Học viên Đại học Phòng cháy Chữa cháy tìm hiểu thông tin về các ứng cử viên. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Trong khi đa số sinh viên trong cả nước phải dừng đến trường nên việc thực hiện nghĩa vụ cử tri chuyển về các địa phương thì khối công an, quân đội vẫn duy trì học và bầu cử tập trung cho học viên.
Để đảm bảo công tác phòng chống dịch và tổ chức bầu cử thành công, các nhà trường đã triển khai hàng loạt giải pháp, từ đẩy mạnh tuyên truyền đến lên kế hoạch chuẩn bị chu đáo, dự phòng mọi tình huống.
Tuyên truyền, phổ biến Luật Bầu cử
Với đa số sinh viên, năm nay là lần đầu tiên các em được cầm trên tay lá phiếu bầu cử để thực hiện nghĩa vụ cử tri, cũng là quyền lợi công dân để bầu ra những cá nhân ưu tú nhất vào Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp. Vì thế, công tác tuyên truyền, hướng dẫn về Luật Bầu cử được các trường đại học, học viện đặc biệt chú trọng với nhiều hình thức khác nhau.
Theo Thiếu tướng Trần Minh Hưởng, Giám đốc Học viện Cảnh sát nhân dân, không chỉ tuyên truyền qua loa, nhà trường còn lồng ghép trong các hoạt động chính trị, đến tận ký túc xá để phát tài liệu thông tin tuyên truyền tận tay cho các em.
Nội dung công tác tuyên truyền nhằm giúp sinh viên hiểu về quy định về bầu cử, quyền nghĩa vụ của người tham gia, cách thức bầu cử, lựa chọn ứng viên đồng thời nâng cao trách nhiệm của các em trong lựa chọn những đại biểu đủ phẩm chất, năng lực, trình độ vào bộ máy công quyền. Danh sách, tiểu sử các đại biểu được niêm yết đầy đủ, công khai để cán bộ, sinh viên có thể nghiên cứu, lựa chọn đúng.
Sinh viên Nguyễn Thế Hiểu, Học viện Cảnh sát Nhân dân cho hay những thông tin do nhà trường cung cấp đã giúp em nắm rõ cách thức bầu cử, thông tin liên quan ứng cử viên và có lựa chọn riêng cho mình.
Với tâm thế lần đầu tiên được đi bầu cử, em Bùi Thị Mỹ Kim, sinh viên Học viện Cảnh sát Nhân dân cho biết em cảm thấy hồi hộp nhưng hào hứng khi được cầm lá phiếu chọn đại biểu xứng đáng vào cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước.
“Nhà trường phát tài liệu là cuốn hỏi đáp về bầu cử đến các lớp, treo băng rôn khẩu hiệu, phát thanh tuyên truyền phổ biến Luật Bầu cử và các quy định trong bầu cử, danh sách và tiểu sử ứng viên... Với sự giúp sức của các thầy cô, em đã hiểu về quy định quy trình thủ tục bầu cử, rõ hơn về ứng viên để đưa ra cho mình quyết đúng đắn khi bầu cử,” Kim chia sẻ.
Học viện Cảnh sát Nhân dân tới từng phòng ký túc xá phát tài liệu tận tay cho sinh viên. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Tại Đại học Phòng cháy Chữa cháy, danh sách niêm yết cử tri, hòm phiếu, băng rôn khẩu hiệu đã hoàn tất. Giống như Bùi Thị Mỹ Kim, đây cũng là lần đầu tiên em Trịnh Thị Thu Hiền, sinh viên Trường Đại học Phòng cháy Chữa cháy tham gia bầu cử. “Trong các buổi giao ban, điểm danh sáng hay tối, nhà trường đều phổ biến cho học viên các thông tin về bầu cử. Em kỳ vọng đại biểu mà mình bầu sẽ trúng cử vào hội đồng nhân dân,” Hiền nói.
Đảm bảo phòng chống dịch
Bên cạnh việc tuyên truyền về quy trình bầu cử, công tác phòng chống dịch cũng được các nhà trường đặc biệt chú trọng để đảm bảo bầu cử an toàn trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp.
Tại điểm bầu cử Học viện Cảnh sát Nhân dân có số lượng cử tri khá lớn với 5.000 người. Để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh, Học viện đã thành lập ba tổ bầu cử để thực hiện giãn cách.
Thiếu tướng Trần Minh Hưởng, Giám đốc Học viện cho hay ban cầu cử đã rà soát tất cả cử tri, khai báo trước thời điểm bầu cử. Tất cả các trường hợp liên quan đến các F sẽ được tách riêng, không được đi cùng cử tri không liên quan đến vùng dịch.
Học viện cũng xây dựng kịch bản cho tình huống có trường hợp F0 với đội phản ứng nhanh, nhà cách ly xe chuyên dụng, y tế thường trực để có thể cách ly ngay.
Xe chuyên dụng sẵn sàng cho các tình huống. (Ảnh: PV)
Học viên, cán bộ nhân viên được quán triệt nâng cao tinh thần phòng chống dịch, thực hiện nghiêm khẩu hiệu 5 K. Học viên ký túc xá thực hiện cấm trại, không nghỉ cuối tuần, ăn ở sinh hoạt trong trường, trên phòng học đeo khẩu trang, sát khuẩn, tạo khoảng cách, giảm tiếp xúc, giảm sinh hoạt tập thể. Nhà trường giám sát đi lại của học viên, nhà ăn chia suất ăn theo khu vực giãn cách, có biện pháp cụ thể giảm thiểu lây nhiễm cả bên ngoài và trong khu ăn, ở, sinh hoạt.
[Yên Bái: Nhiều cách làm sáng tạo để đảm bảo an toàn ngày bầu cử]
“Với nhiều giải pháp như vậy, việc dịch bệnh xâm nhập vào trong trường được ngăn chặn, đảm bảo an toàn cho học viên được đặt lên hàng đầu,” Thiếu tướng Trần Minh Hưởng chia sẻ.
So với điểm bầu cử Học viện Cảnh sát nhân dân, điểm bầu cử Trường Đại học Phòng cháy Chữa cháy có quy mô nhỏ hơn với khoảng 900 cử tri, gồm người dân ở tổ dân cư, toàn bộ học viên, cán bộ tập trung ở trường.
Đại tá Phạm Văn Nam, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Phòng cháy Chữa cháy cho hay trong tình hình dịch diễn biến phức tạp hiện nay, ngoài nhiệm vụ chính trị tổ chức bầu cử thì công tác đảm bảo phòng chống dịch cũng được quán triệt thực hiện nghiêm túc.
Ban tổ chức bầu cử sẽ thực hiện giãn cách và phân luồng toàn bộ cử tri, luồng đi vào và đi ra tách biệt hoàn toàn, khử khuẩn các khu vực có liên quan. Bộ phận phòng chống dịch thường trực trang bị dụng cụ, phương tiện như nước sát khuẩn, khẩu trang cho cử tri, yêu cầu không tụ tập bàn tán đông người.
Với sự chuẩn bị chu đáo trên mọi phương diện, lãnh đạo các trường cho hay đã sẵn sàng cho công tác bầu cử diễn ra an toàn và thành công./.
Hà An / (Vietnam+)