Hội nghị hiệp thương lần thứ hai tại tỉnh Ninh Bình. (Ảnh: Đức Phương/TTXVN)
Theo Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, hội nghị hiệp thương lần thứ ba được tổ chức chậm nhất là 35 ngày trước ngày bầu cử.
Như vậy, bắt đầu từ ngày 14/4 đến 18/4, Trung ương và các địa phương sẽ tiến hành các hội nghị hiệp thương để chốt danh sách chính thức ứng cử viên cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
1.085 người được giới thiệu ra Hội nghị hiệp thương lần 3
Theo số liệu tổng hợp của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, danh sách sơ bộ những ứng viên được giới thiệu trước hội nghị hiệp thương lần 3 gồm 1.085 người, trong đó, phụ nữ: 481 người (44,33%); dưới 40 tuổi: 305 người (28,11%); người tự ứng cử: 76.
Số người tự ứng cử khóa này chỉ bằng một nửa so với khóa XIV. Hà Nội là địa phương có tỷ lệ người tự ứng cử lớn nhất cả nước, tiếp đến là Thành phố Hồ Chí Minh.
[Chủ tịch Quốc hội chủ trì Phiên họp thứ 5 Hội đồng Bầu cử Quốc gia]
Tính đến thời điểm này, về cơ bản, các địa phương đã hoàn tất việc lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri. Ý kiến của cử tri là thước đo về năng lực, uy tín, trí tuệ, phẩm chất đạo đức của các ứng viên.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, đã có những ứng viên đạt thấp hơn 50% tín nhiệm của cử tri, có trường hợp đạt 9% hay thậm chí chỉ 2%. Điều này cho thấy các cuộc lấy ý kiến cử tri đã diễn ra rất nghiêm túc, không hề hình thức.
Đến nay, mỗi bước chuẩn bị cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp đều thực hiện dân chủ đúng quy trình và đảm bảo tiến độ. Tất cả đều hướng tới mục tiêu chọn cho được người xứng đáng nhất để giới thiệu, đưa vào danh sách bầu cử.
Đánh giá toàn diện các ứng cử viên
Với ý nghĩa là quy trình cuối cùng, then chốt trong quy trình 5 bước giới thiệu người ứng cử, việc tổ chức Hội nghị hiệp thương lần 3 được yêu cầu diễn ra chu đáo, dân chủ, cẩn trọng, không phân biệt, công tâm, đánh giá toàn diện các ứng cử viên để chọn ra những ứng cử viên ưu tú, xứng đáng nhất cho toàn dân bầu chọn trong ngày bầu cử 23/5 tới.
Theo quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, Hội nghị hiệp thương lần thứ ba ở trung ương do Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam triệu tập, chủ trì trong khoảng thời gian từ ngày 14/4 đến ngày 18/4/2021(chậm nhất là 35 ngày trước ngày bầu cử) để lựa chọn, lập danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội ở trung ương.
Thành phần tham dự hội nghị cũng tương tự như các Hội nghị hiệp thương lần trước đó gồm: Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đại diện ban lãnh đạo các tổ chức thành viên của Mặt trận. Đại diện Hội đồng Bầu cử quốc gia, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ được mời tham dự hội nghị.
Chặt chẽ quy trình hiệp thương
Thủ tục tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ ba ở trung ương được thực hiện như sau: Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam báo cáo về tình hình, kết quả tổ chức lấy ý kiến nhận xét và sự tín nhiệm của cử tri nơi công tác, nơi cư trú đối với những người ứng cử, trong đó nêu rõ những trường hợp cần xem xét do có vụ việc cử tri nêu; danh sách người được dự kiến giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội.
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội tổ chức hội nghị Hiệp thương lần thứ hai để thỏa thuận lập danh sách sơ bộ những người ứng cử Đại biểu Quốc hội khóa XV. (Nguồn: TTXVN phát)
Những trường hợp người ứng cử không đạt sự tín nhiệm của trên 50% tổng số cử tri tham dự tại hội nghị cử tri nơi cư trú thì không đưa vào danh sách giới thiệu tại Hội nghị hiệp thương lần thứ ba, trừ trường hợp đặc biệt cần báo cáo rõ để hội nghị hiệp thương xem xét, quyết định.
Trường hợp đặc biệt là những người có đủ điều kiện, tiêu chuẩn dự kiến giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội nhưng do điều kiện công tác đặc thù ít tiếp xúc với cử tri và nhân dân nơi cư trú nên không đạt được trên 50% tổng số phiếu tín nhiệm của cử tri tham dự hội nghị… Hội nghị tiến hành thảo luận, lựa chọn, lập danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội.
Trường hợp không thỏa thuận được thì hội nghị quyết định biểu quyết bằng hình thức giơ tay hoặc bỏ phiếu kín. Hội nghị cử Tổ kiểm phiếu gồm từ 3 đến 5 người.
Trường hợp quyết định biểu quyết bằng hình thức bỏ phiếu kín thì phiếu biểu quyết phải có dấu của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Chỉ các đại biểu thuộc thành phần hội nghị hiệp thương có mặt tại hội nghị mới được quyền biểu quyết.
Hội nghị thông qua biên bản và danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội.
Chậm nhất là ngày 23/4/2021 (30 ngày trước ngày bầu cử), Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam gửi biên bản Hội nghị hiệp thương lần thứ ba và danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử được Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội đến Hội đồng bầu cử quốc gia và Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Trong khi đó, Hội nghị hiệp thương lần thứ ba ở cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã do Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tổ chức hiệp thương triệu tập, chủ trì trong khoảng thời gian từ ngày 14/4 đến ngày 18/4/2021 (chậm nhất là 35 ngày trước ngày bầu cử) để lựa chọn, lập danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân ở cấp mình.
Thành phần tham dự hội nghị cũng tương tự như các Hội nghị hiệp thương lần trước đó, gồm Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đại diện ban lãnh đạo các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp. Đại diện Ủy ban Bầu cử, Thường trực Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cùng cấp được mời tham dự hội nghị này.
Thủ tục tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ ba để giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội/đại biểu Hội đồng nhân dân ở địa phương được thực hiện như sau: Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tổ chức hội nghị hiệp thương báo cáo về tình hình, kết quả tổ chức lấy ý kiến nhận xét và sự tín nhiệm của cử tri nơi công tác, nơi cư trú đối với những người ứng cử, trong đó nêu rõ những trường hợp cần xem xét do có vụ việc cử tri nêu và danh sách người được dự kiến giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội/đại biểu Hội đồng nhân dân.
Danh sách giới thiệu người ứng cử trình Hội nghị hiệp thương lần thứ ba phải bảo đảm có số dư lớn hơn số dư tối thiểu theo quy định của Luật. Những trường hợp người ứng cử không đạt sự tín nhiệm của trên 50% tổng số cử tri tham dự tại hội nghị cử tri nơi cư trú thì không đưa vào danh sách giới thiệu tại Hội nghị hiệp thương lần thứ ba, trừ trường hợp đặc biệt cần báo cáo rõ để hội nghị hiệp thương xem xét, quyết định.
Trường hợp đặc biệt là những người có đủ điều kiện, tiêu chuẩn dự kiến giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội/đại biểu Hội đồng nhân dân nhưng do điều kiện công tác đặc thù ít tiếp xúc với cử tri và nhân dân nơi cư trú nên không đạt được trên 50% tổng số phiếu tín nhiệm của cử tri tham dự hội nghị…
Hội nghị tiến hành thảo luận, lựa chọn, lập danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội/đại biểu Hội đồng nhân dân. Trường hợp không thỏa thuận được thì hội nghị quyết định biểu quyết bằng hình thức giơ tay hoặc bỏ phiếu kín.
Hội nghị cử Tổ kiểm phiếu gồm từ 3 đến 5 người. Trường hợp quyết định biểu quyết bằng hình thức bỏ phiếu kín thì phiếu biểu quyết phải đóng dấu của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tổ chức hội nghị hiệp thương. Chỉ các đại biểu thuộc thành phần hội nghị hiệp thương có mặt tại hội nghị mới được quyền biểu quyết.
Hội nghị thông qua biên bản và danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội/đại biểu Hội đồng nhân dân. Chậm nhất là ngày 23/4/2021 (30 ngày trước ngày bầu cử), Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh gửi biên bản Hội nghị hiệp thương lần thứ ba và danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử được Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội đến Hội đồng Bầu cử quốc gia, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ủy ban Bầu cử ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh gửi biên bản Hội nghị hiệp thương lần thứ ba và danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh đến Hội đồng Bầu cử quốc gia, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban Bầu cử cùng cấp; Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện, cấp xã gửi biên bản Hội nghị hiệp thương lần thứ ba và danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cùng cấp đến Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp trên trực tiếp và Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban bầu cử cùng cấp./.
(TTXVN/Vietnam+)