Xây dựng kịch bản bầu cử trong điều kiện dịch bệnh căng thẳng

(TTXVN/Vietnam+)
Chỉ còn gần 10 ngày nữa là đến ngày bầu cử, các địa phương đang xúc tiến các hoạt động chuẩn bị trong khi tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến hết sức phức tạp trên khắp cả nước.
Xay dung kich ban bau cu trong dieu kien dich benh cang thang hinh anh 1Toàn cảnh buổi tập huấn. (Ảnh: Văn Dũng/TTXVN)

Chỉ còn gần 10 ngày nữa là đến ngày bầu cử, các địa phương đang xúc tiến các hoạt động chuẩn bị trong khi tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến hết sức phức tạp trên khắp cả nước.

Đà Nẵng tổ chức tập huấn trực tuyến về nghiệp vụ bầu cử  

Ngày 13/5, Ủy ban Bầu cử thành phố Đà Nẵng tổ chức buổi tập huấn trực tuyến về nghiệp vụ bầu cử nhằm chuẩn bị cho công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Nội dung tập huấn tập trung hướng dẫn nội dung công việc của Ủy ban Nhân dân phường, xã và Tổ bầu cử trước, trong và sau ngày bầu cử 23/5/2021; hướng dẫn công tác đảm bảo y tế phòng, chống dịch COVID-19 tại khu bỏ phiếu và trong quá trình bỏ phiếu; hướng dẫn việc bỏ phiếu trong tình hình phát sinh dịch COVID-19; hướng dẫn thông tin báo cáo trong và sau ngày bầu cử…

Ông Lê Minh Trung, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng cho hay, buổi tập huấn nhằm hướng dẫn cho Tổ bầu cử nắm được những kỹ năng cần thiết khi có sự việc phát sinh xảy ra trong quá trình bầu cử và hạn chế tối đa sai sót có thể xảy ra, ảnh hướng đến kết quả bầu cử.

[Tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ từ nay đến ngày bầu cử]

Theo ông Lê Minh Trung, đây là lần bầu cử có nhiều điểm khác biệt so với những lần bầu cử trước, có thể xảy ra những tình huống không có trong hướng dẫn, quy định. Vì vậy, khi có những vấn đề chưa rõ, chưa được quy định phát sinh, các địa phương không tự ý xử lý, chỉ thực hiện khi nhận được hướng dẫn của Ủy ban Bầu cử thành phố. 

Ông Võ Ngọc Đồng, Giám đốc Sở Nội vụ thành phố Đà Nẵng cho biết, đến nay, thành phố Đà Nẵng đã chuẩn bị xong các điều kiện về cơ sở vật chất và nội dung liên quan công tác bầu cử. Ủy ban Bầu cử đã tổ chức kịch bản để diễn tập trong điều kiện xảy ra tình hình dịch COVID-19.

Trên cơ sở kịch bản đó, Ủy ban Bầu cử thành phố đã họp để rút kinh nghiệm trong phòng, chống dịch; in ấn tài liệu, xây dựng video gửi đến Tổ bầu cử, Ủy ban Nhân dân các xã, phường để nắm bắt tình huống ứng phó trong tình hình dịch xảy ra.

Bên cạnh đó, Ủy ban Bầu cử thành phố cũng hướng dẫn cho Tổ bầu cử Ủy ban Nhân dân xã, phường bố trí cử tri hợp lý, đảm bảo không tập trung quá đông ở địa điểm bầu cử; tổ chức bố trí nhân lực, giúp tổ y tế thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch.

Ngoài ra, Ủy ban Bầu cử còn xây dựng phương án triển khai việc bầu cử ở những địa điểm thực hiện cách ly, di chuyển thùng phiếu đến địa điểm cách ly, tạo điều kiện cho mọi người dân thực hiện nghĩa vụ công dân trong tình huống thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch.

Hà Nam tập trung chuẩn bị tốt công tác bầu cử

Chiều 13/5, Ban Chỉ đạo bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh Hà Nam nhiệm kỳ 2021-2026 tổ chức hội nghị đánh giá công tác chuẩn bị tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026.

Xay dung kich ban bau cu trong dieu kien dich benh cang thang hinh anh 2Hà Nam tổ chức Hội nghị tiếp xúc cử tri với những người ứng cử đại biểu Quốc hội. (Ảnh: Đại Nghĩa/TTXVN)

Tỉnh Hà Nam được ấn định hai đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV với số lượng đại biểu được bầu là 6 người; 12 đơn vị bầu cử đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh với 50 đại biểu được bầu; đơn vị bầu cử đại biểu Hội đồng Nhân dân cấp huyện là 43 đơn vị với 201 đại biểu được bầu; đơn vị bầu cử Hội đồng Nhân dân cấp xã 696 đơn vị với 2.708 đại biểu được bầu.

Ngày 29/3, tất cả 109 xã, phường, thị trấn trong tỉnh đã dự kiến xong khu vực bỏ phiếu; quyết định thành lập 778 Tổ bầu cử tại các khu vực bỏ phiếu. Ngày 18/4, toàn tỉnh đã hoàn thành các hội nghị hiệp thương lần thứ ba để lựa chọn, lập danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021- 2026.

Việc tiếp nhận hồ sơ của những người ứng cử đại biểu Quốc hội, Hội đồng Nhân dân các cấp; lấy ý kiến cử tri đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội, Hội đồng Nhân dân các cấp đảm bảo đúng quy định.

Các hội nghị lấy ý kiến nhận xét, tín nhiệm của cử tri đối với người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh đạt 100% số cử tri dự hội nghị nhất trí tín nhiệm giới thiệu.

Tất cả các xã, phường, thị trấn đã lập, niêm yết danh sách cử tri tại trụ sở Ủy ban Nhân dân cấp xã và nơi công cộng, khu vực bỏ phiếu theo quy định, với tổng số 651.072 cử tri.

Việc tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri, vận động bầu cử được thực hiện nghiêm túc, đảm bảo quyền vận động bầu cử của các ứng cử viên đại biểu Quốc hội, Hội đồng Nhân dân các cấp.

Giải quyết khiếu nại, tố cáo về công tác bầu cử, về những người ứng cử đại biểu Quốc hội, Hội đồng Nhân dân các cấp được quan tâm chỉ đạo, giải quyết kịp thời. Thông tin tuyên truyền về cuộc bầu cử được tăng cường với nhiều hình thức đa dạng, phong phú...

Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận làm rõ những khó khăn, tồn tại trong lãnh đạo, chỉ đạo chuẩn bị tổ chức bầu cử; các phương án và giải pháp để thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo, lường trước các tình huống có thể xảy ra để xử lý kịp thời.

Phát biểu kết luận hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam Lê Thị Thủy cho rằng, từ nay đến ngày bầu cử chỉ còn 10 ngày, đây là thời điểm rất quan trọng của quá trình chuẩn bị bầu cử, trong khi tình hình dịch bệnh đang diễn biến hết sức phức tạp trên địa bàn. Do đó, các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, ban chỉ đạo, ủy ban bầu cử các cấp cần tiếp tục quán triệt sâu sắc các chỉ thị, văn bản của Trung ương, Tỉnh ủy và Ủy ban Bầu cử tỉnh về công tác chuẩn bị bầu cử; tăng cường vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị, nhất là người đứng đầu trong việc chủ động phòng, chống dịch COVID-19.

Đồng thời, Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam yêu cầu các vấn đề vi phạm cần được nghiêm khắc xử lý. Các địa phương xây dựng kịch bản cụ thể, phù hợp tình hình thực tế trong phòng, chống dịch, không để dịch bệnh lây lan, ảnh hưởng đến kết quả bầu cử; bảo đảm cuộc bầu cử được tổ chức thành công, an toàn, đúng luật, thực sự là ngày hội của toàn dân.

Các địa phương tổ chức hoạt động để người ứng cử đại biểu Quốc hội, Hội đồng Nhân dân các cấp tiếp xúc cử tri, thực hiện vận động bầu cử đảm bảo an toàn, công bằng, dân chủ, linh hoạt đúng theo quy định, để cử tri hiểu đầy đủ về các ứng cử viên và sáng suốt lựa chọn người đủ sức, đủ tài, tâm huyết đại diện cho ý chí, nguyện vọng của mình; chủ động nắm, phát hiện, xử lý các thông tin sai lệnh, xuyên tạc của các thế lực thù địch, phần tử xấu về dịch bệnh cũng như công tác bầu cử.

Bên cạnh đó, các địa phương khắc phục mọi khó khăn, chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, các điều kiện cần thiết phục vụ cho công tác bầu cử; hướng dẫn cách thức bố trí, sắp xếp để cử tri ghi phiếu, bỏ phiếu được thuận lợi và đáp ứng các yêu cầu an toàn trong phòng, chống dịch COVID-19; quản lý chặt chẽ, an toàn thẻ cử tri, phiếu bầu, tuyệt đối không được để xảy ra bất kỳ sơ suất nào.

Vĩnh Phúc xây dựng các kịch bản đảm bảo an toàn bầu cử trong điều kiện dịch COVID-19

Tỉnh Vĩnh Phúc đang chủ động và  tích cực triển khai công tác chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Tỉnh đã thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Trung ương về chuẩn bị và triển khai tổ chức các hoạt động liên quan bầu cử. Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Vĩnh Phúc cùng các Tiểu ban giúp việc của Ủy ban Bầu cử tỉnh và các sở, ban, ngành theo chức năng, nhiệm vụ đã chủ động ban hành nhiều văn bản chỉ đạo và tổ chức triển khai hoạt động. Đến nay, tỉnh đã có trên 4.500 văn bản liên quan đến công tác bầu cử được các sở, ban, ngành và các địa phương trên địa bàn tỉnh ban hành.

Các cấp ủy đã tăng cường chỉ đạo các cơ quan, ban ngành, tổ chức đoàn thể tích cực quán triệt và tuyên truyền về cuộc bầu cử, quyền của công dân trong bầu cử, tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp để cán bộ, đảng viên và nhân dân biết lựa chọn, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp.

Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính - xã hội đã tích cực tuyên truyền và lan tỏa sâu rộng trong cán bộ, hội viên và nhân dân về công tác chuẩn bị bầu cử; nắm bắt tình hình tư tưởng, dư luận của các tầng lớp nhân dân, phát huy tinh thần đại đoàn kết toàn dân, nêu cao tinh thần làm chủ, tích cực, tự giác tham gia bầu cử. Tỉnh Vĩnh Phúc có 1.165 Ban bầu cử đại biểu Hội đồng Nhân dân (cấp tỉnh 15 Ban, cấp huyện 88 Ban, cấp xã 1062 Ban). Qua kiểm tra, các Ban bầu cử đều đảm bảo số thành viên theo quy định. Đến ngày 3/4/2021, Ủy ban Nhân dân 136 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã thành lập 1.104 Tổ bầu cử.  Toàn tỉnh có 1.163 đơn vị bầu cử, trong đó có 13 đơn vị bầu cử cấp tỉnh, 88 đơn vị bầu cử cấp huyện, 1.062 đơn vị bầu cử cấp xã.

Trên cơ sở đề nghị của Ủy ban Nhân dân cấp xã, Ủy ban Nhân dân các huyện, thành phố, tỉnh đã Quyết định phê duyệt 1.104 khu vực bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp. Sau hội nghị hiệp thương lần 3, Vĩnh Phúc đã lập danh sách chính thức 6.261 người ứng cử; trong đó có 10 ứng cử viên đại biểu Quốc hội, 85 ứng cử viên đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh, 488 ứng cử viên đại biểu Hội đồng Nhân dân cấp huyện và 5.680 ứng cử viên đại biểu Hội đồng Nhân dân cấp xã. Đến ngày 3/5, danh sách chính thức và tiểu sử tóm tắt tất cả những người ứng cử đã được niêm yết tại Ủy ban Nhân dân các xã, phường, thị trấn và các khu vực bỏ phiếu.

Ủy ban Bầu cử tỉnh Vĩnh Phúc đã chủ động xây dựng các kịch bản, chuẩn bị sẵn sàng các nhiệm vụ từ nay đến ngày bầu cử cho các địa phương, đơn vị trong điều kiện phòng, chống dịch COVID-19; đồng thời đề xuất Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo cấp ủy đảng các cấp tạm dừng các công việc không cần thiết, tập trung cao độ cho phòng, chống dịch COVID-19 và triển khai công tác bầu cử để bảo vệ an toàn cho người dân và tổ chức thành công cuộc bầu cử; tổ chức diễn tập công tác bầu cử trong điều kiện chống dịch...

Bà Hoàng Thị Thúy Lan, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc  yêu cầu Ủy ban Bầu cử tỉnh rà soát, tổng hợp tình hình thực tiễn của tỉnh để xin ý kiến Hội đồng Bầu cử Quốc gia hướng dẫn cụ thể cho các địa phương có căn cứ triển khai thực hiện, nhất là các quy định liên quan đến bầu cử trong khu cách ly tập trung, khu vực cách ly y tế; căn cứ Kế hoạch số 538 của Bộ Y tế để cụ thể hóa công tác bảo đảm y tế phục vụ bầu cử.

Tỉnh cũng yêu cầu cơ quan chức năng, đơn vị thông tin đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền về bầu cử bằng nhiều hình thức. Vĩnh Phúc tiếp tục quan tâm tuyên truyền lưu động, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống điện thoại thông minh. Đồng thời, củng cố lại đội ngũ dư luận viên, tuyên truyền viên, cộng tác viên, báo cáo viên cơ sở, phát huy hiệu quả hình thức tuyên truyền miệng; chủ động, chủ trì nắm bắt thông tin từ các cơ quan thông tin đại chúng của Trung ương và địa phương để định hướng tuyên truyền có trọng tâm, trọng điểm.

Vĩnh Phúc tiếp tục xây dựng phương án xử lý an ninh trật tự phù hợp với từng địa phương; chủ động tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho lực lượng tham gia bầu cử. Hiện, các ứng cử viên đại biểu Quốc hội tỉnh khóa XV đang tiếp xúc với cử tri ở các địa phương để vận động bầu cử.../.

(TTXVN/Vietnam+)