Ngày 5/2, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Hưng Yên tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất để thỏa thuận về cơ cấu, thành phần, số lượng người của cơ quan, tổ chức, đơn vị được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV và Hội đồng Nhân dân tỉnh khóa XVII.
Hội nghị đã nghe trình bày dự kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội về cơ cấu, thành phần, số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV; dự kiến của Hội đồng nhân dân tỉnh Hưng Yên về cơ cấu, thành phần, số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh khóa XVII.
Với tinh thần trách nhiệm, các đại biểu đã thảo luận và nhất trí với dự kiến phân bổ số lượng và cơ cấu đại biểu Quốc hội khóa tới của Hưng Yên gồm: Tổng số đại biểu được bầu là 7 đại biểu; số lượng người được giới thiệu ứng cử dự kiến là 13 người. Số đại biểu do Trung ương giới thiệu là 3.
Còn lại số đại biểu cư trú làm việc tại địa phương là 10 người gồm các thành phần: lãnh đạo chủ chốt tỉnh, đại biểu chuyên trách, đại diện đoàn thanh niên và đại biểu thành phần khác.
[Hà Nội giới thiệu 45 người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV]
Về đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh, tổng số đại biểu được bầu là 53. Trong đó, dự kiến số người được giới thiệu ra ứng cử là 106 thuộc các thành phần: Khối các cơ quan của Tỉnh ủy, cơ quan hành chính, cơ quan tư pháp, chuyên trách Hội đồng Nhân dân; khối huyện, thành phố và các đảng ủy trực thuộc; khối Mặt trận và các đoàn thể chính trị, tổ chức xã hội, nghề nghiệp, các thành phần kinh tế.
Về cơ cấu: đại biểu là nữ bảo đảm ít nhất 35%, đại biểu người ngoài Đảng không thấp hơn 10%, đại biểu trẻ dưới 40 tuổi ít nhất là 15%, đại biểu tái cử từ 30% trở lên.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, ông Trần Quốc Toản, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban Bầu cử tỉnh Hưng Yên nhấn mạnh, việc hiệp thương tác động trực tiếp đến công tác chuẩn bị nhân sự giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021-2026.
Để làm tốt công tác này, việc dự kiến cơ cấu, thành phần, phân bổ số lượng người được giới thiệu ứng cử phải bảo đảm dân chủ, công tâm, khách quan, minh bạch, coi trọng chất lượng, bảo đảm hợp lý.
Người được giới thiệu ứng cử phải bảo đảm tiêu biểu về phẩm chất đạo đức và năng lực, có quan điểm, lập trường chính trị vững vàng, đủ tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật.
Theo đó, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị xã hội các cấp phải là cầu nối quan trọng giữa Đảng và quần chúng nhân dân; phát huy vai trò giám sát ngay từ khâu chuẩn bị để làm tốt công tác hiệp thương lựa chọn, giới thiệu nhân sự đủ điều kiện, tiêu chuẩn ứng cử; kế thừa bài học kinh nghiệm từ các cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân những khóa trước để đợt bầu cử lần này đạt hiệu quả thiết thực và cao nhất./.
Mai Ngoan / (TTXVN/Vietnam+)