Các đại biểu biểu quyết lập danh sách chính thức người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh Lai Châu khóa XV, nhiệm kỳ 2021-2026. (Ảnh: Đinh Thùy/TTXVN)
Còn hơn một tháng nữa đến ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, tỉnh Lai Châu đang đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền phổ biến về cuộc bầu cử đến mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là đồng bào các dân tộc thiểu số, biên giới, nhằm đảm bảo tính dân chủ và thành công của cuộc bầu cử.
Lai Châu là tỉnh biên giới phía Bắc, với 20 dân tộc sinh sống, trong đó người dân tộc thiểu số chiếm gần 85%. Toàn tỉnh có 22 xã biên giới giáp Trung Quốc, với đường biên giới dài hơn 265km.
Xác định công tác tuyên truyền bầu cử trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới là một trong những hoạt động trọng tâm của cuộc bầu cử, tỉnh Lai Châu đã và đang chỉ đạo các địa phương trong tỉnh chú trọng tuyên truyền phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương; đa dạng các hình thức tuyên truyền trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới phù hợp với văn hóa từng dân tộc.
Khẳng định cuộc bầu cử Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 là sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, ông Lê Đức Dục, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng Tiểu ban Tuyên truyền bầu cử tỉnh Lai Châu cho biết Lai Châu đã tập trung tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của cuộc bầu cử, thời gian diễn ra cuộc bầu cử; tuyên truyền về vị trí, vai trò của Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp, trách nhiệm của đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp; tiêu chuẩn, tiểu sử và chương trình hành động của đại biểu Quốc hội, Hội đồng Nhân dân các cấp.
[Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ kiểm tra công tác bầu cử ở Quảng Ninh]
Đặc biệt, tỉnh chú trọng tuyên truyền về quyền bầu cử, quyền ứng cử của công dân; nguyên tắc, quy trình bầu cử, nghĩa vụ và trách nhiệm của cử tri trong quá trình tham gia bầu cử.
Công tác tuyên truyền bầu cử được tỉnh Lai Châu triển khai bằng nhiều hình thức như đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; chú trọng tuyên truyền bằng 4 thứ tiếng gồm Thái, Mông, Dao, Hà Nhì trên Đài phát thanh truyền hình tỉnh để người dân vùng dân tộc thiểu số hiểu được mục đích, ý nghĩa của đợt bầu cử và các thông tin pháp luật có liên quan.
Mặt khác, Lai Châu còn lồng ghép việc tuyên truyền vào các chương trình biểu diễn nghệ thuật, hoạt động văn hóa, thể thao.
Đồng thời, các huyện, thành phố tăng cường truyền thông qua hệ thống loa truyền thanh ở cơ sở bằng các thứ tiếng phù hợp với từng vùng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống; phát huy tốt vai trò của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên trong việc tuyên truyền trực tiếp (tuyên truyền miệng) thông qua các buổi hội nghị, sinh hoạt chi bộ và cuộc họp thôn, bản, tổ dân phố ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, biên giới.
Trong quá trình tuyên truyền, các địa phương chủ động nắm tình hình tư tưởng, tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc trong tỉnh Lai Châu hướng về cuộc bầu cử, nhất là những địa bàn nhạy cảm, khu vực biên giới, người dân tộc thiểu số sinh sống.
Các huyện, thành phố chủ động đấu tranh, ngăn chặn việc lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, dân chủ để tuyên truyền, kích động, lôi kéo khiếu kiện vượt cấp, tập trung đông người gây mất an ninh trật tự, ảnh hưởng đến cuộc bầu cử.
Mường Tè là huyện biên giới của tỉnh Lai Châu với 10 dân tộc sinh sống, người dân tộc thiểu số chiếm gần 94%. Trong đó có 4 dân tộc rất ít người sinh sống gồm La Hủ, Cống, Mảng và Si La. Toàn huyện có 6 xã biên giới, giáp tỉnh Vân Nam, Trung Quốc với hơn 130km đường biên.
Với đặc thù là huyện có đông người dân tộc thiểu số sinh sống và nhiều xã đặc biệt khó khăn, việc tiếp cận thông tin của người dân còn hạn chế, huyện Mường Tè xác định bằng mọi cách để tất cả người dân, đặc biệt là người dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, biên giới có đầy đủ thông tin về cuộc bầu cử, đồng thời đảm bảo dân chủ và đúng luật trong bầu cử ở tất cả các địa điểm bầu cử.
Ông Đao Văn Khánh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện, Chủ tịch Ủy ban bầu cử huyện Mường Tè cho hay công tác tuyên truyền về cuộc bầu cử đã được huyện Mường Tè đẩy mạnh với bằng nhiều hình thức như qua hệ thống loa phát thanh, pano, áp phích, khẩu hiệu treo tại các trục đường lớn, khu trung tâm và nhà văn hóa các bản; phân công các thành viên tăng cường xuống bản gặp những người có uy tín để phối hợp đến từng nhà tuyên truyền người dân bằng tiếng dân tộc, phù hợp với người dân tộc thiểu số.
Đến nay, toàn huyện đã thực hiện 25 lượt tuyên truyền bằng xe lưu động, 21 cụm Pano, 150 băng rôn, khẩu hiệu và treo trên 2.000 cờ các loại. Công tác tuyên truyền qua hệ thống loa truyền thanh bản được đẩy mạnh, trung bình 2 lượt/ngày, trong đó, nhấn mạnh ý nghĩa, tầm quan trọng của cuộc bầu cử; vai trò, trách nhiệm, quyền lợi của mỗi công dân đối với cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Nhờ chủ động đổi mới hình thức tuyên truyền, người dân huyện Mường Tè nói riêng, tỉnh Lai Châu nói chung từng bước nâng cao nhận thức, hiểu được ý nghĩa, tầm quan trọng của cuộc bầu cử, để ngày bầu cử thực sự là ngày hội của toàn dân, đảm bảo người dân đến bầu cử đầy đủ, an toàn, tiết kiệm, đúng pháp luật, góp phần vào thành công chung của đất nước./.
Việt Hoàng / (TTXVN/Vietnam+)