Hà Nội hiện có 200 ca mắc COVID-19, trong đó hơn một nửa số ca xuất phát từ 2 bệnh viện lớn của Trung ương đóng trên địa bàn là Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 và Bệnh viện K cơ sở Tân Triều. Các ca dương tính cũng đã được phát hiện tại các nhà máy ở Khu công nghiệp Thăng Long.
Trước sự tấn công của dịch COVID-19 trong đợt bùng phát lần thứ tư, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng khẳng định, Hà Nội phải tiếp tục kiên trì, bình tĩnh, sáng suốt, quyết tâm giữ vững thành quả, bảo vệ từng "pháo đài," nhất là các bệnh viện, khu, cụm công nghiệp...
Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, sự khác biệt ở đợt bùng phát thứ tư so với những đợt trước là dịch COVID-19 đã tấn công vào những “thành trì” quan trọng trong thực hiện “nhiệm vụ kép”. Đó là các cơ sở y tế và các khu, cụm công nghiệp.
Ngoài 2 bệnh viện lớn thuộc quản lý của Bộ Y tế, COVID-19 còn tấn công, làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của một số cơ sở khám chữa bệnh khác trên địa bàn như Bệnh viện Phổi Trung ương, Bệnh viện Hữu nghị Việt-Xô... Nguy cơ lây lan ở các khu, cụm công nghiệp đang rất cao khi các ca dương tính cũng đã được phát hiện tại các nhà máy ở Khu công nghiệp Thăng Long.
Nhận thức được tính chất nghiêm trọng và đặc điểm của đợt dịch lần thứ tư, Thành ủy, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã xác định phòng, chống dịch là ưu tiên số một, từ đó tập trung chỉ đạo sớm với các biện pháp đồng bộ, toàn diện, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Nhờ đó, thành phố đã và đang kiểm soát tốt tình hình dịch.
Nhiều chỉ thị, công điện đã được Thường trực Thành ủy, Ủy ban Nhân dân thành phố ban hành, chỉ đạo các biện pháp cấp bách nhằm tăng cường công tác phòng, chống dịch tại các bệnh viện, cơ sở y tế và các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn...
Đó là Công điện số 07-CĐ/UBND ngày 12/5 của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội tăng cường một số biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 liên quan các khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp và tại cơ sở khám chữa bệnh.
[Hà Nội quyết tâm giữ vững thế trận, đẩy lùi dịch bệnh COVID-19]
Triển khai nội dung Công điện, đến nay, các bệnh viện, cơ sở y tế thuộc quản lý của Sở Y tế Hà Nội đã cơ bản giữ được an toàn. Tương tự, các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn Thủ đô cũng cơ bản an toàn, đang duy trì tốt hoạt động sản xuất.
Ghi nhận những nỗ lực, cố gắng không quản ngại hy sinh của các lực lượng tuyến đầu, nhất là cán bộ y tế, công an, quân đội... Bí thư Thành ủy Hà Nội cho rằng, diễn biến dịch COVID-19 vẫn rất phức tạp, khó lường, trong khi thành phố cùng cả nước đang hướng tới sự kiện chính trị rất quan trọng là Ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Xác định đây là thời điểm rất quan trọng, do đó mục tiêu số một của thành phố trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 lúc này là bảo vệ an toàn tính mạng cho người dân, tuyệt đối không để dịch lan rộng trong cộng đồng.
“Chỉ có kiểm soát được dịch, chúng ta mới có điều kiện để duy trì sản xuất, kinh doanh, duy trì tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ trước mắt: Tổ chức thành công cuộc bầu cử ngày chủ nhật 23/5 tới đây,’ Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh.
Phong tỏa, cách ly y tế khu nhà E2, 128C Đại La, phường Đồng Tâm (Hà Nội), nơi ở của cháu bé sinh năm 2020 có kết quả dương tính với SARS-CoV-2. (Ảnh: TTXVN)
Để thực hiện nhiệm vụ đặc biệt đó, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng yêu cầu các cấp, các ngành và nhân dân Thủ đô phải nỗ lực ở mức cao nhất, đoàn kết, thống nhất thực hiện nghiêm các quy định, các chỉ đạo, hướng dẫn phòng, chống dịch COVID-19 của Trung ương và thành phố; tập trung mọi nguồn lực để bảo vệ vững chắc thành quả chống dịch đã đạt được, đồng thời tấn công, đẩy lùi dịch bệnh trên các mặt trận với phương châm “4 tại chỗ,” siết chặt kỷ cương, tăng cường kỷ luật; áp dụng hiệu quả mô hình không chế dịch theo 3 lớp.
Đặc biệt, các cấp, các ngành phải tập trung ưu tiên giữ vững “thành trì” chống dịch là các bệnh viện, cơ sở y tế; đồng thời không để dịch xâm nhập, lây lan trong các khu, cụm công nghiệp. Đây chính là những “thành trì” của chuỗi sản xuất và phát triển kinh tế, là cơ sở để duy trì tăng trưởng, bảo đảm an sinh xã hội.
Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng lưu ý, ngành y tế Hà Nội phải thực hiện nghiêm các quy trình và các nguyên tắc bảo đảm an toàn phòng dịch đã được Bộ Y tế khuyến cáo; thường xuyên rà soát, kiểm tra, giám sát để bảo đảm các quy trình tiếp nhận bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, quản lý người ra, người vào bệnh viện thật chặt chẽ; tuyệt đối không để vì một chút lơ là, chủ quan mà “lọt lưới” người có nguy cơ cao vào trong bệnh viện hoặc từ bệnh viện ra ngoài cộng đồng.
Cán bộ lãnh đạo bệnh viện, cơ sở y tế, nhất là người đứng đầu cấp ủy phải nâng cao ý thức trách nhiệm, phải thực sự là “tư lệnh” trong cuộc chiến chống dịch tại cơ sở của mình.
Ngành y tế, các bệnh viện và cơ sở khám chữa bệnh cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác khám chữa bệnh để giúp bệnh nhân đăng ký khám chữa bệnh qua mạng; quản lý bệnh nhân, người nhà bệnh nhân; liên thông thông tin giữa các bệnh viện, giữa bệnh viện với chính quyền; áp dụng mô hình thăm, khám bệnh từ xa...
Cấp ủy, chính quyền các địa phương cũng cần chủ động quản lý, kiểm tra, giám sát chặt chẽ các cơ sở sản xuất, kinh doanh khu vực xung quanh bệnh viện để bảo đảm các cơ sở này thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch; cần thiết phải thực hiện tạm thời đóng cửa để bảo đảm an toàn. Các đơn vị có quan hệ công việc như cung cấp vật tư, tiếp nhận rác thải, dọn dẹp vệ sinh với bệnh viện cũng phải được giám sát chặt chẽ...
Bí thư Thành ủy cũng chỉ đạo, ngành y tế tiếp tục bám sát tiến độ giải quyết của Bộ Y tế đối với đề xuất mua vaccin của thành phố; trước mắt tập trung hoàn thành ngay việc xét nghiệm, sàng lọc người trở về từ vùng dịch, kịp thời phát hiện, khoanh vùng, cách ly, truy vết các ca bệnh, không để lây lan ra cộng đồng...
Đối với các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng yêu cầu các cấp, các ngành thành phố phải phối hợp với Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội để mỗi khu, cụm công nghiệp và mỗi cơ sở sản xuất đều trở thành một “pháo đài” chống dịch; phải có kế hoạch phòng, chống dịch COVID-19 riêng phù hợp với đặc điểm, tình hình để triển khai các nhiệm vụ khi có ca mắc trong cán bộ, công nhân, lao động. Kế hoạch đó phải vừa bảo đảm phòng ngừa chặt chẽ các nguồn lây từ bên ngoài vừa xử lý tốt các ca mắc bên trong.
Theo gợi ý của Bí thư Thành ủy Hà Nội, các nhà máy có thể chia nhỏ, tách riêng hoạt động của từng phân xưởng, tổ, đội sản xuất; các khu cụm công nghiệp có thể chia tách từng nhà máy với nhau. Nếu không may phát hiện ca nhiễm ở phân xưởng, tổ, đội này, nhà máy này thì chỉ phải phong tỏa, cách ly ở 1-2 nơi thay vì cả nhà máy, cả khu, cụm công nghiệp, vừa đảm bảo công tác cách ly phòng chống dịch, vừa không làm ảnh hưởng đến việc sản xuất, kinh doanh.
Các cấp, các ngành chức năng của thành phố, nhất là nơi có khu, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất phải tiếp cận, làm việc cụ thể với ban quản lý, chủ doanh nghiệp ngay để bảo đảm các biện pháp này được thực hiện; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng,” phải chủ động đi trước, làm trước, có biện pháp trước./.
Văn Cảnh-Nguyễn Cúc / (TTXVN/Vietnam+)