Bài viết đăng trên mạng Economic Times của nhà báo kỳ cựu Dipanjan Roy Chaudhury về bầu cử Quốc hội ở Việt Nam. (Ảnh: Huy Lê/TTXVN)
Truyền thông Ấn Độ đã có các bài viết đánh giá về ý nghĩa cũng như công tác chuẩn bị của Việt Nam cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng Nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 vào ngày 23/5.
Theo phóng viên TTXVN tại New Delhi, mạng Economic Times ngày 22/5 đăng bài viết của nhà báo kỳ cựu Dipanjan Roy Chaudhury nêu rõ diễn ra vài tháng sau Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam, các sự kiện chính trị tới đây tượng trưng cho tính liên tục của một cường quốc kinh tế mới nổi ở châu Á và sẽ tạo điều kiện thúc đẩy hơn nữa quan hệ đối tác giữa các cơ quan lập pháp của Việt Nam và Ấn Độ.
Tác giả cho biết trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, có tổng cộng có 866 người ứng cử vào 500 ghế Quốc hội. Cuộc bầu cử được đánh giá có tính minh bạch lớn, đảm bảo quyền lợi của người dân Việt Nam.
Quốc hội mới dự kiến sẽ đẩy mạnh các mục tiêu về chính sách đối ngoại cũng như các mục tiêu kinh tế và được kỳ vọng sẽ thúc đẩy quan hệ Ấn Độ-Việt Nam chặt chẽ hơn trong các vấn đề khu vực quan trọng như Biển Đông, Myanmar, an ninh hàng hải và kết nối.
Cũng giống như các cơ quan khác của Nhà nước, Quốc hội Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước. Quốc hội khóa mới dự kiến sẽ thúc đẩy lộ trình phát triển đất nước do Đại hội Đảng vừa qua đề ra.
[Bầu cử Quốc hội: Cử tri Đồng Tháp với niềm tin và kỳ vọng]
Việt Nam hiện là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất trong khu vực, hội nhập sâu với nền kinh tế toàn cầu, độ mở của nền kinh tế cao và hoàn toàn gắn liền với hệ thống thương mại thế giới.
Việt Nam đã ký kết 16 hiệp định thương mại tự do, trong đó có Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).
Quốc hội khóa mới được kỳ vọng sẽ thúc đẩy các mục tiêu chính sách đối ngoại của Việt Nam bao gồm đa phương hóa và đa dạng hóa, qua đó góp phần duy trì và nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Về công tác chuẩn bị cho cuộc bầu cử trong bối cảnh đại dịch COVID-19, tác giả nêu rõ công tác chuẩn bị đã được thực hiện phù hợp với tình hình thực tế. Các điểm bầu cử cơ bản chuẩn bị rất tốt về các điều kiện, nhân lực, nhất là quy trình phòng, chống COVID-19.
Chính quyền các địa phương đều có phương án ứng phó và ưu tiên các nỗ lực phòng, chống dịch, không được lơ là mất cảnh giác để đảm bảo cuộc bầu cử diễn ra an toàn và hiệu quả.
Cùng ngày 22/5, mạng Eurasia Review cũng đăng bài viết của ông Rajaram Panda, nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Bảo tàng và thư viện Nehru, cơ quan nghiên cứu thuộc Bộ Văn hóa Ấn Độ, nêu rõ cuộc bầu cử quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp là một sự kiện chính trị quan trọng ở Việt Nam.
Tác giả đánh giá bầu cử tại Việt Nam được tổ chức hết sức chuyên nghiệp với ý thức tuân thủ pháp luật cao và ý thức về quyền và trách nhiệm của mỗi người dân Việt Nam.
Bài viết cũng lưu ý tới những diễn biến phức tạp và khó lường của đại dịch COVID-19 đang ít nhiều ảnh hưởng đến công tác chuẩn bị cho sự kiện ngày 23/5. Do đó, để đảm bảo bầu cử thành công và giảm thiểu tác động từ đại dịch, Hội đồng Bầu cử quốc gia đã ban hành một số văn bản chỉ đạo, hướng dẫn hoạt động bầu cử trong bối cảnh đại dịch, trong đó có hướng dẫn lập danh sách cử tri và bỏ phiếu cũng như phương thức bỏ phiếu đối với những cử tri trong khu cách ly tại các địa phương có dịch COVID-19.
Tác giả cũng thông tin về việc các cán bộ, chiến sỹ đang làm nhiệm vụ trên nhà giàn DK1/8 đã thực hiện quyền và trách nhiệm công dân của mình vào ngày 12/5 với việc bỏ phiếu sớm bầu đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu nhiệm kỳ 2021-2026.
Ngoài ra, theo bài viết, Ấn Độ cũng có thể tham khảo cách thức tổ chức bầu cử ở Việt Nam.
Theo đó, Việt Nam đã thành lập 63 ủy ban bầu cử cấp tỉnh, 682 ủy ban bầu cử cấp quận/huyện và 10.134 ở cấp xã/ phường. Ở các khu vực bỏ phiếu, các địa phương trong cả nước đã thành lập 84.767 tổ bầu cử. Quy trình tổ chức đồng bộ và rõ ràng trên phạm vi cả nước./.
Huy Lê / (TTXVN/Vietnam+)