Nhìn từ hai quyết định về phòng chống dịch COVID-19 của Quốc hội

(Vietnam+)
Hai quyết định của Quốc hội là rút ngắn thời gian kỳ họp và “trao quyền” cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để quyết định các giải pháp phòng chống dịch COVID-19.
Nhin tu hai quyet dinh ve phong chong dich COVID-19 cua Quoc hoi hinh anh 1Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các Phó Chủ tịch điều hành phiên thảo luận. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Hai quyết định của Quốc hội khẳng định cam kết Quốc hội hành động, đồng hành cùng Chính phủ trong phòng chống dịch.

Những ngày vừa qua, dịch bệnh COVID-19 trên khắp cả nước đang có chiều hướng diễn biến rất phức tạp.

Ngay tại hội trường Diên Hồng của Quốc hội, nhiều ý kiến của các đại biểu đều bày tỏ chung một trăn trở, quyết tâm thực hiện thành công “mục tiêu kép”, vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế, vừa chăm lo cho sức khỏe của nhân dân nhưng cũng để đảm bảo an sinh xã hội.

Theo chương trình dự kiến, kỳ họp thứ Nhất Quốc hội khóa XV diễn ra trong thời gian 11,5 ngày (từ 20 đến 31/7), tuy vậy, trong tình huống cấp bách do dịch bệnh, nhiều quyết định quan trọng đã được bổ sung một cách kịp thời.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư, Bộ Chính trị, trên cơ sở ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và lắng nghe tâm tư, nguyện vọng từ nhân dân, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã có những chỉ đạo thực hiện một số nội dung rất quan trọng liên quan đến công tác phòng, chống dịch.

Quyết định đầu tiên nhận được sự đồng tình, ủng hộ, thể hiện sự chung tay của Quốc hội với thành phố Hà Nội (vừa thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ kể từ ngày 24/7) và các tỉnh thành phía Nam để dành thời gian phòng chống dịch đó là tiếp tục rút ngắn thời gian kỳ họp Quốc hội sớm hơn 3 ngày so với Chương trình đã thông qua tại phiên trù bị và rút ngắn 8 ngày so với dự kiến trước đây.

Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, việc rút ngắn thời gian kỳ họp được đưa ra trên cơ sở vẫn đảm bảo chất lượng, nội dung, chương trình kỳ họp đã thông qua. Theo đó, Quốc hội đã chỉ đạo tăng cường sự chủ động, linh hoạt, quyết liệt, làm việc ngoài giờ (sau 17h và sau 11h30 hàng ngày) và làm thêm vào ngày Chủ nhật.

Có thể thấy, việc bổ sung ngày Chủ nhật vào thời gian làm việc chính thức của kỳ họp có lẽ là quyết định hiếm hoi từ trước đến nay của Quốc hội, điều đó thể hiện tinh thần “làm hết việc chứ không phải làm hết giờ,” sự linh hoạt, khẩn trương, kịp thời của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội.

[Đại biểu Quốc hội kêu gọi người dân tin tưởng vào vaccine COVID-19]

Quyết định rút ngắn thời gian được đưa ra đúng vào thời điểm Quốc hội đang tiến hành thảo luận về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Có thể thấy, trong lúc dịch bệnh COVID-19 đang tấn công dữ dội, nhiều tỉnh, thành phố phải thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 thì thời gian không chỉ là của cải vật chất, mà còn liên quan đến tính mạng của người dân.

Rút ngắn thời gian cũng chính là thông điệp mạnh mẽ của Quốc hội trong việc chung tay cùng Chính phủ tập trung phòng chống dịch, chăm lo bảo vệ sức khỏe cho người dân, lo an nguy cho xã tắc. Đây là quyết định đúng đắn, sát với đòi hỏi của thực tế và thể hiện rất cao trách nhiệm của Quốc hội trước nhân dân.

Cũng tại kỳ họp này, để tạo khung khổ pháp lý cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chủ động, linh hoạt hơn trong công tác chỉ đạo, điều hành phòng, chống dịch bệnh COVID-19 với phương châm “chống dịch như chống giặc,” Quốc hội đã quyết định bổ sung nội dung về phòng, chống dịch bệnh COVID-19 vào Nghị quyết chung của kỳ họp thứ Nhất.

Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, Quốc hội đã quyết định trao quyền cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ như khi ban bố tình trạng khẩn cấp để sớm ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh, đồng thời tập trung nguồn lực cho Chính phủ trong công tác phòng, chống dịch bệnh.

Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh từ trước đến nay, một số giải pháp mang tính cấp bách, vượt quá thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, đòi hỏi phải mất thời gian để Quốc hội quyết định dẫn đến bỏ lỡ mất “thời gian vàng” trong công tác phòng chống dịch.  

Việc Quốc hội “trao quyền” cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để quyết định các giải pháp phòng chống dịch cũng là một việc mà trước nay chưa hề có tiền lệ. Trong bối cảnh “chống dịch như chống giặc” thì những quyết định trên càng thể hiện tinh thần bảo vệ và chăm sóc sức khỏe của người dân là trước hết, trên hết, bao nhiêu lợi ích đều thuộc về nhân dân.

Có thể thấy rằng, đây là những quyết định hết sức quan trọng được đưa ra, bám sát hơi thở cuộc sống, từ thực tiễn tới nghị trường Quốc hội. Như đúng lời phát biểu nhậm chức của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trước Quốc hội và đồng bào cử tri: “Nguyện sẽ cống hiến hết sức mình vì mục tiêu tối thượng là phụng sự lợi ích của Quốc gia, dân tộc, vì hạnh phúc của Nhân dân.”

Những quyết định này đã một lần nữa khẳng định về tinh thần của Quốc hội hành động, đồng hành cùng Chính phủ và cả hệ thống chính trị trong việc phòng, chống dịch bệnh./.

(Vietnam+)