Tạo điều kiện tốt nhất cho người dân thực hiện quyền bầu cử

(TTXVN/Vietnam+)
Gần đến ngày bầu cử, các địa phương Cà Mau, Trà Vinh, Khánh Hòa, Quảng Ngãi đã chuẩn bị, tạo điều kiện tốt nhất để người dân đi bỏ phiếu được trang bị đầy đủ kiến thức về bầu cử.
Tao dieu kien tot nhat cho nguoi dan thuc hien quyen bau cu hinh anh 1Không khí về ngày bầu cử được huyện Ngọc Hiển, Cà Mau truyền tải đến nhiều người dân bằng các hình thức khác nhau. (Ảnh: Huỳnh Anh/TTXVN)

Gần đến ngày bầu cử, các địa phương Cà Mau, Trà Vinh, Khánh Hòa, Quảng Ngãi đã chuẩn bị, tạo điều kiện tốt nhất để người dân đi bỏ phiếu được trang bị đầy đủ kiến thức về bầu cử.

Cà Mau: Ngày 21/5, cử tri ở hai cụm đảo Hòn Khoai và Hòn Chuối sẽ đi bầu cử sớm

Chiều 19/5, đại diện Thường trực Ủy ban Bầu cử tỉnh Cà Mau cho biết, tỉnh đã cơ bản hoàn thành công tác chuẩn bị, tạo điều kiện tốt nhất cho tất cả cử tri tại cụm đảo Hòn Khoai (xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển) và cụm đảo Hòn Chuối (thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời) thực hiện quyền bầu cử sớm trong ngày 21/5.

Để đảm bảo việc bỏ phiếu sớm trên hai cụm đảo kể trên theo đúng quy định, Ủy ban Bầu cử tỉnh đã có các văn bản chỉ đạo đến các tổ chức phụ trách bầu cử có liên quan để tổ chức thực hiện theo đúng quy định Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân theo hướng dẫn của Văn phòng Hội đồng Bầu cử Quốc gia.

Trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Ủy ban Bầu cử tỉnh, các tổ chức phụ trách bầu cử có liên quan đã xây dựng kế hoạch, phương án bỏ phiếu sớm tại hai cụm đảo về phương tiện, thời gian, nhân sự, thực hiện quy trình bỏ phiếu, kiểm phiếu, lập biên bản, bảo quản và bàn giao tài liệu, vật liệu.

Đồng thời, các tổ chức phụ trách bầu cử của địa phương đã vận chuyển các tài liệu, vật liệu liên quan đến danh sách cử tri, thẻ cử tri, danh sách người ứng cử, hòm phiếu, vật liệu trang trí… đến hai cụm đảo để niêm yết, trang trí, chuẩn bị cho Ngày Bầu cử theo đúng quy định.

Tỉnh Cà Mau có tổng số 1.259 khu vực cử tri bỏ phiếu bầu cử thuộc 14 đơn vị bầu cử. Trong đó, 6 huyện ven biển của tỉnh gồm huyện U Minh có 145 Tổ Bầu cử, huyện Năm Căn có 82 Tổ Bầu cử, huyện Ngọc Hiển có 84 Tổ Bầu cử, huyện Trần Văn Thời có 205 Tổ Bầu cử, huyện Phú Tân có 114 Tổ Bầu cử và huyện Đầm Dơi có 259 Tổ Bầu cử.

Toàn tỉnh có 852.514 cử tri đủ điều kiện thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân. Tuy nhiên, trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, khả năng số lượng cử tri có thể biến động đến trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu.

Theo nhận định của Ủy ban Bầu cử tỉnh có thể một số cử tri thay đổi nơi bỏ phiếu do cách ly, di chuyển đến nơi khác vì lý do dịch COVID-19, cử tri đi làm ăn xa có nguyện vọng đăng ký về quê để bỏ phiếu…

Vấn đề này, Ủy ban Bầu cử tỉnh đã chủ động các giải pháp để ứng phó hiệu quả với tình hình dịch COVID-19; đồng thời hướng dẫn cặn kẽ các bước để xử lý tình huống nhằm giúp cơ sở hiểu, nắm và dự phòng các tình huống xảy ra. Tất cả cùng hướng đến phương châm đảm bảo an toàn cho Ngày Bầu cử.

Các khu vực bầu cử phải thực hiện tốt thông điệp 5K với phương châm dù dịch bệnh có xảy ra cũng đảm bảo cho Ngày Bầu cử an toàn và tạo điều kiện thuận lợi nhất để cử tri tham gia bầu cử.

Đến nay, công tác chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 của tỉnh đã cơ bản hoàn thành và sẵn sàng cho Ngày Bầu cử 23/5/2021.

Theo Thường trực Ủy ban Bầu cử tỉnh, nhìn chung, công tác chuẩn bị bầu cử của tỉnh được tổ chức, thực hiện đúng theo quy định của Trung ương. Các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp trong tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, đảm bảo các mốc thời gian và trình tự thực hiện công tác bầu cử. Các tổ chức phụ trách bầu cử làm việc với tinh thần trách nhiệm cao, phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp trong quá trình thực hiện công tác chuẩn bị bầu cử.

Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tỉnh Cà Mau và các tổ chức thành viên, các cơ quan, đơn vị có liên quan đã thực hiện tốt công tác hiệp thương giới thiệu người ra ứng cử đảm bảo đúng thời gian luật định, đúng thành phần, cơ cấu và tiêu chuẩn đại biểu; phát huy quyền dân chủ trong việc giới thiệu, đề cử, tự ứng cử...

Bên cạnh đó, Thường trực Ủy ban Bầu cử tỉnh tăng cường công tác kiểm tra, chỉ đạo các địa phương, cơ sở tập trung đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền cổ động; đảm bảo tốt tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội trước, trong và sau đợt bầu cử./.

Trà Vinh: Tạo điều kiện cho ứng cử viên thực hiện tốt quyền vận động bầu cử

Chiều 19/5, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Trà Vinh tổ chức 3 hội nghị gặp gỡ, tiếp xúc cử tri cho các ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XV tại xã Đôn Châu (huyện Duyên Hải); cho các ứng cử viên Hội đồng nhân dân tỉnh khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 tại xã Hòa Minh (huyện Châu Thành) và xã Đức Mỹ (huyện Càng Long).

Đây là những buổi tiếp xúc cuối cùng giữa các ứng cử viên đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026 với cử tri tỉnh Trà Vinh.

Ông Phạm Tiết Cường, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Trà Vinh cho biết, để tạo điều kiện cho các ứng cử viên đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân thực hiện quyền vận động bầu cử của mình, từ ngày 4-19/5, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Trà Vinh đã tổ chức 94 hội nghị để các ứng cử viên gặp gỡ, tiếp xúc với hơn 16.000 cử tri trong tỉnh.

Tại các buổi tiếp xúc, cử tri được nghe đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh giới thiệu tiểu sử tóm tắt từng ứng cử viên; nghe các ứng cử viên trình bày chương trình hành động của mình.

Tất cả ứng cử viên đều nêu quyết tâm sẽ đóng góp trí tuệ, tâm sức, nêu cao tinh thần trách nhiệm của bản thân, hứa khi trúng cử sẽ thực hiện đúng vai trò là người đại biểu nhân dân, luôn lắng nghe ý kiến, nguyện vọng chính đáng của nhân dân để phản ánh kịp thời đến các cấp thẩm quyền; góp phần vào sự phát triển của đất nước nói chung, tỉnh Trà Vinh nói riêng…

[Bầu cử QH và Hội đồng Nhân dân: Cử tri trẻ tuổi hướng đến ngày bầu cử]

Các buổi tiếp xúc đã nhận gần 500 ý kiến của cử tri trong tỉnh. Hầu hết cử tri tỉnh Trà Vinh mong muốn những người trúng cử thực hiện đúng chương trình hành động của mình.

Bên cạnh đó, nhiều cử tri bày tỏ mong muốn được Nhà nước quan tâm hơn đến đồng bào dân tộc thiểu số; hỗ trợ hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số phát triển kinh tế gia đình, nâng cao mức sống; tìm đầu ra ổn định cho nông sản, thực hiện chính sách thúc đẩy nông nghiệp phát triển, hỗ trợ nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để tăng hiệu quả sản xuất; hoàn thiện hệ thống hạ tầng, như giao thông, thủy lợi ở địa phương…

Tỉnh Trà Vinh có 10 người được giới thiệu ứng cử (trong đó 2 người do Trung ương giới thiệu) để bầu chọn 6 đại biểu Quốc hội; giới thiệu 83 người ứng cử để bầu 50 đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh.

Toàn tỉnh có 2 đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội và 14 đơn vị bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh. Tỉnh đã phê chuẩn khu vực bỏ phiếu và thành lập 1.021 tổ bầu cử, với 796.692 cử tri.

Khánh Hòa vận động công nhân tích cực tham gia bầu cử, tuân thủ quy định phòng dịch

Theo ông Bùi Thanh Bình, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Khánh Hòa, để người lao động tại khu công nghiệp, khu kinh tế tích cực tham gia bầu cử, các cấp Công đoàn trong tỉnh cùng chính quyền địa phương đã tích cực tuyên truyền về cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 cũng như việc tuân thủ quy định phòng, chống dịch COVID-19.

Tao dieu kien tot nhat cho nguoi dan thuc hien quyen bau cu hinh anh 2Cử tri thị trấn Trường Sa, thuộc huyện Trường Sa (tỉnh Khánh Hoà) xem danh sách cử tri được niêm yết tại hội trường UBND thị trấn Trường Sa. (Ảnh: TTXVN)

Trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa hiện có hơn 16 nghìn công nhân lao động, trong đó tại các khu công nghiệp là 13.000 người, còn lại là ở khu kinh tế Vân Phong. Phần lớn công nhân là lao động địa phương, do vậy họ sẽ tham gia bầu cử ở nơi sinh sống.

Bà Huỳnh Thị Nam Khánh, Chủ tịch Công đoàn các khu công nghiệp và các khu kinh tế tỉnh Khánh Hòa cho biết, do tình hình dịch bệnh phức tạp nên đơn vị đã phối hợp với chính quyền địa phương, Công đoàn cơ sở tại các doanh nghiệp trong khu công nghiệp tuyên truyền đến công nhân viên, người lao động về cuộc bầu cử thông qua mạng xã hội.

Các cấp Công đoàn tích cực vận động công nhân tham gia Cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu pháp luật về bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân” và Cuộc thi ảnh trên mạng xã hội Zalo, Facebook do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát động.

Đồng thời, tổ chức Công đoàn phối hợp với các tổ chức chính trị xã hội tích cực tham gia kiểm tra, giám sát, bảo đảm công tác bầu cử diễn ra công khai dân chủ, đúng quy định; tăng cường nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên, người lao động; kịp thời cung cấp thông tin về công tác chuẩn bị bầu cử, về các ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 tới công nhân, lao động.

Tổ chức Công đoàn còn phối hợp với các doanh nghiệp thực hiện mục tiêu "kép," vừa phòng, chống dịch bệnh vừa đảm bảo kế hoạch sản xuất kinh doanh an toàn trong mùa dịch; tạo điều kiện để công nhân viên chức lao động tìm hiểu thông tin ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Đặc biệt là vận động công nhân tham gia bầu cử đầy đủ, đúng giờ và yêu cầu thực hiện nghiêm quy định về phòng, chống dịch.

Quảng Ngãi nâng cao kiến thức pháp luật về bầu cử cho người dân

Nhằm giúp người dân có kiến thức về Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân, quyền lợi, nghĩa vụ của cử tri và giải đáp những thắc mắc mà cử tri quan tâm, tỉnh Quảng Ngãi đã thực hiện đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền về bầu cử. 

Theo đó, Quảng Ngãi thực hiện tuyên truyền từ trực quan sinh động đến hệ thống truyền thanh, qua thiết bị Icom, loa cầm tay, tuyên truyền miệng…

Trong đó, điển hình là hình thức tuyên truyền thông qua hệ thống Icom để đưa các nội dung kết nối đến các ngư dân đang đánh bắt xa bờ, đặc biệt là ngư dân đang ở hai ngư trường Hoàng Sa và Trường Sa.

Tùy theo từng địa phương mà thông tin về bầu cử đến với ngư dân đang đánh bắt xa bờ vào những thời điểm khác nhau. Có Nghiệp đoàn nghề cá nối máy Icom với ngư dân vào 8 giờ 30 phút và 16 giờ hàng ngày, có đơn vị phát từ 20 giờ hàng ngày, có đơn vị thì chọn vào thời điểm khoảng 13 giờ 30 phút.

Ông Nguyễn Quốc Chinh, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá An Hải (huyện Lý Sơn) cho biết: "Từ đầu tháng 4 đến nay, bắt đầu từ 18 giờ 30 - 20 giờ mỗi ngày, thông qua hệ thống Icom, chúng tôi tuyên truyền phổ biến cho các ngư dân những thông tin về cuộc bầu cử để họ xác định rõ trách nhiệm của mình, sắp xếp thời gian cập bến trước ngày bầu cử để thực hiện quyền và nghĩa vụ của cử tri."

Hiện Lý Sơn còn 20 tàu cá đang đánh bắt ngoài khơi xa, trong 2 ngày tới có 12 chiếc tàu về bờ, 8 tàu còn lại sẽ về trước ngày 23/5 tới để tham gia bầu cử.

Huyện Lý Sơn có 15.364 cử tri đủ điều kiện tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp, nhiệm kỳ 2021- 2026. Trong số này, cử tri là ngư dân đang tham gia đánh bắt hải sản xa bờ chiếm khoảng 15%.

Để ngư dân đang đánh bắt xa bờ sắp xếp thời gian về đất liền tham gia bỏ phiếu, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền theo nhiều hình thức, trong đó chú trọng tuyên truyền lưu động tại cảng cá, khu vực neo trú tàu, thuyền và thông qua Icom. 

Tỉnh Quảng Ngãi cũng phổ biến các nội dung liên quan đến bầu cử trên hệ thống loa truyền thanh các xã. Đài truyền thanh xã chủ động tuyên truyền, phổ biến đến người dân các nội dung liên quan đến bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp theo chủ trương, chính sách và hướng dẫn của địa phương cũng như cấp trên. Hình thức tuyên truyền bằng xe lưu động, loa tay cũng được đẩy mạnh thực hiện, đặc biệt là tại các điểm khu dân cư, nơi loa phát thanh không tới được.

Các huyện miền núi tỉnh Quảng Ngãi chủ động thực hiện công tác tuyền truyền bằng tiếng đồng bào dân tộc thiểu số như tiếng Hre, Cor, CaDong…

Với đặc thù ở vùng cao, ban ngày bà con thường đi lên núi làm rẫy nên các thành viên trong tổ bầu cử phân công nhau đến từng nhà vào buổi tối để tuyên truyền, nói chuyện giúp đồng bào hiểu về cuộc bầu cử và tích cực tham gia.

Tại huyện Sơn Hà có hơn 55.200 cử tri được niêm yết danh sách, trong đó có hơn 70% cử tri là đồng bào dân tộc H’re. Để đưa những thông tin cơ bản nhất về bầu cử đến với bà con, huyện Sơn Hà đã soạn thảo nội dung tuyên truyền bầu cử thật dễ hiểu, được biên dịch và trình bày bằng tiếng H’re.

Hàng ngày, Trung tâm truyền thông văn hóa huyện phát nội dung liên quan đến công tác bầu cử bằng tiếng Hrê với thời lượng từ 45-60 phút/lần.

Bên cạnh đó, Quảng Ngãi cũng triển khai nhiều hình thức tuyên truyền như lắp đặt pa-nô, áp-phích tại các điểm công cộng, soạn thảo các file âm thanh phát trên sóng phát thanh và loa di động đến tận các khu dân cư. Nhờ vậy, người dân dễ dàng nắm được thông tin về cuộc bầu cử, hiểu hơn về vai trò, trách nhiệm của mỗi cử tri trong cuộc bầu cử.

Nhiệm kỳ 2021-2026, tỉnh Quảng Ngãi được bầu 7 đại biểu Quốc hội, 53 đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh, 416 đại biểu Hội đồng Nhân dân cấp huyện và 3.990 đại biểu Hội đồng Nhân dân cấp xã.

Toàn tỉnh có 3 đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội, 19 đơn vị bầu cử đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh, 144 đơn vị bầu cử đại biểu Hội đồng Nhân dân cấp huyện và 1.145 đơn vị bầu cử đại biểu Hội đồng Nhân dân cấp xã. Ủy ban Nhân dân cấp huyện đã phê chuẩn 1.182 khu vực bỏ phiếu và Ủy ban Nhân dân cấp xã đã quyết định thành lập 1.182 tổ bầu cử.

Công tác lập và niêm yết danh sách cử tri; lập, công bố và niêm yết tiểu sử của những người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp theo từng đơn vị bầu cử hoàn thành đúng thời gian quy định./.

(TTXVN/Vietnam+)