Khẩn trương hoàn tất công tác chuẩn bị bầu cử tại các địa phương

(TTXVN/Vietnam+)
Trong những ngày này, công tác chuẩn bị bầu cử, tiếp xúc cử tri cũng như việc tuyên truyền cho Ngày hội non sông đang diễn ra khẩn trương tại các địa phương
Việc niêm yết danh sách ứng cử viên, và cử tri nhiều địa bàn vùng đồng bào dân tộc ở Sóc Trăng đã hoàn tất. (Ảnh: Trung Hiếu/TTXVN)

Trong những ngày này, công tác chuẩn bị bầu cử, tiếp xúc cử tri cũng như việc tuyên truyền cho Ngày hội non sông đang diễn ra khẩn trương.

Sóc Trăng  đẩy mạnh tuyên truyền về bầu cử ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Do địa bàn có đông đồng bào dân tộc thiểu số, tỉnh Sóc Trăng đã và đang đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến về cuộc bầu cử đến mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là cử tri đồng bào dân tộc Khmer, dân tộc Hoa.

Từ đó, giúp bà con nắm vững thông tin về cuộc bầu cử, thực hiện quyền và nghĩa vụ của cử tri, hướng tới bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân nhiệm kỳ mới thành công.

Theo Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Sóc Trăng Nguyễn Văn Khởi, để công tác tuyên truyền bầu cử có hiệu quả, Ủy ban Bầu cử tỉnh đã chỉ đạo in 250 tờ lịch trình bầu cử, 1.000 cuốn Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, Luật Sửa đổi bổ sung một số Điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2019, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân năm 2015.

Bên cạnh đó, Ủy ban Bầu cử tỉnh cấp phát 700 cuốn tài liệu Hỏi đáp về bầu cử do Hội đồng Bầu cử Quốc gia biên soạn đến Ban Chỉ đạo bầu cử tỉnh, thành viên Ủy ban Bầu cử tỉnh, thành viên tổ chuyên viên, Ủy ban Bầu cử cấp huyện, xã trong tỉnh, để giúp việc chỉ đạo công tác bầu cử được thuận lợi.

[Bầu cử QH và HĐND diễn ra trong thời tiết tương đối thuận lợi]

Các sở, ngành, địa phương đã in sao nhiều tài liệu tuyên truyền về công tác bầu cử, giới thiệu các ứng cử viên ở các cấp đến từng địa bàn khu dân cư, tổ dân phố với nhiều hình thức phong phú như băng rôn, khẩu hiệu, hình ảnh. Đặc biệt, với các địa bàn có đông đồng bào Khmer, Hoa, Ủy ban Bầu cử tỉnh, huyện đã cho in tài liệu bằng hai thứ tiếng Việt- Khmer, Việt-Hoa.

Ngoài ra, Đài Phát thanh và Truyền hình, truyền thanh huyện, thị xã thường xuyên phát thông tin, bản tin, qua loa truyền thanh bằng các thứ tiếng Việt, Hoa, Khmer để tuyên truyền về công tác bầu cử…

Tại xã Phú Tân, huyện Châu Thành, nơi có hơn 80% dân số là đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, những ngày này, khắp các nẻo đường làng, ngõ xóm đâu đâu cũng thấy băngrôn, khẩu hiệu, tranh cổ động tuyên truyền cho Ngày Bầu cử sắp tới.

Không khí bầu cử như đã đến gần, người dân tụ tập ở các điểm giới thiệu ứng cử viên để tìm hiểu, nắm thông tin và lựa chọn các ứng cử viên.

Ông Lâm Liếp, một người dân tộc Khmer ở ấp Phước Quới cho biết, hàng ngày, ông đều nghe các loa truyền thanh và đội tuyên truyền lưu động phát thông tin về cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp.

Nhờ vậy, ông nắm chắc Ngày Bầu cử, tiểu sử của người ứng cử, từ đó giúp ông dễ dàng chọn cán bộ có đủ đức, đủ tài xứng đáng đại diện cho nhân dân. Theo ông, trong Ngày Bầu cử (23/5), ông sẽ lựa chọn những đại biểu có đủ năng lực, trình độ, đại diện cho nhân dân cũng như đưa đất nước, địa phương ngày càng phát triển.

Điểm bầu cử của các ấp ở xã Phú Tân đều được trang bị pano, áp phích, khẩu hiệu tuyên truyền và bảng niêm yết công khai danh sách cử tri, thời gian cho cuộc bầu cử diễn ra vào ngày 23/5. Bên cạnh đó, trạm truyền thanh đã phát hai thứ tiếng gồm Việt và Khmer, để phục vụ công tác tuyên truyền kịp thời, hiệu quả.

Ông Châu Minh Hoàng, Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Nhân dân ấp Phước Hòa, xã Phú Tân cho biết, ấp có trên 2.000 cử tri, chủ yếu là đồng bào Khmer. Nhờ đẩy mạnh tuyên truyền, hiện nay, cử tri tại các phum, sóc đã sẵn sàng cho Ngày hội lớn.

Hiện, danh sách đại biểu ứng cử đã niêm yết xong được dán tại các điểm bầu cử, nhà sinh hoạt cộng đồng ấp, các quán cà phê hoặc khu đông dân cư sinh sống của ấp. Đến thời điểm này, cử tri đều nắm được ngày đi bầu cử và địa điểm bầu cử, cũng như danh sách người ứng cử.

Bí thư Đảng ủy xã Phú Tân Dương Thị Trang thông tin thêm, xã có 12 tổ bầu cử tại 6 ấp với tổng cộng hơn 11.700 cử tri.

Thời gian qua, địa phương đã đa dạng các kênh thông tin để tuyên truyền rộng rãi về cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026 đến cử tri biết rõ về thời gian, điểm bỏ phiếu.

Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, thực hiện đồng bộ các giải pháp, đảm bảo quy trình, quy định, đúng luật, việc lấy ý kiến của cử tri nơi cư trú đối với các ứng cử viên đại biểu Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh, huyện và 46 người được giới thiệu ứng cử cấp xã đều đạt 100%.

Theo bà Trang, do địa bàn xã có đông đồng bào dân tộc Khmer với trên 80% dân số của toàn xã, việc sử dụng tuyên truyền bằng hai thứ tiếng là rất cần thiết. Đến nay, đa số cử tri đã nắm được tinh thần và phấn khởi chờ sự kiện ngày 23/5.

Cũng giống như ở vùng đông đồng bào Khmer của huyện Châu Thành, tại địa bàn thị xã Vĩnh Châu, nơi có khoảng 52% dân số là đồng bào Khmer và 1/4 dân số thị xã là người Hoa, Ủy ban Bầu cử tỉnh, huyện, đã tổ chức tuyên truyền bằng nhiều hình thức với các tài liệu, tờ rơi, panô khẩu hiệu bằng tiếng Việt-Hoa-Khmer hoặc song ngữ và được người dân đón nhận có hiệu quả, nắm bắt thông tin kịp thời.

Công tác chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội, Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đang được các địa phương tại Sóc Trăng tích cực, khẩn trương thực hiện. Tỉnh rất chú trọng công tác tuyên truyền ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, để cử tri là người Khmer, Hoa hiểu, nâng cao nhận thức về quyền và nghĩa vụ của cử tri trong công tác bầu cử, từ đó lựa chọn ra những đại biểu xứng đáng trong nhiệm kỳ mới, góp phần thực hiện một kỳ bầu cử thành công.

Cử tri Cao Bằng gửi gắm niềm tin, kỳ vọng vào những đại biểu được lựa chọn

Ngày Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đang đến rất gần. Cử tri tỉnh Cao Bằng đang mong chờ để thực hiện quyền làm chủ của mình, gửi gắm niềm tin, kỳ vọng vào những đại biểu do mình lựa chọn.

Những đại biểu Quốc hội sẽ đại diện cho tiếng nói và nguyện vọng của nhân dân, góp phần đưa kinh tế-xã hội của đất nước ngày càng phát triển, đời sống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh Cao Bằng ngày càng ấm no, hạnh phúc.

Ông Lý Văn Minh, Bí thư Chi bộ xóm Lũng Phầy, xã Hồng Việt, huyện Hòa An cho biết, Ngày Bầu cử đối với đồng bào các dân tộc thiểu số vùng cao thật sự là ngày hội. Ai ai cũng háo hức được cầm lá phiếu đi bầu cử, lựa chọn những đại biểu tiêu biểu, xứng đáng là người đại diện cho mọi ý chí, nguyện vọng của nhân dân.

Ông Minh cho biết thêm, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, đồng bào các dân tộc thiểu số nói chung và đồng bào vùng cao Cao Bằng nói riêng đã được hưởng nhiều chính sách phát triển kinh tế, công cuộc xóa đói giảm nghèo ngày càng đi vào thực chất, hiệu quả.

Gần đến Ngày Bầu cử, cán bộ các cấp thường xuyên đến xóm Lũng Phầy để tuyên truyền về quyền và nghĩa vụ của công dân trong cuộc bầu cử. Cử tri người Mông xóm Lũng Phầy cũng nghiên cứu rất kỹ những người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Người dân mong muốn lựa chọn được những người có đủ năng lực, phẩm chất, đặc biệt là gần dân, hiểu người dân, nhất là người dân là đồng bào dân tộc thiểu số, sống ở vùng sâu vùng xa.

Ông Lý Văn Minh mong muốn, những đại biểu Quốc hội sẽ mạnh dạn đề xuất những chương trình, kiến nghị với Chính phủ, các bộ, ngành quan tâm hỗ trợ, đầu tư vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là đầu tư vào các lĩnh vực như giao thông, giáo dục và đạo tạo, y tế…

Gần 30 năm công tác tại vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, Trung tá Hoàng Văn Bạc, Chính trị viên Đồn Biên phòng Thị Hoa (Bộ đội Biên phòng tỉnh Cao Bằng) mong muốn các ứng cử viên đại biểu Quốc hội nếu trúng cử sẽ thường xuyên giữ mối liên hệ mật thiết với cử tri, lắng nghe những tâm tư, kiến nghị của nhân dân; tiếp tục nỗ lực, cố gắng phát huy sở trường, kinh nghiệm công tác, cống hiến trí tuệ, sức lực cho các hoạt động của Quốc hội, hoàn thiện hệ thống pháp luật nhất là những quyết sách liên quan đến các hoạt động an ninh quốc phòng, bảo vệ chủ quyền biển đảo, biên giới, quan tâm phát triển kinh tế biên mậu, giáo dục y tế, giải quyết việc làm...

Các ứng cử viên nếu trúng cử sẽ quan tâm triển khai chương trình hành động sát với thực tiễn, đạt hiệu quả. Đặc biệt là quan tâm hơn nữa đến các chính sách đối với cán bộ, chiến sỹ khu vực biên giới, khu vực còn nhiều khó khăn…

Nghiên cứu kỹ tiểu sử các ứng cử viên, bà Hoàng Thị Bình, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật tỉnh Cao Bằng cho biết, bà rất vui khi thấy có nhiều người trẻ tuổi, trình độ học vấn cao tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV.

Từng là đại biểu Quốc hội khóa XII, đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh Cao Bằng khóa XII, XIII, XIV, lần bầu cử này, bà kỳ vọng các ứng cử viên khi được lựa chọn sẽ có nhiều ý kiến đóng góp vào những quyết sách trong tất cả các lĩnh vực nhằm góp phần xây dựng quê hương đất nước.

Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật tỉnh Cao Bằng mong muốn các đại biểu Quốc hội trong quá trình tham gia ý kiến xây dựng các bộ luật cần đặt ra yêu cầu là xây dựng được những bộ luật chất lượng, phục vụ được yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội đất nước.

Trong hoạt động giám sát, các đại biểu Quốc hội cần có nhiều ý kiến để nâng cao chất lượng giám sát các Nghị quyết của Quốc hội. Bà Hoàng Thị Bình mong muốn các đại biểu Quốc hội khóa XV sẽ giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 88/2019/QH14 về Phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, Nghị quyết về sáp nhập các đơn vị hành chính…

Từ việc giám sát, các đại biểu cần phân tích, tổng kết, đánh giá những mặt được, mặt còn hạn chế của các nghị quyết mà Quốc hội ban hành.

Tỉnh Cao Bằng có hai đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV với 10 ứng cử viên để bầu 6 đại biểu; 15 đơn vị bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026 với 83 ứng cử viên để bầu 50 đại biểu.

Yên Bái: Hướng dẫn nghiệp vụ công tác bầu cử, đảm bảo phòng, chống dịch COVID-19

Ông Nguyễn Văn Trọng, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Yên Bái cho biết: Để công tác bầu cử diễn ra an toàn, đúng các quy định của pháp luật, đồng thời phòng, chống dịch COVID-19 đạt hiệu quả, Sở Nội vụ tỉnh Yên Bái đã có hướng dẫn nghiệp vụ công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và  các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.  

Khan truong hoan tat cong tac chuan bi bau cu tai cac dia phuong hinh anh 1Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Đỗ Đức Duy phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Theo đó, những người tham gia công tác bầu cử (cử tri, thành viên của các tổ chức phụ trách bầu cử) cần thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế, như sau: Thực hiện khai báo y tế điện tử, cài đặt và bật ứng dụng Bluezone, Vietnam Health Declaration nếu dùng các thiết bị điện thoại thông minh hoặc nơi tổ chức bầu cử có hỗ trợ các ứng dụng này; thực hiện nghiêm túc việc đeo khẩu trang, không tụ tập đông người, không khạc nhổ bừa bãi, phải che miệng mỗi khi ho và hắt hơi, vứt bỏ rác thải và khẩu trang đúng nơi quy định; thực hiện việc xếp hàng để vào bầu cử, giữ khoảng cách giữa người trước và người sau tối thiểu là 1 mét đối với khu vực bầu cử cố định và 2 mét đối với khu vực bầu cử lưu động (như khu cách ly tập trung, khu vực phong tỏa, cơ sở điều trị bệnh nhân…), di chuyển theo hướng một chiều; thực hiện theo hướng dẫn của ban tổ chức về tiến trình bầu cử và đảm bảo y tế cho công tác bầu cử; khi phát hiện có ho, sốt, đau họng, khó thở cần tuân thủ thực hiện theo hướng dẫn của nhân viên y tế.

Để thực hiện các biện pháp trên Sở Nội vụ Yên Bái yêu cầu: tại các khu vực bỏ phiếu tập trung, các đơn vị bầu cử phải bố trí tối thiểu 2 nhân lực tại cổng ra vào để kiểm tra khai báo y tế đối với cử tri; bố trí lực lượng nhắc nhở tất cả người tham gia bầu cử thực hiện quy định giữ khoảng cách, đeo khẩu trang, sát khuẩn tay; hướng dẫn thu gom khẩu trang, khăn, giấy lau đã qua sử dụng vào thùng đựng chất thải; thành lập Tổ Y tế-Phòng chống dịch, chịu trách nhiệm đảm bảo công tác y tế (kiểm tra thân nhiệt cử tri đến bầu cử, hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, vệ sinh khử khuẩn...); thành phần Tổ Y tế tối thiểu có 01 nhân viên y tế tại 01 khu vực bỏ phiếu. 

Tại khu vực bỏ phiếu phải có 2 lối vào, ra để đảm bảo di chuyển một chiều; khuôn viên có mái che đảm bảo bóng mát; thực hiện vệ sinh, khử khuẩn bằng hóa chất khử khuẩn đối với bàn ghế, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, tay vịn lan can, các đồ vật, sàn nhà, phòng họp, khu vệ sinh, mặt bàn, các nút bấm điều khiển...  phải có khu vực cách ly tạm thời đối với các trường hợp nghi ngờ mắc COVID-19...

Đặc biệt, Sở Nội vụ Yên Bái yêu cầu ngay bên ngoài mỗi khu vực bỏ phiếu cần dựng một rạp đủ rộng để cử tri ngồi dãn cách chờ đến lượt bỏ phiếu (đảm bảo khoảng cách tối thiểu giữa các cử tri 1 mét)...

Đồng bào các huyện miền núi Thanh Hóa hướng về Ngày hội lớn

Những ngày này tại khu vực miền núi phía Tây tỉnh Thanh Hóa, không khí chuẩn bị cho bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đang được gấp rút triển khai, thể hiện rõ không khí vui tươi, phấn khởi của đồng bào các dân tộc nơi đây hướng về Ngày hội lớn của toàn dân.

Băngrôn, khẩu hiệu được rực rỡ trên khắp nẻo đường. Việc niêm yết danh sách các ứng cử viên, thông tin cử tri được thực hiện bài bản và đúng luật. Cử tri đã sẵn sàng cho Ngày hội non sông.

Là tỉnh có dân cư đông đúc, trong đó có tới 11 huyện miền núi, chiếm 2/3 diện tích của tỉnh, hiện Thanh Hóa đang triển khai nhiều biện pháp để mỗi người dân khu vực miền núi hiểu sâu, hiểu rộng và hiểu rõ có trách nhiệm của mình trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Các địa phương đã phân công các đội tuyên truyền lưu động xuống tận thôn, bản tuyên truyền về công tác bầu cử. Các tuyên truyền viên phát đi các thông báo bằng tiếng Việt và tiếng của đồng bào dân tộc.

Bên cạnh đó, lãnh đạo cấp xã thường xuyên tới các điểm bỏ phiếu để hướng dẫn thêm thông tin thêm về các ứng cử viên ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, qua đó, giúp cử tri hiểu kỹ hơn về ứng cử viên mà mình sẽ lựa chọn bỏ phiếu.

Tại huyện miền núi Bá Thước, công tác tuyên truyền, vận động cử tri tham gia bầu cử cũng như việc trang trí, sắp xếp điểm bỏ phiếu ngay tại nhà văn hóa thôn được thực hiện tích cực. Tranh thủ khoảng thời gian sau giờ làm đồng, người dân trong bản cùng về Nhà văn hóa để xem danh sách cử tri, bàn luận về thông tin các ứng cử viên.

Chị Lò Thị Hà, đồng bào dân tộc Thái ở xã Ban Công chia sẻ: “Chuẩn bị cho Ngày Bầu cử, tôi được các cán bộ xã tuyên truyền và thông tin tới hoạt động bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp. Tôi đã thấy được trách nhiệm của cử tri khi đi bỏ phiếu và ngày 23/5 tới phải thực hiện quyền của cử tri”.

Tại huyện Quan Sơn, không khí náo nức hướng về Ngày Bầu cử hiện hữu ở từng thôn, bản với cờ, hoa rực rỡ. Kỳ bầu cử lần này được chính quyền địa phương chuẩn bị khá chu đáo. Công tác tuyên truyền về danh sách, tiểu sử ứng cử viên đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp được đẩy mạnh tuyên truyền.

Ông Lò Tiến Minh ở thị trấn Quan Sơn cho biết: “Qua theo dõi và được thông báo ngày 23/5 tới, cử tri đi bỏ phiếu bầu cử Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp, tôi đã ghi nhớ lịch này. Tôi sẽ thông báo cho các thành viên trong gia đình sắp xếp mọi công việc, đúng ngày, đúng giờ để đi bỏ phiếu, lựa chọn người đủ đức, đủ tài, góp phần xây dựng đất nước.”

Chị Lò Thị Thoa ở xã Trung Hạ (Quan Sơn) kỳ vọng, các đại biểu Hội đồng nhân dân sẽ là cầu nối quan trọng giữa nhân dân với Hội đồng nhân dân và các cơ quan Nhà nước để giải quyết thỏa đáng những đề xuất, kiến nghị của nhân dân; tạo điều kiện cho đồng bào được tiếp cận khoa học-kỹ thuật, các nguồn vốn ưu đãi để nông dân phát triển các mô hình kinh tế, nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo bền vững.

Qua kiểm tra công tác bầu cử, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Thanh Hóa đánh giá, công tác chuẩn bị cho bầu cử đã được thực hiện cơ bản. Khu vực miền núi còn nhiều khó khăn, nhiều thôn, bản đã sử dụng nhà sàn của người dân để niêm yết danh sách và lựa chọn làm nơi bỏ phiếu. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Thanh Hóa tiếp tục yêu cầu các địa phương miền núi phải đẩy mạnh tuyên truyền và tuyên truyền sâu rộng tới cử tri thuộc khu vực mình quản lý.

Ông Hà Văn Thủy, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Thanh Hóa cho biết, hiện nay, các địa phương đã thực hiện đầy đủ việc niêm yết danh sách cử tri và các ứng cử viên.

Với nhiều hình thức triển khai tạo sự công bằng, dân chủ trong bầu cử. Cùng với tuyên truyền trực quan, các cơ quan thông tấn báo chí tuyên truyền sâu rộng công tác bầu cử giúp cử tri hiểu rõ được trách nhiệm của mình trong Ngày Bầu cử; tin tưởng cuộc bầu cử sắp tới sẽ thành công”.

Đến thời điểm hiện tại, các ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XV tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện xong việc tiếp xúc cử tri, vận động bầu cử tại 5 đơn vị bầu cử trên địa bàn tỉnh.

Cùng với đẩy mạnh tuyên truyền về bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, tỉnh Thanh Hóa đã kích hoạt hệ thống truyền hình trực tuyến từ cấp tỉnh đến các đầu cầu tại cấp huyện, xã. Dựa vào hệ thống truyền hình trực tuyến này, các đại biểu tiến hành tiếp xúc cử tri, vận động bầu cử.

Vào ngày cử tri cả nước đi bầu cử 23/5/2021, tại các điểm bỏ phiếu, Tổ Bầu cử bố trí nhân viên y tế đo thân nhiệt cho cử tri, đề nghị cử tri rửa tay sát khuẩn, đeo khẩu trang, hướng dẫn cử tri không tập trung đông tại một khu vực, vào cùng một thời điểm.

Nếu phát hiện cử tri có biểu hiện sốt, ho, khó thở, nghi ngờ mắc COVID-19, nhân viên y tế sẽ tiến hành kiểm tra và đưa về khu vực riêng biệt đã bố trí sẵn để xử lý theo quy trình./.

(TTXVN/Vietnam+)