Ảnh minh hoạ. (Ảnh: VNPT)
Chuẩn bị cho ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, từ vài tháng nay, các doanh nghiệp viễn thông đã lên phương án bảo đảm mạng lưới, an toàn an ninh thông tin phục vụ ngày bầu cử diễn ra trên toàn quốc vào 23/5/2021 sắp tới tới.
Tổng công ty Viễn thông MobiFone cho biết bộ phận kỹ thuật MobiFone đã thực hiện đo kiểm, bảo dưỡng thiết bị, đường truyền tại các đài, nhà, trạm viễn thông của tổng công ty trên toàn quốc.
Cùng với đó, MobiFone đã xây dựng phương án ứng cứu tình huống, sự cố bất thường gây tắc nghẽn mạng, dịch vụ viễn thông, Internet với mục tiêu bảo đảm mạng lưới hoạt động thông suốt, an toàn, an ninh.
Đại diện Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông (Viettel) cũng cho hay Viettel đã phủ sóng tới các khu vực, địa điểm bầu cử trong cả nước, gồm cả vùng sâu, vùng xa, quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1.
Việc bầu cử duy trì giãn cách do ảnh hưởng dịch COVID-19, nên sẽ không có hiện tượng nghẽn mạng tại các điểm bỏ phiếu; song hoạt động bầu cử lại trải khắp cả nước, nên Viettel chuẩn bị tài nguyên dự phòng và bố trí lực lượng kỹ thuật trực ở 63 tỉnh, thành phố để sẵn sàng trong mọi tình huống phát sinh.
[Tạo điều kiện thuận lợi nhất để cử tri thực hiện quyền chính trị]
Với Tập đoàn Bưu chính-Viễn thông Việt Nam (VNPT), bên cạnh việc rà soát, đánh giá năng lực mạng lưới, đại diện tập đoàn cho biết đã lên phương án dự phòng nhằm bảo đảm an toàn mạng lưới cho ngày 23/5 tới.
Cụ thể, VNPT bổ sung dự phòng tại Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh; chia sẻ hợp tác truyền dẫn trong nước, quốc tế với các nhà mạng khác nhằm phục vụ hệ thống vận hành khai thác mạng lưới an toàn, hiệu quả trong mọi tình huống. Bên cạnh đó, tập đoàn cũng sẵn sàng các phương án tối ưu như mở băng thông đường truyền Internet, lắp đặt bổ sung trạm wifi, tăng cường phát sóng lưu động...
Về bảo đảm an toàn, an ninh thông tin cho ngày bầu cử trong bối cảnh dịch COVID-19, Viettel đã xây dựng đầy đủ các phương án ứng cứu thông tin, tổ chức lực lượng nhân sự trực dã chiến 50% quân số tại đơn vị để giám sát, điều hành mạng lưới và 50% quân số làm việc từ xa. Tại các khu vực bầu cử lớn, Viettel cử lực lượng kỹ thuật trực ém quân, tuần tra tuyến cáp, kiểm soát dịch vụ chặt chẽ và an toàn.
"Các giải pháp của Viettel được tính toán kỹ lưỡng để sẵn sàng xử lý chéo công việc, duy trì an toàn mạng lưới, dịch vụ thông suốt trong trường hợp có đơn vị bị cách ly. Ngay cả khi có thị trường nước ngoài của Viettel bị ảnh hưởng, bộ máy kỹ thuật tại Việt Nam có thể kết nối, quản lý hệ thống mạng lưới để bảo đảm dịch vụ cho khách hàng", ông Nguyễn Văn Quyết, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Mạng lưới Viettel cho biết.
Tương tự, đại diện MobiFone cho biết sẽ chủ động triển khai hàng loạt nghiệp vụ bảo đảm an ninh các dịch vụ thoại, internet, nhắn tin, hệ thống web; bảo đảm đáp ứng yêu cầu định danh; an toàn vùng phủ.
Đặc biệt, MobiFone quán triệt đến toàn thể đội ngũ nâng cao tinh thần cảnh giác, kịp thời phát hiện ngăn chặn các hành vi lợi dụng mạng lưới viễn thông và Internet để gửi, phát tán nội dung trái pháp luật, phát tán virus phá hoại; bảo vệ các trang thông tin điện tử khỏi các cuộc tấn công mạng...
VNPT cho biết đơn vị này cũng đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng triển khai các biện pháp để phát hiện, ngăn chặn và kịp thời xử lý các hành vi, âm mưu lợi dụng mạng lưới viễn thông, Internet để gửi, phát tán nội dung phản động, trái pháp luật; hoặc phát tán virus phá hoại các trang thông tin điện tử của các cơ quan Đảng, Nhà nước./.
Minh Sơn / (Vietnam+)