Trung tâm Điều hành bầu cử tỉnh Quảng Ninh kết nối từ tỉnh đến xã, phường, thị trấn. (Ảnh: Văn Đức /TTXVN)
Sáng 22/5, tỉnh Quảng Ninh đã thành lập Trung tâm Điều hành Bầu cử với sự kết nối trực tuyến từ tỉnh đến 13/13 huyện, thị xã, thành phố và 177 xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh để chỉ đạo, lãnh đạo các công việc liên quan đến cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Trung tâm Điều hành bầu cử tỉnh Quảng Ninh vận hành cập nhật tình hình mọi mặt của cuộc bầu cử như: số lượng cử tri, văn bản chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy, số cử tri đi bầu, tổng hợp nhanh sơ bộ kết quả bầu cử…; đảm bảo thông tin thông suốt, kịp thời phục vụ quá trình theo dõi và chỉ đạo, lãnh đạo công tác bầu cử, nhất là trong xử lý những tình huống khẩn cấp phát sinh trước, trong và sau ngày bầu cử.
Với ưu thế hạ tầng công nghệ thông tin được kết nối thông suốt từ tỉnh đến cơ sở xã, phường nên việc thành lập Trung tâm Điều hành bầu cử tỉnh Quảng Ninh được thực hiện khá đồng bộ, thuận lợi, qua đó rút ngắn quy trình chỉ đạo, lãnh đạo từ tỉnh xuống xã, thậm chí đến cụm bỏ phiếu khi có tình huống phát sinh trong ngày bầu cử.
Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo, Chủ tịch Ủy ban Bầu cử tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký cho biết Quảng Ninh đã xây dựng các kịch bản, tình huống để đảm bảo tuyệt đối an toàn trong ngày bầu cử cả về an ninh trật tự, an toàn xã hội và các tình huống diễn biến xấu về thời tiết, dịch COVID-19.
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh yêu cầu các ngành, địa phương và các lực lượng không được chủ quan, lơ là, cần nâng cao cảnh giác, phối hợp tốt để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho ngày bầu cử.
Thông tin về cuộc bầu cử, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Quảng Ninh, ông Vũ Quyết Tiết cho biết: Những ngày qua, tỉnh Quảng Ninh có sự biến đổi về số cử tri khá lớn.
Tính đến hết ngày 21/5, tổng cử tri 957.171 người (tăng 23.215 người so với ngày bắt đầu niêm yết danh sách cử tri 7/4). Tính đến trước 7 giờ ngày 22/5, số cử tri ở Quảng Ninh tăng thêm 8.070 người do lượng sinh viên, công nhân ở các nơi trở về địa phương đông.
Quảng Ninh đã tổ chức xét nghiệm COVID-19 đối với toàn bộ 7.048 ứng cử viên đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 và hơn 40.000 người là thành viên của các tổ bầu cử, với kết quả tất cả đều âm tính với virus SARS-CoV-2.
Sáng 22/4, tỉnh tiếp tục tổ chức lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho đội ngũ phóng viên làm nhiệm vụ thông tin về cuộc bầu cử trên địa bàn.
Theo thông tin của Ủy ban Bầu cử tỉnh Quảng Ninh, có 4 đơn vị bầu cử đăng ký khai mạc bầu cử sớm sau 5 giờ và trước 7 giờ ngày 23/5 gồm Uông Bí (1 điểm bỏ phiếu), Đông Triều (15 điểm), Đầm Hà (8 điểm), Móng Cái (1 điểm) với lý do phục vụ cho việc đảm bảo sản xuất và làm nhiệm vụ cho phòng, chống dịch COVID-19.
[Tỉnh Bắc Ninh tiến hành bỏ phiếu bầu cử sớm tại 14 điểm]
Tại Gia Lai, sau thời gian tích cực triển khai các mặt công tác, tỉnh Gia Lai đã sẵn sàng cho ngày hội toàn dân, hơn 994.000 cử tri Gia Lai đang háo hức, mong chờ được cầm lá phiếu, lựa chọn những đại biểu ưu tú nhất vào Quốc hội khóa XV và Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Không khí những ngày cận kề ngày hội tổng tuyển cử ở khắp các thôn, làng, tổ dân phố trong tỉnh càng lúc càng khẩn trương, sôi nổi.
Những ngày này, khắp các tuyến đường của các địa phương trong tỉnh Gia Lai đã được trang hoàng rực rỡ cờ, hoa, băng rôn, pa nô, áp phích tuyên truyền về ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Những công đoạn cuối cùng của công tác chuẩn bị cho ngày hội lớn đã được hoàn tất ở nhiều địa phương, dù khu vực thành phố hay ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới.
Ghi nhận tại Tổ bầu cử số 2 thuộc làng Mơ Nú (xã Chư Á, thành phố Pleiku) cơ bản đã hoàn thành công tác chuẩn bị cho ngày hội. Hội trường được trang hoàng rực rỡ, các khu vực bỏ phiếu được bố trí bài bản, vừa đảm bảo việc bỏ phiếu của các cử tri thuận lợi, vừa đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Đối với các thành viên trong tổ bầu cử luôn được cắt cử trực 24/24 giờ để bảo vệ, tránh hư hỏng cũng như tiếp nhận thông tin từ phía cử tri nếu có sai sót.
Anh Siu Ih, thành viên Tổ bầu cử số 2 chia sẻ: “Mỗi sáng chúng tôi đưa bảng niêm yết danh sách cử tri, danh sách các ứng cử viên ra phía trước hội trường để người dân tiện đến theo dõi, cập nhật. Chiều tối chúng tôi lại đem cất vào bên trong, phòng đêm có mưa hay gió lốc, tránh hư hỏng. Hiện tại, làng Mơ Nú cũng đã hoàn tất công tác phát phiếu cử tri đến từng hộ gia đình trong làng. Dọc trên các tuyến đường làng, chúng tôi cũng cắm thêm gần 100 cờ chuối, tạo không khí sôi nổi cho ngày hội.”
Tại phường Cheo Reo (thị xã Ayun Pa), công tác chuẩn bị cho cuộc bầu cử đang bước vào những phần việc cuối cùng. Ông Nguyễn Đức Cúc, Bí thư Chi bộ kiêm Tổ trưởng Tổ dân phố 2 (phường Cheo Reo) hồ hởi: “Trong suốt nửa tháng qua, tổ bầu cử số 2 đã tập trung lực lượng trang trí Nhà Văn hóa của tổ, đảm bảo hội nghị tiếp xúc cử tri diễn ra tốt đẹp. Tổ đã cử người túc trực, dọn dẹp vệ sinh, đồng thời tiếp nhận những phản ánh, kiến nghị cũng như bổ sung thêm thẻ cử tri cho những học sinh, sinh viên, người lao động mới trở về địa phương, báo cáo ủy ban bầu cử cấp trên.”
Công dân trong khu cách ly tại Gia Lai được hướng dẫn chu đáo, tiếp cận thông tin đầy đủ về bầu cử. (Ảnh: Hồng Điệp/TTXVN)
Trong khi đó, tại huyện Phú Thiện, do đang có 114 trường hợp F2 cách ly tại nhà nên công tác phòng, chống dịch trong bầu cử được đặc biệt được coi trọng. Ông Hoàng Hữu Hùng, Bí thư Đảng ủy xã Ia Piar, huyện Phú Thiện cho hay toàn xã có trên 4.800 cử tri, trong đó có 25 trường hợp F2 đang cách ly tại nhà. Các đối tượng này sẽ được lực lượng chuyên môn mang thùng phiếu phụ đến tận nhà để cử tri thực hiện quyền công dân. Thùng phiếu phụ sẽ được khử khuẩn và đảm bảo an ninh trong suốt quá trình di chuyển. Bên cạnh đó, nhằm đảm bảo tỉ lệ cử tri đi bỏ phiếu, xã cử người đến gặp các điểm, nhóm chức sắc, tôn giáo để tuyên truyền, vận động giáo dân đi bầu cử đầy đủ.”
Bên cạnh đó, công tác chuẩn bị trong các đơn vị lực lượng vũ trang cũng đã cơ bản hoàn tất, sẵn sàng cho ngày hội lớn. Trung tá Lê Ngọc Hưng, Phó Trưởng Công an huyện Chư Prông cho biết công tác bảo đảm an ninh, trật tự cuộc bầu cử, trọng tâm là ngày 23/5, đã được lực lượng Công an huyện triển khai rất chủ động, tích cực, khẩn trương. Đến thời điểm này, các mặt công tác đã cơ bản hoàn thành, sẵn sàng bảo vệ tuyệt đối an ninh, an toàn cho ngày bầu cử trên địa bàn huyện trong mọi tình huống.
Như vậy, đến thời điểm này, tỉnh Gia Lai đã sẵn sàng cho ngày bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Theo đó, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã lựa chọn, giới thiệu 14 người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV để bầu lấy 8 đại biểu; 119 người ứng cử đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh Gia Lai để bầu lấy 71 đại biểu; 951 người ứng cử đại biểu Hội đồng Nhân dân huyện để bầu lấy 571 đại biểu; 8.455 người ứng cử đại biểu Hội đồng Nhân dân xã để bầu lấy 5.009 đại biểu.
Hòa chung không khí rộn ràng của cả nước, mọi công tác chuẩn bị cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 tại khu cách ly y tế của tỉnh Gia Lai đã hoàn tất.
Những công dân trong khu cách ly y tế tỉnh Gia Lai đều được tiếp cận đầy đủ các thông tin, quy định như bao công dân khác, nhưng để thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch COVID-19, các cử tri này buộc phải thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân của mình trong khu cách ly y tế.
Đại úy Võ Văn Định, Chỉ huy Trung tâm cách ly Y tế tỉnh Gia Lai, cho biết, trong khu cách ly, đơn vị phải đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ kép, vừa bảo đảm sức khỏe cho công dân, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, đồng thời cũng phải bảo đảm quyền và nghĩa vụ công dân trong đợt bầu cử.
Để công dân trong khu cách ly tiếp cận với thông tin bầu cử, đơn vị thường xuyên truyền thanh nội bộ, niêm yết tiểu sử của các đồng chí ứng cử lên các vị trí dễ quan sát, dễ nghiên cứu.
Chị Hoàng Thị Loan, tổ 4, phường Đống Đa, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai cho hay, năm nay là một năm bầu cử rất đặc biệt, vì chị và mọi người ở đây đang thực hiện biện pháp cách ly y tế trong phòng, chống dịch COVID-19.
Mặc dù không thấy được cảnh rộn ràng chào đón ngày hội của non sông ở ngoài như mọi năm nhưng trong khu cách ly này chị Loan cũng cảm nhận được không khí chuẩn bị chu đáo, sự hướng dẫn tận tình của cán bộ trong khu cách ly chuẩn bị cho ngày bầu cử sắp tới.
Trong khu cách ly, chị Loan và mọi người vẫn thực hiện quyền công dân của mình và kỳ vọng lớn về những đại biểu mà họ tin tưởng lựa chọn sẽ là những người có đầy đủ tài đức, thay mặt nhân dân thực hiện trọng trách đối với xã hội.
Khu cách ly y tế tỉnh Gia Lai nằm trên địa phận huyện Đức Cơ. Đây là điểm bỏ phiếu thuộc khu vực bỏ phiếu tổ dân phố 7, đơn vị bầu cử số 5 ở huyện Đức Cơ, Gia Lai. Để làm tốt công tác phục vụ bầu cử, đảm bảo quyền và nghĩa vụ của công dân trong khu cách ly, cấp ủy, chính quyền địa phương phối hợp chặt chẽ với Trung tâm cách ly y tế và Trung tâm Y tế huyện Đức Cơ phun sát khuẩn ở khu vực bỏ phiếu và thùng phiếu.
Đồng thời, yêu cầu công dân trong khu cách ly thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 để đảm bảo cho công dân bầu cử dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm.
Ông Ngô Hữu Phước, Chủ tịch Ủy ban Bầu cử thị trấn Chư Ty, huyện Đức Cơ cho biết, sau khi đưa thùng phiếu và vật tư phục vụ cho công tác bầu cử thì tổ tiến hành mời các công dân theo thứ tự lần lượt giữ khoảng cách an toàn trên 2m. Với mong muốn 100% số cử tri trong khu cách ly được thực hiện quyền công dân, đồng thời, bảo đảm an toàn việc phòng, chống dịch theo quy định.
Tính đến ngày 22/5, tỉnh Gia Lai có 95 công dân chưa hết thời hạn cách ly y tế và 18 cán bộ, chiến sĩ đang phục vụ tại Trung tâm cách ly y tế sẽ thực hiện quyền và nghĩa vụ bầu cử của mình như bao công dân khác trên toàn quốc.
Với việc làm tốt công tác tuyên truyền và sự chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo, theo đúng quy định của pháp luật ở khu cách ly, tỉnh Gia Lai sẽ góp phần thành công cho ngày hội lớn của non sông, đất nước.
Đoàn công tác của Ủy ban bầu cử kiểm tra các tổ bầu cử ở xã Phước Nam, huyện Thuận Nam. (Ảnh: Công Thử/TTXVN)
Tại tỉnh Ninh Thuận, trước thềm bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, tại các điểm bầu cử vùng đồng bào Chăm ở xã Phước Nam, huyện Thuận Nam; xã Xuân Hải, huyện Ninh Hải; huyện Bác Ái và Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận, không khí chuẩn bị bầu cử diễn ra rất sôi nổi, thu hút sự quan tâm của đông đảo cử tri và người dân trong vùng.
Ông Bá Thanh Thanh Trưởng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã - Phó Chủ tịch Ủy ban bầu cử xã Phước Nam cho biết, đến thời điểm này, toàn xã Phước Nam có 7.918 cử tri dự kiến đi bầu.
Hiện mọi công tác chuẩn bị cho bầu cử diễn ra vào 23/5 (kể cả việc đảm bảo an ninh-trật tự; công tác phòng, chống dịch COVID-19) đều được triển khai hoàn tất, đảm bảo an toàn tuyệt đối.
Ông Thập Văn Sẫm, cử tri đồng bào Chăm ở xã Phước Nam phấn khởi cho biết, cử tri chúng tôi rất vui mừng về bầu cử từ khâu tuyên truyền đến trang trí chuẩn bị cho ngày hội này. Tôi cũng như toàn thể cử tri ở xã tìm hiểu khá kỹ về tiểu sử, cũng như được lắng nghe về chương trình hành động của các ứng cử viên đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp.
Cử tri chúng tôi sẽ lựa chọn, bầu những người đủ đức, đủ tài vào Quốc hội và Hội đồng nhân dân, chỉ mong những ứng cử viên sau khi trúng cử sẽ thực hiện tốt nhiệm vụ của mình, đưa ý kiến, tâm tư nguyện vọng cử tri đến với Đảng, Nhà nước, với Quốc hội để có chủ trương, chính sách phù hợp; góp phần phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào Chăm nói riêng và đồng bào các dân tộc trong tỉnh nói chung.
Tại huyện Ninh Hải, mọi công tác chuẩn bị cho ngày hội toàn dân cũng đã được hoàn tất. Theo báo cáo của Chủ tịch Ủy ban bầu cử huyện Ninh Hải Nguyễn Thành Phú, tính đến trưa 22/5, toàn huyện có hơn 75.000 cử tri dự kiến đi bầu.
Các địa phương vùng đồng bào Chăm, Raglai trên địa bàn huyện đang nô nức chờ đến ngày được cầm lá phiếu đi bầu cử để thực hiện quyền và nghĩa vụ thiêng liêng của mình.
Ông Nguyễn Thành Phú chia sẻ hiện công tác đảm bảo an ninh-trật tự; công tác phòng, chống dịch COVID-19 được huyện triển khai rất bài bản, khoa học theo đúng phương án đã đề ra, đảm bảo thành công cho cuộc bầu cử diễn ra sáng mai (23/5).
Đối với huyện miền núi Bác Ái, mặc dù địa bàn rộng, đồng bào Raglai chiếm hơn 98% và không sinh sống tập trung, nhưng nhờ công tác tuyên truyền sâu rộng nên đến thời điểm này, hơn 20.000 cử tri đồng bào Raglai đã sẵn sàng cho ngày bầu cử.
Ông Pi Năng Đô, cử tri đồng bào Raglai ở xã Phước Đại, huyện Bác Ái cho biết, những ngày này, tôi cũng như đồng bào nơi đây không đi rẫy để đến nhà cộng đồng xem danh sách niêm yết cử tri, danh sách ứng cử viên nhằm chọn ra những người đủ tài, đủ đức để bầu làm đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, giúp đồng bào có cuộc sống ấm no hơn.
Để đảm bảo thành công cho ngày bầu cử, ngay trong sáng 22/5, Ủy ban bầu cử tỉnh Ninh Thuận và các địa phương đã thành lập nhiều đoàn đến các khu vực bầu cử để chỉ đạo các địa phương, các tổ bầu cử trong tỉnh rà soát lại tất cả các khâu chuẩn bị, các mặt còn thiếu sót gắn với thực hiện phương án cụ thể trong phòng, chống dịch COVID-19 để ngày bầu cử thật sự là ngày hội của toàn dân./.
Văn Đức-Quang Thái-Hồng Điệp-Công Thử / (TTXVN/Vietnam+)