Theo số liệu tổng hợp của các địa phương, trên cả nước có hơn 69 triệu cử tri thực hiện quyền bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 vào ngày 23/5/2021.
Thông qua bầu cử, người dân thể hiện quyền làm chủ của mình, bầu ra các cơ quan quyền lực nhà nước ở trung ương và địa phương, thiết thực góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.
Quyền và nghĩa vụ thiêng liêng
Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Lá phiếu cử tri có một giá trị rất cao quý; nó là một dấu hiệu xác nhận rằng Nhân dân thật sự làm chủ nước nhà.”
Hiến pháp năm 2013 cũng đã nêu rõ: “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân... Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ, tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về Nhân dân.”
Quyền bầu cử là quyền cơ bản của công dân theo quy định của pháp luật, bao gồm việc giới thiệu người ứng cử và bỏ phiếu bầu cử để lựa chọn người đại diện cho mình tại Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp.
Điều 27 Hiến pháp và Điều 2 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân quy định: Tính đến ngày bầu cử được công bố, công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đủ 18 tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ 21 tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp.
Như vậy, mọi công dân, không phân biệt dân tộc, giới tính, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ văn hóa, nghề nghiệp, đủ 18 tuổi (tính đến ngày bầu cử 23/5/2021, tức là có ngày sinh từ ngày 23/5/2003 trở về trước thì được xác định là đủ tuổi để được ghi vào danh sách cử tri) trở lên đều có quyền bầu cử và đủ 21 tuổi trở lên đều có quyền ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân theo quy định của pháp luật (trừ những người bị tước quyền bầu cử theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật hoặc người bị kết án tử hình đang trong thời gian chờ thi hành án, người đang chấp hành hình phạt tù mà không được hưởng án treo, người mất năng lực hành vi dân sự).
Xuất phát từ những quy định pháp luật và tính chất của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân, pháp luật đã quy định 4 nguyên tắc bầu cử là: Phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín. 4 nguyên tắc trên cũng được rất nhiều nước trên thế giới áp dụng và được coi là phương thức bầu cử tiến bộ.
Cử tri khi tham gia bầu cử không chỉ là niềm vinh dự thực hiện quyền dân chủ, mà còn là nghĩa vụ công dân, thể hiện trách nhiệm chính trị của mình đối với vận mệnh đất nước.
Trong bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, cử tri có trách nhiệm tham gia giới thiệu người ứng cử vào cơ quan quyền lực nhà nước, góp phần vào việc xây dựng nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Cử tri nơi người ứng cử công tác và cư trú có trách nhiệm tham gia ý kiến nhận xét.
Nghĩa vụ của cử tri được thể hiện rõ qua 3 lần tổ chức hội nghị hiệp thương, qua các lần tổ chức hội nghị cử tri nơi công tác và nơi cư trú của người ứng cử, qua các cuộc tiếp xúc, vận động bầu cử của người ứng cử.
Nói bầu cử là nghĩa vụ bởi nếu cử tri không đi bầu cử thì không thể thành lập các cơ quan lập pháp, hành pháp như luật định. Đó là: nếu không bầu cử thì không có đại biểu Quốc hội và từ đó không thể thực hiện việc bầu, phê chuẩn các chức danh lãnh đạo trong bộ máy nhà nước theo luật định. Không có nhà nước thì không thể thực hiện các nhiệm vụ đối nội, đối ngoại, cũng không thể thực hiện việc bảo đảm tính chất của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân của nhà nước.
Điều này cũng có nghĩa rằng, công dân không thực hiện nghĩa vụ bầu cử thì đã xâm phạm đến quyền ứng cử của công dân khác bởi các ứng cử viên đó nếu không được cử tri bầu thì không thể trở thành các đại biểu Quốc hội, hay đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.
(Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)
Bên cạnh đó, Hiến pháp quy định nhiều nghĩa vụ của công dân liên quan đến đất nước, như “Công dân có nghĩa vụ trung thành với Tổ quốc” (Điều 44), “Công dân phải thực hiện nghĩa vụ quân sự và tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân” (Điều 45), “Công dân có nghĩa vụ tuân theo Hiến pháp và pháp luật; tham gia bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội và chấp hành những quy tắc sinh hoạt công cộng” (Điều 46)... đều cần phải có nhà nước để bảo đảm cho công dân được thực hiện các quyền ấy. Như vậy, nếu không có nhà nước và chính quyền các cấp (do không có hoạt động bầu cử) thì các nghĩa vụ và các quyền của công dân không thể thực hiện đầy đủ.
Từ đó cho thấy, ý kiến cho rằng bầu cử chỉ là quyền mà không phải là nghĩa vụ, cử tri có thể đi bầu hoặc không, là một ý kiến sai trái, ngụy biện và trái với cả thực tiễn lẫn pháp lý. Những biểu hiện của một số công dân như thờ ơ, bàng quan với bầu cử; dùng lợi ích cá nhân để “mặc cả” việc đi bỏ phiếu bầu cử; hay đi bỏ phiếu kiểu “cho xong,” “gạch bừa” chỉ để được đóng dấu “đã đi bầu,” không những tự mình tước bỏ quyền thiêng liêng của mình, mà còn là hành xử thiếu trách nhiệm đối với đất nước, với dân tộc.
Gửi gắm niềm tin qua lá phiếu
Đã nhiều kỳ tham gia công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp ở địa phương, bà Trịnh Thị Nhung, 77 tuổi, cử tri phường Hàng Đào, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, chia sẻ: Một trong những điểm nổi bật trong kỳ bầu cử lần này là công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật của nhà nước về bầu cử, quyền và nghĩa vụ của cử tri, được tiến hành liên tục, không chỉ qua các phương tiện truyền thống như truyền hình, báo, đài, mà còn qua cả mạng xã hội, tin nhắn điện thoại. Điều này đã giúp cho bà và các cử tri nắm được những điểm mới trong bầu cử, đồng thời có được cảm giác háo hức, hồ hởi hướng về ngày hội lớn của toàn dân.
Cẩn thận đọc từng dòng chương trình hành động của các ứng cử viên đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân ứng cử tại địa phương nơi mình sinh sống, ông Chu Đức Tính, nguyên Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh khẳng định, mỗi công dân khi cầm trên tay lá phiếu đều mong muốn lựa chọn những đại biểu thực sự có tài, có đức.
[Trao gửi niềm tin và ước vọng: Hiện thực hóa khát vọng Việt Nam]
“Có tài thì mới phát huy được vai trò của mình, đại diện cho dân, xứng đáng với niềm tin nhân dân. Có đức thì mới cống hiến cho dân tộc,” ông Chu Đức Tính nhấn mạnh.
“Nếu như các kỳ bầu cử trước, càng gần đến Ngày Bầu cử, không khí rất sôi nổi, hào hứng; làng xã rầm rộ băng rôn, khẩu hiệu, năm nay có phần trầm lắng hơn do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Tuy nhiên, người dân vẫn hướng về Ngày Bầu cử - sự kiện chính trị đặc biệt quan trọng của đất nước,” từ vùng tâm dịch COVID-19, xã Mão Điền, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, chị Nguyễn Thị Chiên chia sẻ. Mặc dù đang trong khu cách ly nhưng chị Chiên khẳng định vẫn tham gia bầu cử, thực hiện quyền công dân của mình.
Theo chị Chiên, mỗi cử tri đã lựa chọn kỹ lưỡng, so sánh và xác định riêng cho mình là sẽ bầu cho ứng cử viên nào để đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân. Chị Chiên hy vọng, những người được lựa chọn là những đại biểu tiêu biểu, xứng đáng nhất, có đủ các tiêu chuẩn, năng lực theo quy định để thực thi nhiệm vụ của đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân.
Là nhóm cử tri luôn thu hút sự chú ý của truyền thông trong các kỳ bầu cử, các cử tri 18 tuổi, cử tri trẻ lần đầu đi bỏ phiếu đã được các cấp chính quyền, Đoàn, Hội Thanh niên quan tâm tuyên truyền pháp luật về bầu cử, quyền và nghĩa vụ của cử tri.
Chia sẻ cảm xúc sau khi tham dự Hội nghị gặp mặt cử tri trẻ lần đầu đi bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 của huyện Kim Sơn, Ninh Bình, cử tri Lương Thảo, Trường Trung học Phổ thông Kim Sơn A, chia sẻ, hoạt động này giúp cử tri trẻ lần đầu tham gia bầu cử nắm vững quy định, hiểu rõ quyền và nghĩa vụ của mình, từ đó nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc bỏ lá phiếu lựa chọn những người xứng đáng, có đức, có tài bầu vào Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp.
Đang thực hiện nhiệm vụ chắc tay súng gìn giữ biên cương nơi đảo xa, binh nhất Nguyễn Văn Khánh (20 tuổi), chiến sỹ ra đảo Sơn Ca làm nhiệm vụ từ tháng 7/2020, cho biết: “Lần đầu tiên tôi được đi bỏ phiếu, lại vinh dự được bỏ lá phiếu của mình tại quần đảo Trường Sa, tôi thấy rất tự hào. Tôi hứa sẽ phát huy hết tinh thần, trách nhiệm của người công dân, một người lính để chọn ra người có chí, có tài, giúp phát triển đất nước.”
Trong khi đó, cử tri Vũ Ngọc Sơn (sinh năm 1998 xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì, Hà Nội) tâm sự: "Là một cử tri trẻ, sau khi đọc tài liệu tuyên truyền về bầu cử, em cảm thấy mình có trách nhiệm rất lớn với sự kiện trọng đại của đất nước sắp diễn ra. Em sẽ tìm hiểu thật cẩn thận từng ứng cử viên để bỏ lá phiếu bầu của mình cho những người thật sự có trách nhiệm để làm tròn nhiệm vụ của người đại biểu nhân dân."
Dẫn đầu đội thanh niên tình nguyện đi phát tờ rơi, treo băng-rôn cổ động bầu cử, anh Phạm Tiến Đạt, Ủy viên Ban Chấp hành Thành Đoàn Hà Nội, Huyện ủy viên, Bí thư Huyện Đoàn Thanh Trì, Hà Nội, chia sẻ: Hướng tới Ngày bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, Đoàn Thanh niên huyện Thanh Trì đã ban hành kế hoạch tuyên truyền sâu rộng trong đoàn viên thanh niên với những cách làm rất thiết thực và sáng tạo, đặc biệt trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp.
Phát phiếu bầu cử cho chiến sỹ vùng 5 Hải quân và Bộ đội Biên phòng tỉnh Bạc Liêu. (Ảnh: Chanh Đa/TTXVN)
Một số hoạt động cụ thể như: tuyên truyền sâu rộng trên các trang Facebook của Huyện Đoàn và Đoàn các xã, thị trấn; tuyên truyền trực quan bằng băng rôn, khẩu hiệu tại tất cả 16 xã, thị trấn, đặc biệt là mô hình loa kéo thanh niên tuyên truyền để vận động đoàn viên, thanh niên, cử tri trẻ tích cực tham gia bầu cử. Với những hoạt động cụ thể đó, tuổi trẻ huyện Thanh Trì đã sẵn sàng hướng tới cuộc bầu cử, để ngày 23/5 thực sự là Ngày hội của toàn dân.
“Chúng tôi mong muốn đóng góp nhiệt huyết và trách nhiệm của người trẻ, góp phần vào thành công của cuộc bầu cử,” anh Phạm Tiến Đạt nhấn mạnh.
Những ngày qua, cùng với các cấp, ngành, các tổ chức đoàn thể trong tỉnh Bình Dương, các doanh nghiệp ở tỉnh này đang đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến về cuộc bầu cử tới đoàn viên, hội viên và người lao động.
Anh Nguyễn Thái Hòa, công nhân Công ty trách nhiệm hữu hạn Sunmore Việt Nam (Khu công nghiệp Sóng thần 3) bộc bạch: "Gần đây, hệ thống loa phát thanh nội bộ của Công ty liên tục tuyên truyền trong các giờ ăn cơm, giải lao về tầm quan trọng của cuộc bầu cử, về quyền lợi, trách nhiệm của cử tri, các quy định về trình tự, thể thức bầu cử nên chúng tôi đã quan tâm nhiều hơn."
Kỳ vọng vào những quyết sách đột phá
Tham gia thực hiện quyền công dân trong Ngày Bầu cử, mỗi cử tri đều mang trong mình những niềm tin, kỳ vọng vào những đại biểu được lựa chọn tham gia vào cơ quan dân cử Trung ương và địa phương.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Vinh khẳng định, không chỉ ông mà rất nhiều cử tri và người dân đều kỳ vọng vào đội ngũ đại biểu Quốc hội khóa XV để hiện thực hóa những khát vọng, mục tiêu mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra. Đó là làm sao để cuộc sống của người dân được ấm no, hạnh phúc cả về vật chất và tinh thần, xây dựng Nhà nước thực sự của dân, do dân và vì dân.
Sau gần 4 thập kỷ đổi mới và hội nhập, uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế đã được nâng lên rất nhiều. Điều này đòi hỏi Quốc hội với vai trò là cơ quan thực hiện quyền lập hiến, lập pháp có nhiều quyết sách quan trọng.
“Nếu trước đây chúng ta dựa nhiều vào xuất khẩu, sức lao động, đầu tư bên ngoài, sắp tới chúng ta dựa vào năng suất lao động, tri thức và công nghệ. Quốc hội phải có những dự án luật để điều chỉnh vấn đề này,” ông Phạm Quang Vinh nhấn mạnh.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Vinh cho rằng, cùng với sự mở cửa, đổi mới của đất nước, đời sống chính trị xã hội của Việt Nam đã có sự tiến bộ vượt bậc. Người dân ngày càng hiểu rõ về Quốc hội, ý thức rõ hơn về quyền và nghĩa vụ của mình. Bên cạnh đó, Quốc hội cũng có sự đổi mới rất lớn, thể hiện rõ qua các phiên chất vấn thành viên Chính phủ, thậm chí chất vấn cả người đứng đầu Chính phủ.
Nhiều phiên làm việc quan trọng, trong đó có các phiên chất vấn và trả lời chất vấn được truyền hình trực tiếp, tạo không khí sinh hoạt dân chủ. Đặc biệt, người dân theo dõi, giám sát chặt chẽ, tạo áp lực lên từng đại biểu Quốc hội về thực hiện lời hứa, chương trình hành động của mình, buộc các đại biểu nâng cao hơn nữa trách nhiệm trước cử tri.
Theo ông Phạm Quang Vinh, đời sống sinh hoạt chính trị của mỗi quốc gia không thể tách rời lịch sử và truyền thống dân tộc. Vì thế, điều quan trọng là làm sao để các công dân tham gia bầu cử hiểu rõ con đường mà đất nước đã lựa chọn.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Vinh cho rằng, mỗi đại biểu Quốc hội được bầu ra không chỉ đại diện cho địa phương, một quận, một xã hay một khu vực nào đó, mà là đại biểu đại diện cho quốc gia. Do đó, các đại biểu cần giải quyết hài hòa bài toán của từng địa phương cũng như vấn đề vĩ mô quốc gia, dân tộc.
Là cử tri tại Thành phố Hồ Chí Minh, ông Trần Hải Linh (Việt kiều Hàn Quốc) đánh giá cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân là dịp để người dân thể hiện quyền làm chủ của mình thông qua lá phiếu bầu, trực tiếp lựa chọn những người có đủ đức, đủ tài, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân bầu vào cơ quan quyền lực Nhà nước các cấp, thiết thực góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.
Đây là lần thứ hai Thượng úy Đỗ Xuân Điềm, Trợ lý công tác quần chúng, Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên tham gia bầu cử. Khác với lần trước, khi còn là học viên Học viện Biên phòng (thị xã Sơn Tây, thành phố Hà Nội) đầy bỡ ngỡ, hồi hộp, lần này tấm gương điển hình “dân vận khéo” toàn quốc trẻ nhất giai đoạn 2015-2020 tự nhận thấy bản thân trưởng thành hơn, có trách nhiệm và gửi gắm nhiều kỳ vọng qua lá phiếu bầu.
Thượng úy Đỗ Xuân Điềm chia sẻ, anh tham gia bầu cử với tinh thần “sẵn sàng, chủ động” thực hiện quyền lợi chính trị và trách nhiệm công dân, lựa chọn và bầu ra những người tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng, quyền làm chủ của nhân dân trong Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ mới.
Thượng úy Đỗ Xuân Điềm kỳ vọng, các đại biểu trong nhiệm kỳ 2021-2026 sẽ có những quyết sách mang tính đột phá, đổi mới và sáng tạo trên mọi lĩnh vực, tạo đòn bẩy đưa đất nước phát triển mạnh mẽ, hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra.
Bên cạnh đó, Quốc hội và đại biểu Quốc hội sẽ có nhiều hơn nữa các chính sách để tạo nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng đời sống đồng bào trên địa bàn khu vực biên giới, đặc biệt là hệ thống đường giao thông, điện lưới quốc gia, sóng điện thoại có thể đến được tất cả các thôn, bản thuộc các xã biên giới. Quốc hội ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để Chính phủ, các bộ, ban, ngành, địa phương có thể linh hoạt triển khai một cách nhanh chóng, bài bản các biện pháp ngăn ngừa, dịch COVID-19 cũng như các loại dịch bệnh khác.
Qua ý kiến của các cử tri nói trên có thể thấy ý thức chính trị, trách nhiệm công dân trong các tầng lớp nhân dân đang không ngừng được nâng cao, đi cùng với đó là những kỳ vọng lớn lao vào các đại biểu dân cử nhiệm kỳ mới.
Mỗi lá phiếu mà cử tri gửi gắm vào thùng phiếu là những viên gạch hồng góp phần xây dựng, củng cố cơ quan quyền lực nhà nước ở trung ương và địa phương, đồng thời thể hiện quyết tâm chính trị và khát vọng của mỗi người dân xây dựng một đất nước Việt Nam giàu mạnh. Do đó, mỗi cử tri hãy trân trọng và sử dụng lá phiếu “bé nhỏ nhưng giá trị của nó thì vô cùng to lớn” để thực hiện quyền và nghĩa vụ thiêng liêng của mình./.
Phan Phương-Diệp Trương-Việt Đức / (TTXVN/Vietnam+)