Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố chủ trì họp trực tuyến với các địa phương triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn, thành công cho ngày bầu cử. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)
Sáng 21/5, tại cuộc họp giao ban trực tuyến giữa Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch COVID-19 thành phố Hà Nội với các quận, huyện, thị xã, Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh nhấn mạnh, sắp tới Ngày Bầu cử, các cấp, ngành và người dân tuyệt đối không lơ là, mất cảnh giác, quán triệt sâu sắc hơn nữa tinh thần của Thủ tướng Chính phủ.
Các lực lượng cần bản lĩnh, xử lý vấn đề bình tĩnh, chủ động, quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả, hướng tới đảm bảo tổ chức cuộc bầu cử thành công, an toàn, đúng luật, thực sự là Ngày hội của cử tri.
Vững tin với phương châm nguyên tắc đã triển khai trong thời gian qua, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội yêu cầu các cơ quan, địa phương tổ chức kiểm tra chặt chẽ thường xuyên, liên tục nhân sự, quy trình phòng, chống dịch, phương án hỗ trợ đặc biệt tại các tổ bầu cử, đảm bảo an toàn tuyệt đối các lực lượng phục vụ bầu cử.
Đặc biệt, các địa phương cần xây dựng các phương án phòng, chống dịch bệnh theo từng tình huống, chủ động, sáng tạo, linh hoạt trong việc phân chia các tổ bầu cử đảm bảo hiệu quả nhất.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh lưu ý các địa phương tăng cường công tác phòng, chống dịch tại các địa điểm bầu cử, đặc biệt trong trường hợp tổ chức bầu cử cho người đang cách ly tại nhà, khu cách ly tập trung, cách ly tại khách sạn, cách ly ở bệnh viện, khu vực đang bị phong tỏa theo quy định của Bộ Y tế; tổ chức lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 trước và sau thực hiện nhiệm vụ cho cán bộ thành viên của tổ bầu cử tại điểm bầu cử ở khu vực cách ly tập trung và nơi thực hiện cách ly xã hội hoặc phong tỏa; tổ chức lấy mẫu và xét nghiệm SARS-CoV-2 sau khi bỏ phiếu cho cử tri có tiếp xúc gần nếu có trường hợp nghi ngờ hoặc mắc COVID-19 thuộc khu vực điểm bỏ phiếu bầu cử.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội yêu cầu các cơ quan, địa phương huy động sức mạnh tổng hợp, sự tham gia của cả hệ thống chính trị địa phương, nhất là sự tiên phong gương mẫu của người đứng đầu các cấp, ngành, các tổ phòng, chống COVID-19 cộng đồng và sự đồng thuận của người dân tham gia công tác phòng, chống dịch trên địa bàn; kiểm soát chặt chẽ có hiệu quả dịch bệnh tại các ổ dịch trên địa bàn thành phố, đặc biệt là các ổ dịch mới phát sinh; đồng thời, rà soát toàn bộ các ổ dịch, tuyệt đối không được để lây nhiễm dịch bệnh trong hệ thống chính quyền các cấp.
[Chủ tịch Hà Nội: Rà soát phương án phòng dịch đến từng điểm bỏ phiếu]
Theo nhận định của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố, Hà Nội đang kiểm soát tốt dịch bệnh, nhưng nguy cơ lây lan dịch bệnh vẫn ở mức rất cao.
Kết quả giải trình tự gen xác định chủng virus gây bệnh tại Hà Nội là biến thể kép ở Ấn Độ. Đây là biến thể nguy hiểm có khả năng lây lan nhanh chóng.
Bên cạnh đó, tình hình dịch bệnh tại các tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh tiếp tục diễn biến hết sức phức tạp, tốc độ lây nhiễm nhanh, số ca mắc mới tăng cao ở các nhà máy trong khu công nghiệp. Trong khi đó, nhiều công nhân làm việc tại đây nhưng cư trú trên địa bàn Hà Nội. Đây là nguồn nguy cơ cao đối với Hà Nội.
Ngoài ra, địa bàn Hà Nội còn ổ dịch tại Bệnh viện K cơ sở Tân Triều, tuy đã được phong tỏa nhưng vẫn tiếp tục ghi nhận các ca mắc mới trong bệnh viện.
Ngành Y tế nhận định, hiện các quận, huyện: Sóc Sơn, Đông Anh, Gia Lâm, Mê Linh, Thường Tín, Thanh Trì, Phúc Thọ, Thanh Xuân, Hà Đông… vẫn là những đơn vị có nguy cơ cao. Do đó, những địa phương này cần tập trung quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch.
Từ ngày 29/4 đến sáng 21/5, Hà Nội ghi nhận 98 ca mắc tại 18 quận, huyện, liên quan đến 4 chùm ca bệnh: thành phố Đà Nẵng, Bệnh viện K cơ sở Tân Triều, tỉnh Hưng Yên, tỉnh Bắc Ninh. Toàn thành phố hiện còn 44 điểm phong tỏa với 24.436 người.
Việc phong tỏa được thực hiện linh hoạt, phong tỏa rộng để xét nghiệm sàng lọc đánh giá nguy cơ, sau đó thu hẹp quy mô phù hợp với tình hình thực tế nhưng kiểm soát chặt chẽ khu vực phong tỏa.
Về công tác rà soát, quản lý, xét nghiệm người về từ các khu công nghiệp, Sở Y tế Hà Nội đã chỉ đạo lấy mẫu người làm việc tại các khu công nghiệp tỉnh Bắc Giang là 425 người, đến nay chưa phát hiện trường hợp mắc; lấy mẫu người làm tại các khu công nghiệp tỉnh Bắc Ninh là 1.639 người và chưa phát hiện trường hợp mắc.
Các cụm áp phích cổ động bầu cử được bố trí trên nhiều tuyến phố của Hà Nội. (Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN)
Thông tin tại buổi giao ban, đại diện Ban Quản lý các Khu Công nghiệp và Chế xuất Hà Nội cho biết, Ban đã phối hợp với khu công nghiệp các tỉnh lân cận tăng cường phối hợp phòng, chống dịch. Các khu công nghiệp của Hà Nội và Bắc Ninh đã tạm dừng nhận người lao động từ các khu công nghiệp của Bắc Giang.
Bên cạnh đó, Ban Quản lý đã yêu cầu các khu công nghiệp tại Hà Nội yêu cầu các doanh nghiệp rà soát biện pháp phòng, chống dịch tại đơn vị; người lao động ký cam kết với chủ sử dụng lao động hết giờ làm phải về nhà ngay. Doanh nghiệp ký cam kết phải chịu trách nhiệm hoàn toàn khi để xảy ra các trường hợp mắc COVID-19 tại đơn vị.
Ban Quản lý xây dựng xong phần mềm khai báo COVID-19, hiện đã thống kê được số lượng xe đưa đón công nhân, số phân xưởng tại nhà máy; thành lập 9 tổ công tác tại 9 khu công nghiệp để tiến hành rà soát, thanh tra kiểm tra thường xuyên công tác phòng, chống dịch.
Riêng về Ngày Bầu cử 23/5, Ban Quản lý các Khu Công nghiệp và Chế xuất Hà Nội yêu cầu các doanh nghiệp tạo điều kiện cho người lao động đi bỏ phiếu, thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân.
Đối với công tác phòng, chống dịch trong lĩnh vực giao thông, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đề nghị Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch COVID-19 thành phố chỉ đạo các địa phương tổ chức tuyên truyền cho các xe ôm truyền thống về quy định phòng, chống dịch.
Các phương tiện phải có nước sát khuẩn và tuyệt đối từ chối khách không đeo khẩu trang. Đối với xe ôm công nghệ, Sở Giao thông Vận tải yêu cầu các doanh nghiệp phải có biện pháp lưu trữ thông tin hành khách để thực hiện truy vết khi cần thiết.
Thanh tra Sở bố trí 9 chốt kiểm tra phương tiện kinh doanh vận tải, đề nghị thành phố chỉ đạo các địa phương bố trí lực lượng phối hợp với các chốt này để kiểm tra toàn bộ các phương tiện lưu thông./.
Nguyễn Cúc / (TTXVN/Vietnam+)