Tuyên truyền sâu rộng về bầu cử Quốc hội và HĐND vùng dân tộc thiểu số

Phan Phương / (TTXVN/Vietnam+)
Công tác thông tin tuyên truyền về cuộc bầu cử Quốc hội và bầu cử HĐND cần đặc biệt chú trọng tuyên truyền phù hợp với phong tục, tập quán, đặc điểm sống, tiếng nói, chữ viết của đồng bào thiểu số.
Lãnh đạo Hội đồng Dân tộc của Quốc hội và Ủy ban Dân tộc chủ trì hội nghị triển khai công tác thông tin tuyên truyền về bầu cử ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. (Nguồn: baotintuc.vn)

Ngày 5/3, tại Nhà Quốc hội, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội phối hợp với Ủy ban Dân tộc của Chính phủ tổ chức Hội nghị triển khai công tác thông tin, tuyên truyền về cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Khai mạc Hội nghị, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quàng Văn Hương nêu rõ: Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 vào ngày 23/5/2021 là sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, được tổ chức sau thành công Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Trong tình hình hiện nay, đại dịch COVID-19 mặc dù đã được khống chế cơ bản nhưng vẫn đang diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến các hoạt động chung của đất nước và sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến việc tổ chức các hoạt động bầu cử.

Theo Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quàng Văn Hương, để cuộc bầu cử đạt kết quả cao, cần đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền nhằm phổ biến đến mọi tầng lớp nhân dân, nhất là đối với đồng bào các dân tộc thiểu số, để phát huy tinh thần làm chủ, trách nhiệm, tích cực tham gia, lựa chọn và bầu được những đại biểu tiêu biểu, xứng đáng tham gia vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa nói chung, xây dựng, thực hiện chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước ta nói riêng.

Đề cập yêu cầu của công tác thông tin, tuyên truyền, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành nhấn mạnh, công tác tuyên truyền góp phần làm cho đồng bào dân tộc thiểu số thấy rõ ý nghĩa và tầm quan trọng của cuộc bầu cử, ủng hộ nhiệt tình, tích cực tham gia bầu cử.

[Sự tín nhiệm của cử tri là thước đo quan trọng về tiêu chuẩn đại biểu]

Bên cạnh đó, việc tuyên truyền làm cho cử tri vùng đồng bào dân tộc thiểu số nắm vững và thực hiện đúng các nội dung quy định của pháp luật về bầu cử, nhất là các điểm mới về quyền, nghĩa vụ của công dân trong bầu cử, ứng cử; các quy định về tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân...

Công tác tuyên truyền cũng phải bảo đảm đúng quy định của pháp luật về quy trình, thủ tục giới thiệu, hiệp thương về các ứng cử viên là người dân tộc thiểu số, các ứng cử viên ứng cử ở vùng dân tộc thiểu số, các quy định về vận động bầu cử trên thực tế và qua các phương tiện thông tin đại chúng; phê phán, uốn nắn kịp thời những biểu hiện lợi dụng quyền bầu cử, ứng cử, việc khiếu nại, tố cáo xâm phạm quyền bầu cử, ứng cử của công dân; những hành vi vi phạm pháp luật về quyền dân chủ, gây mất đoàn kết trong Đảng, chia rẽ đại đoàn kết, cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Thông tin tuyên truyền phải đúng thể thức, bảo đảm không khí dân chủ, minh bạch, đúng pháp luật trong quá trình trước, trong và sau bầu cử, chủ động đấu tranh phản bác những thông tin, luận điệu xuyên tạc, sai trái của các thế lực phản động, thù địch về cuộc bầu cử.

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành cho rằng công tác thông tin tuyên truyền về cuộc bầu cử ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số cần tập trung hướng về cơ sở, phù hợp với đặc điểm tổ chức bầu cử ở vùng này; đặc biệt chú trọng tuyên truyền phù hợp với phong tục, tập quán, đặc điểm sống, tiếng nói, chữ viết của đồng bào...

Nội dung tuyên truyền tập trung vào mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của cuộc bầu cử; các thông tin pháp luật có liên quan như: Hiến pháp 2013, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân; các văn bản hướng dẫn về cuộc bầu cử của Nhà nước, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Hội đồng bầu cử quốc gia.

Các cơ quan cần tuyên truyền các nguyên tắc, quy trình bầu cử, tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, về quyền bầu cử, quyền ứng cử của công dân, trách nhiệm cử tri trong quá trình tham gia bầu cử; tuyên truyền về nội dung các cuộc tiếp xúc cử tri, về tiểu sử, chương trình hành động của các ứng cử viên, đặc biệt là các ứng cử viên là người dân tộc thiểu số, ứng cử viên ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, ứng cử viên là người dân tộc rất ít người, ứng cử viên thuộc địa bàn đặc biệt khó khăn...

Tại Hội nghị, các đại biểu tích cực tham gia ý kiến, đề xuất các biện pháp để kế hoạch được triển khai kịp thời, có hiệu quả, góp phần tổ chức thành công cuộc bầu cử, qua đó thực hiện tốt các chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước và quy định của khoản 4, Điều 5 -Hiến pháp năm 2013 “Nhà nước thực hiện chính sách phát triển toàn diện và tạo điều kiện để các dân tộc thiểu số phát huy nội lực, cùng phát triển với đất nước.”./.

 
Phan Phương / (TTXVN/Vietnam+)