Vì sự phát triển lớn mạnh, toàn diện và bền vững của đất nước

(TTXVN/Vietnam+)
Chủ tịch nước hứa sẽ luôn gìn giữ và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, vì sự phát triển lớn mạnh, toàn diện và bền vững của đất nước.
Vi su phat trien lon manh, toan dien va ben vung cua dat nuoc hinh anh 1Quang cảnh nghi lễ Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tuyên thệ nhậm chức. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)

Ngày 26/7, Quốc hội tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ nhất với nội dung trọng tâm là bầu các chức danh lãnh đạo của các cơ quan Nhà nước. 

Buổi sáng, với 483/483 đại biểu có mặt tán thành (chiếm 96,79% tổng số đại biểu Quốc hội), Quốc hội đã thông qua Nghị quyết bầu ông Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị khóa XIII, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2016-2021 (từ tháng 4/2021), đại biểu Quốc hội khóa XV giữ chức vụ Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2021-2026.

Dưới cờ đỏ sao vàng thiêng liêng của Tổ quốc, trước Quốc hội và đồng bào cử tri cả nước, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tuyên thệ: “Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, với Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; nỗ lực công tác để hoàn thành tốt nhiệm vụ Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó."

Chủ tịch nước hứa trước Quốc hội và đồng bào, sẽ luôn tu dưỡng đạo đức, cần kiệm, liêm chính, chí công, vô tư, thượng tôn pháp luật và tuyệt đối tuân thủ Hiến pháp, thực hiện trọn vẹn, đầy đủ mọi nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch nước.

Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, dù khó khăn hay thuận lợi, Chủ tịch nước sẽ luôn gìn giữ và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc cùng với các giá trị lịch sử, bản sắc văn hóa và truyền thống thiêng liêng của dân tộc, vì sự phát triển lớn mạnh, toàn diện và bền vững của đất nước.

Chủ tịch nước sẽ lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân, trong đó có đội ngũ trí thức trong và ngoài nước, tiếp tục cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, quan tâm thường xuyên, sâu sát và hiệu quả đối với việc xây dựng quân đội nhân dân, công an nhân dân cách mạng chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số lực lượng tiến thẳng lên hiện đại, luôn giữ gìn cuộc sống bình yên cho nhân dân và sẵn sàng bảo vệ vững chắc nền hòa bình, độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

Buổi chiều, với 479/479 đại biểu có mặt tán thành (chiếm 95,99% tổng số đại biểu Quốc hội), Quốc hội đã thông qua Nghị quyết bầu Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 đối với ông Phạm Minh Chính.

Quốc hội quyết nghị bầu ông Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị khóa XIII, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2016-2021, đại biểu Quốc hội khóa XV, giữ chức vụ Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2021-2026. Nghị quyết có hiệu lực thi hành kể từ khi được Quốc hội biểu quyết thông qua.

Dưới cờ đỏ sao vàng thiêng liêng của Tổ quốc, trước Quốc hội và đồng bào cử tri cả nước, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tuyên thệ tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, với Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh trong bối cảnh tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến hết sức phức tạp; Đảng, Nhà nước thấu hiểu, chia sẻ với nhân dân những khó khăn, vất vả cả về tinh thần và vật chất khi phải tiến hành phong tỏa, cách ly.

Với tư tưởng chỉ đạo “chống dịch như chống giặc” và vì mục tiêu cao nhất là bảo vệ sức khỏe, an ninh, an toàn của nhân dân; nhiệm vụ cấp bách, quan trọng hàng đầu hiện nay của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ là tập trung trí tuệ, nguồn lực, các biện pháp linh hoạt, sáng tạo, nhất là chiến lược vaccine; phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, tinh thần đại đoàn kết dân tộc; kêu gọi sự chung sức, đồng lòng, nâng cao ý thức chấp hành và tinh thần tương thân tương ái, “thương người như thể thương thân” của nhân dân để chống dịch thành công; đồng thời, đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội nhanh, bền vững; tiếp tục xây dựng, đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong điều kiện khó khăn hiện nay.

Chính phủ đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ then chốt là xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, đảng viên trong Chính phủ và chính quyền các cấp, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.

Chính phủ có biện pháp cụ thể để cải cách mạnh mẽ nền hành chính quốc gia, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong quản lý nhà nước và quản lý xã hội; khuyến khích, tạo môi trường thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp cống hiến, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Trong phiên làm việc chiều 26/7, Quốc hội đã thông qua các Nghị quyết bầu Phó Chủ tịch nước, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao và Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao.

[Họp Quốc hội: Thủ tướng trình cơ cấu 27 thành viên Chính phủ khóa mới]

Quốc hội khóa XV đã bầu bà Võ Thị Ánh Xuân, Ủy viên Trung ương Đảng khóa XIII, Phó Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2016-2021 (từ tháng 4/2021), giữ chức vụ Phó Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2021- 2026.

Quốc hội bầu ông Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng khóa XIII, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao nhiệm kỳ 2016-2021, đại biểu Quốc hội khóa XV, giữ chức vụ Chánh án Tòa án nhân dân tối cao nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2021-2026.

Quốc hội cũng thông qua Nghị quyết bầu Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2021-2026 đối với ông Lê Minh Trí.

Sau khi tuyên thệ, trong bài phát biểu nhậm chức trước Quốc hội, đồng bào và cử tri cả nước, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình khẳng định trên cương vị là người đứng đầu cơ quan xét xử, thực hiện quyền tư pháp của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao khẳng định sẽ khắc ghi lời tuyên thệ trước Quốc hội, không ngừng rèn luyện và nêu gương; cùng tập thể lãnh đạo và Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao phát huy truyền thống; phục vụ nhân dân, tuân thủ sự lãnh đạo của Đảng, nghiêm chỉnh chấp hành Hiến pháp, pháp luật; thực hiện đầy đủ các nguyên tắc tư pháp tiên tiến.

Đồng thời, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh, bản thân sẽ nỗ lực cao nhất để phát huy ưu điểm, thành tựu; khắc phục hạn chế, thiếu sót; chăm lo xây dựng tòa án nhân dân trong sạch, vững mạnh và chuyên nghiệp; đẩy mạnh hơn nữa công cuộc cải cách tư pháp với nhiều giải pháp đổi mới, sáng tạo để nâng cao chất lượng hoạt động và uy tín của Tòa án; để nền tư pháp nước nhà ngày càng phát triển; để nhân dân cảm nhận và thụ hưởng được công bằng và lẽ phải; nghiêm minh và nhân văn trong mỗi phán quyết tư pháp.

Trong phiên làm việc ngày 26/7, Quốc hội thảo luận ở hội trường về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2019; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020./.

(TTXVN/Vietnam+)