Theo số liệu từ Bộ Nội vụ, tính đến 21 giờ ngày 23/5, cả nước có 99,57% cử tri đi bầu cử, trong đó, nhiều địa phương có tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu rất cao, như Hậu Giang (99,99%); Lào Cai, Lạng Sơn, Trà Vinh (99,98%); Lai Châu,Vĩnh Long, Bến Tre (99,97%); Bình Phước, Hà Giang, Quảng Nam (99,96%)...
Để có được kết quả này, ngay từ rất sớm, Hội đồng Bầu cử Quốc gia, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành liên quan, cơ quan chức năng như Văn phòng Hội đồng Bầu cử Quốc gia, Bộ Nội vụ và cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương đã tập trung nỗ lực cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện cuộc bầu cử.
Việc triển khai thực hiện rất cụ thể, chi tiết, tích cực của các địa phương, đơn vị và các Tổ Bầu cử cũng như sự hưởng ứng tích cực, đồng thuận, thống nhất, đoàn kết của người dân đã góp phần làm nên thành công của cuộc bầu cử.
Thời điểm công bố kết quả bầu cử
Hiện nay, các địa phương đang tiến hành tổng hợp kết quả bỏ phiếu theo quy định. Căn cứ vào biên bản tổng kết cuộc bầu cử trong cả nước, Hội đồng Bầu cử Quốc gia tiến hành công bố kết quả bầu cử và danh sách những người trúng cử đại biểu Quốc hội chậm nhất là ngày 12 tháng 6 năm 2021 (hoặc 20 ngày sau Ngày Bầu cử).
Ủy ban Bầu cử ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ vào biên bản tổng kết cuộc bầu cử, tiến hành công bố kết quả bầu cử và danh sách những người trúng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh chậm nhất là ngày 2 tháng 6 năm 2021 (hoặc 10 ngày sau Ngày Bầu cử).
Ủy ban Bầu cử ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ vào biên bản tổng kết cuộc bầu cử để công bố kết quả bầu cử và danh sách những người trúng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện chậm nhất là ngày 2 tháng 6 năm 2021 (hoặc 10 ngày sau Ngày Bầu cử).
Ủy ban Bầu cử ở xã, phường, thị trấn căn cứ vào biên bản tổng kết cuộc bầu cử công bố kết quả bầu cử và danh sách những người trúng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã chậm nhất là ngày 02 tháng 6 năm 2021 (hoặc 10 ngày sau Ngày Bầu cử).
Việc xác nhận tư cách người trúng cử
Theo số liệu của Hội đồng Bầu cử Quốc gia, từ 866 ứng cử viên, cử tri sẽ bầu 500 đại biểu Quốc hội khóa XV.
Đối với đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, số liệu cụ thể như sau: Từ 6.199 ứng cử viên, cử tri sẽ bầu ra 3.726 đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh; từ 37.468 ứng cử viên, cử tri bầu ra 22.952 đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện; từ 405.244 ứng cử viên, cử tri bầu ra 242.312 đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã.
[Thành công của cuộc bầu cử khẳng định sức mạnh từ lòng dân]
Căn cứ vào kết quả tổng kết bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến người trúng cử đại biểu Quốc hội, Hội đồng Bầu cử Quốc gia tiến hành xác nhận tư cách của người trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, cấp Giấy chứng nhận đại biểu Quốc hội khóa XV cho người trúng cử và báo cáo Quốc hội khóa XV về kết quả xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội tại kỳ họp đầu tiên của Quốc hội.
Cử tri bỏ phiếu tại khu vực bỏ phiếu số 4, phường Vĩnh Phúc, Quận Ba Đình, Hà Nội. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)
Căn cứ vào kết quả tổng kết bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2021-2026 ở cấp mình, kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến người trúng cử đại biểu Hội đồng nhân dân, Ủy ban Bầu cử các cấp tiến hành xác nhận tư cách của người trúng cử đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2021-2026 của cấp mà mình chịu trách nhiệm tổ chức bầu cử, cấp Giấy chứng nhận đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2021-2026 cho người trúng cử và báo cáo Hội đồng nhân dân khóa mới về kết quả xác nhận tư cách đại biểu Hội đồng nhân dân tại kỳ họp đầu tiên của Hội đồng nhân dân.
Trường hợp có đơn thư tố cáo đối với người trúng cử đại biểu Hội đồng nhân dân nhưng chưa có kết luận, kết quả xác minh, trả lời chính thức của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền, Ủy ban Bầu cử các cấp vẫn tiến hành việc xác nhận tư cách của người trúng cử đại biểu Hội đồng nhân dân ở cấp mình căn cứ vào các tài liệu, kết luận hiện có.
Các nội dung tố cáo chưa có kết luận hoặc chưa được giải quyết được chuyển cho Thường trực Hội đồng nhân dân khóa mới để tiếp tục xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.
Trường hợp cơ quan chức năng đã có kết luận kiểm tra khẳng định người trúng cử đại biểu Hội đồng nhân dân có vi phạm và bị xử lý kỷ luật với hình thức từ khiển trách trở lên, Ủy ban Bầu cử cần xem xét, đánh giá cụ thể về tính chất, mức độ của hành vi vi phạm.
Nếu đó là hành vi vi phạm pháp luật, không phù hợp với tiêu chuẩn của đại biểu Hội đồng nhân dân là phải có phẩm chất đạo đức tốt, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật đã được quy định tại khoản 2 Điều 7 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Ủy ban Bầu cử không công nhận tư cách đại biểu Hội đồng nhân dân đối với người này.
Trường hợp sau khi người trúng cử đã được xác nhận tư cách đại biểu Hội đồng nhân dân mà cơ quan chức năng mới có kết luận khẳng định người này có vi phạm pháp luật, không đáp ứng đủ tiêu chuẩn của đại biểu Hội đồng nhân dân, không xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân khóa mới sẽ xem xét, quyết định việc tự mình báo cáo để Hội đồng nhân dân bãi nhiệm đại biểu Hội đồng nhân dân, hoặc theo đề nghị của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp báo cáo để cử tri bãi nhiệm đại biểu Hội đồng nhân dân đối với người có vi phạm theo quy định tại Điều 102 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương./.
Trần Phương / (TTXVN/Vietnam+)