Gia đình ông Chi Viết Hải (dân tộc Lô Lô) ở xóm Khuổi Khon, xã Kim Cúc, huyện Bảo Lạc được nghe phổ biến về luật Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 tỉnh Cao Bằng. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)
Cùng với các địa phương trong cả nước, tỉnh Cao Bằng đang tích cực chuẩn bị cho công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Để đảm bảo thông tin về Ngày hội non sông đến được với tất cả cử tri, đặc biệt là nơi vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, tỉnh Cao Bằng tăng cường công tác tuyên truyền, trong đó chú trọng phát huy vai trò của đội ngũ già làng, trưởng bản và người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Xóm Phìn Sảng, xã Xuân Trường, huyện Bảo Lạc, có 54 hộ dân, đều là người dân tộc Dao. Để người dân nắm rõ công tác bầu cử, những ngày này, ông Tẩn Láo Sú, Bí thư Chi bộ, Trưởng xóm Phìn Sảng đã tổ chức các cuộc họp xóm, tận tình đến những hộ dân ở xa, không thể tham dự được các cuộc họp để tuyên truyền, phổ biến về cuộc bầu cử; trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến quyền và nghĩa vụ của cử tri tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Bản Tềnh Cà Lừa nằm cheo leo trên những ngọn núi cao của xã Quý Quân, huyện Hà Quảng, với 78 hộ dân đều là người dân tộc Mông. Địa hình chủ yếu là núi, dân cư phân bố thưa thớt, một bộ phận đồng bào nơi đây không biết tiếng phổ thông.
Để người dân nắm được tinh thần của cuộc bầu cử, anh Hoàng Văn Hanh, Trưởng bản Tềnh Cà Lừa đã trực tiếp dùng tiếng Mông để tuyên truyền, phổ biến về cuộc bầu cử.
Anh Hoàng Văn Hanh chia sẻ: Có hộ dân ở Tềnh Cà Lừa phải đi bộ 2 tiếng đồng hồ mới đến nhà văn hóa, vì vậy rất ít khi họ tham gia các cuộc họp của xóm. Gác lại công việc gia đình, anh đã lặn lội đến các hộ này rà soát danh sách cử tri, tuyên truyền để cử tri nắm được quyền và nghĩa vụ trong cuộc bầu cử, bầu ra các đại biểu có đủ uy tín, phẩm chất, năng lực, đưa tiếng nói của đồng bào đến với Quốc hội, Hội đồng Nhân dân các cấp.
Anh Hanh cho biết thêm đến thời điểm này, Ban Bầu cử đã chuẩn bị những người biết chữ để giúp đỡ những người chưa biết chữ thực hiện quyền và nghĩa vụ bầu cử của công dân theo Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân.
[Phó Chủ tịch Quốc hội kiểm tra công tác bầu cử tại Cao Bằng]
Cao Bằng là tỉnh miền núi có địa bàn rộng, đường sá đi lại khó khăn. Hiện nay, địa phương này có 8 dân tộc cùng sinh sống, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tới 94,9%, trong đó dân tộc Mông và Dao chiếm khoảng 20% dân số.
Để công tác tuyên truyền về bầu cử thực sự đến được với từng cử tri, đặc biệt là người dân tộc thiểu số, Ủy ban Bầu cử tỉnh Cao Bằng đã chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, trong đó có việc phát huy vai trò của đội ngũ hơn 1.000 già làng, trưởng bản.
Ông Bế Thanh Tịnh, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng Tiểu ban Chỉ đạo công tác thông tin tuyên truyền về bầu cử Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 cho biết Cao Bằng là tỉnh có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, vì vậy hình thức tuyên truyền trên báo chí, đài phát thanh truyền hình khó tiếp cận được đến đồng bào ở vùng sâu vùng xa. Do đó, muốn tuyên truyền tốt với các đối tượng này, các lực lượng chức năng chú trọng công tác tuyên truyền miệng.
Đội ngũ báo cáo viên có sự tham gia của những người là già làng, trưởng bản và người có uy tín. Thông qua kênh tuyên truyền miệng này, những thông tin về bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng Nhân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 sẽ đến được cử tri vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số một cách kịp thời, chính xác nhất.
Bên cạnh đó, những già làng, trưởng bản bản, bí thư chi bộ sẽ thường xuyên tổ chức các cuộc họp xóm, thông qua các cuộc họp sẽ nâng cao nhận thức, giúp cử tri vùng sâu, vùng xa hiểu, tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp vừa là nghĩa vụ, vừa là trách nhiệm để xây dựng một chính quyền thật sự là của dân, do dân, vì dân…
Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị cho Ngày Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 trên địa bàn tỉnh Cao Bằng đã được thực hiện đúng tiến độ theo quy định.
Cử tri của tỉnh, trong đó có đồng bào dân tộc thiểu số đang háo hức chờ ngày đi bỏ phiếu, bầu ra những người thực sự có đủ năng lực, phẩm chất, đại diện cho người dân đem tiếng nói đến Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp…/.
Chu Hiệu / (TTXVN/Vietnam+)