Phát huy mô hình “Tiếng loa Biên phòng” trong tuyên truyền bầu cử

Hữu Chí / (TTXVN/Vietnam+)
Mô hình “Tiếng loa Biên phòng” ở Tiền Giang trở nên gần gũi và thiết thực, giúp người dân vùng biên hiểu rõ tầm quan trọng của bầu cử, nghĩa vụ, quyền lợi của cử tri trong bầu cử đại biểu Quốc hội.
Phat huy mo hinh “Tieng loa Bien phong” trong tuyen truyen bau cu hinh anh 1Cán bộ Đồn Biên phòng Kiểng Phước lên đường làm nhiệm vụ tuyên truyền. (Ảnh: Hữu Chí/TTXVN)

Triển khai thực hiện từ năm 2018, mô hình “Tiếng loa Biên phòng” của Bộ đội Biên phòng tỉnh Tiền Giang đã phát huy hiệu quả trong việc tuyên truyền về các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước đến người dân ở vùng biên giới, vùng biển.

Đặc biệt, đối với những sự kiện trọng đại của đất nước như tuyên truyền về Ngày Bầu cử (23/5) - Ngày hội lớn của toàn dân, mô hình “Tiếng loa Biên phòng” phát huy hiệu quả rõ rệt.

Thời gian gần đây, người dân ở các xã, thị trấn biên giới biển của huyện Gò Công Đông và Tân Phú Đông (tỉnh Tiền Giang) đã quen với hình ảnh những chiến sỹ “quân hàm xanh” sử dụng loa di động phát liên tục các nội dung tuyên truyền về bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Với hình thức “đi từng ngõ, gõ từng nhà,” mô hình “Tiếng loa Biên phòng” trở nên gần gũi và thiết thực với người dân, giúp bà con nắm bắt được ý nghĩa, tầm quan trọng của bầu cử, nghĩa vụ, quyền lợi của cử tri khi tham gia bỏ phiếu lựa chọn người xứng đáng làm đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.

Đại tá Bùi Văn Vũ, Phó Chính ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh Tiền Giang cho biết xác định công tác tuyên truyền về Ngày Bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp ở vùng biên giới biển là nhiệm vụ quan trọng, bên cạnh việc đảm bảo an ninh vùng biên giới và phòng, chống dịch COVID-19…, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã chỉ đạo các đồn, trạm và Hải đội tập trung đẩy mạnh tuyên truyền các quy định về bầu cử.

[Phát huy vai trò của già làng, trưởng bản trong tuyên truyền về bầu cử]

Việc tuyên truyền bằng loa di động được xem là cách làm hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế của vùng biên giới biển ở Tiền Giang với địa bàn rộng, mật độ dân cư thưa…

Ngoài ra, trong tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp như hiện nay, không hội họp, tập trung đông người, việc sử dụng mô hình “Tiếng loa Biên phòng” là rất phù hợp và đạt hiệu quả cao.

Phat huy mo hinh “Tieng loa Bien phong” trong tuyen truyen bau cu hinh anh 2Bộ đội Biên phòng trực tiếp tuyên truyền về quyền lợi và trách nhiệm của cử tri. (Ảnh: Hữu Chí/TTXVN)

Mô hình “Tiếng loa Biên phòng” khá đơn giản và tiết kiệm, song lại phát huy tối đa hiệu quả đối với nơi có địa bàn rộng, đường đi lại khó khăn, hệ thống loa truyền thanh địa phương chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân.

Với một chiếc loa di động, chiếc USB có sẵn các nội dung tuyên truyền và xe môtô hai bánh, các chiến sỹ Bộ đội Biên phòng có thể đi đến tất cả những nơi có người dân sinh sống để truyền đạt những thông tin cơ bản nhất về cuộc bầu cử.

Trung úy Nguyễn Quốc Cường, Đội phó Đội Vận động quần chúng - Đồn Biên phòng Tân Thành (Bộ đội Biên phòng Tiền Giang) chia sẻ do tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Đội đã khẩn trương thực hiện tuyên truyền trên loa phát thanh di động những nội dung về bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; phát tờ rơi, tờ gấp đến người dân trên địa bàn biên giới do đồn quản lý.

Qua đó, bà con đã chú ý, quan tâm và nắm được ý nghĩa của Ngày Bầu cử cũng như quyền lợi, nghĩa vụ của cử tri. Tùy theo từng thời điểm và tình hình thực tế địa bàn, các đội công tác của từng đồn Biên phòng xây dựng nội dung tuyên truyền cho phù hợp.

Tại các nơi tập trung đông người như các bến bãi, chợ…, cán bộ tuyên truyền có thể sử dụng micrô trực tiếp phát qua loa di động những nội dung cần thông tin cần thiết về bầu cử để bà con nắm bắt thông tin, nâng cao nhận thức và chấp hành.

Đối với địa bàn cảng cá, khu neo đậu tàu cá, bên cạnh việc sử dụng loa di động, cán bộ tuyên truyền còn phát tờ rơi và vận động trực tiếp để bà con nắm rõ về quy định bầu cử.

Ông Phan Hồng Thu ở ấp Đèn Đỏ, xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông (tỉnh Tiền Giang) cho biết, nhờ các cán bộ Bộ đội Biên phòng tuyên truyền, ông đã hiểu rõ hơn về trách nhiệm, quyền lợi khi tham gia bầu cử và tuyên truyền cho gia đình để đi bỏ phiếu đầy đủ vào ngày 23/5 tới.

Trung tá Nguyễn Hữu Nhâm, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Kiểng Phước (Bộ đội Biên phòng tỉnh Tiền Giang) cho biết: “Cấp ủy, Ban chỉ huy đơn vị đã quán triệt cán bộ, chiến sỹ đơn vị phối hợp với chính quyền địa phương tập trung tuyên truyền, vận động qua loa di động, đặc biệt với là các ngư dân đánh bắt xa bờ để bà con thêm hiểu về Ngày Bầu cử - sự kiện quan trọng của đất nước, qua đó, giúp người dân tham gia đầy đủ, thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình trong Ngày Bầu cử sắp tới.

Bà Lê Thị Hồng Tâm, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Gò Công Đông (Tiền Giang), thành viên Ủy ban Bầu cử huyện cho biết nhờ sự phối hợp thông tin, tuyên truyền về bầu cử của Bộ đội Biên phòng tỉnh, người dân trên địa bàn biên giới biển của huyện Gò Công Đông đã hiểu rõ về tầm quan trọng của sự kiện Ngày Bầu cử (25/3) sắp tới.

Hình thức tuyên truyền “Tiếng loa Biên phòng” là được xem là cách làm hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương, góp phần để người dân ở vùng biên giới biển hiểu được quyền lợi và nghĩa vụ của công dân khi tham gia bỏ phiếu lựa chọn người có tài, có đức tham gia Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp./.

Hữu Chí / (TTXVN/Vietnam+)