầu nối, đề xuất và kiến nghị với Chính phủ, Quốc hội, các bộ, ngành Trung ương quan tâm hỗ trợ, tạo động lực để tỉnh có thêm nhiều điều kiện phát triển, sớm trở thành địa phương phát triển khá của khu vực và cả nước theo mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đề ra; đồng thời để thực hiện hiệu quả Nghị quyết 115/NQ-CP ngày 31/8/2018 về một số cơ chế đặc thù hỗ trợ tỉnh phát triển kinh tế-xã hội, ổn định đời sống nhân dân giai đoạn 2018-2023.   

Qua chương trình hành động của các ứng cử viên, đa số cử tri trong tỉnh đều thể hiện sự đồng tình, nhất trí cao với các chương trình hành động được nêu lên tại hội nghị. Tuy nhiên, đại đa số cử tri của tỉnh Ninh Thuận đều mong muốn các ứng cử viên nếu trúng cử cần thực hiện đúng theo chương trình hành động đã đề ra, nhất là phải tích cực, chủ động tham mưu với Đảng, Nhà nước, với Quốc hội có chủ trương, đề ra những quyết sách, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội nói chung và nhất là tỉnh còn khó khó khăn như Ninh Thuận.

Các cử tri mong muốn, trên cơ sở chương trình hành động của mình, các đại biểu nếu trúng cử hãy cố gắng cùng cấp ủy, chính quyền địa phương ở tỉnh thực hiện cho bằng được chương trình hành động đưa ra, để góp phần xây dựng kinh tế-xã hội của tỉnh phát triển một cách bền vững; tích cực tiếp thu ý kiến cử tri để đưa đến diễn đàn Quốc hội, Chính phủ và cấp có thẩm quyền để xem xét, giải quyết thỏa đáng đúng pháp luật mà cử tri mong muốn.

Theo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Ninh Thuận, các hội nghị tiếp xúc cử tri của những người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV được tổ chức từ ngày 4-10/5. Ninh Thuận có 10 người tham gia ứng cử viên đại biểu Quốc hội, được chia làm hai đơn vị bầu cử.

Theo đó, đơn vị bầu cử số 1 gồm ông Nguyễn Đình Khang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; ông Trần Quốc Nam, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận; bà Chamaléa Thị Thủy, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy; bà Nguyễn Thị Kim Sáng, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Thuận Bắc; ông Lê Quý Vỹ, Phó Trưởng Phòng Tổ chức hành chính, Chi nhánh xăng dầu Ninh Thuận.

Đơn vị bầu cử số 2 gồm ông Phan Xuân Dũng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học-Kỹ thuật Việt Nam; ông Trần Đình Giang, Phó Trưởng Phòng Quản lý Văn hóa và Gia đình-Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; bà Tạ Yên Thị Lâm Hội, Bí thư Huyện đoàn Bác Ái; bà Đàng Thị Mỹ Hương, Trưởng ban Văn hóa-Xã hội Hội đồng Nhân dân tỉnh; ông Nguyễn Văn Thuận, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Ninh Thuận./.

(TTXVN/Vietnam+)