Cần tăng cường hơn nữa chất lượng đại biểu, trong đó tăng việc tăng số lượng đại biểu chuyên trách, xây dựng phương án khung nhân sự để chủ động lựa chọn nhân sự chất lượng là kiến nghị của nhiều đại biểu Quốc hội nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội trong nhiệm kỳ tới.
Nâng số lượng, chất lượng đại biểu chuyên trách
Theo Báo cáo tóm tắt công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Quốc hội, từ thực tiễn hoạt động 5 năm qua, Quốc hội khóa XIV đã khẳng định, bổ sung, làm sâu sắc thêm những bài học kinh nghiệm quý được Quốc hội các khóa rút ra. Một trong số sáu bài học kinh nghiệm đó là việc đại biểu Quốc hội giữ vai trò trung tâm, là nhân tố then chốt quyết định chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Việc tăng số lượng đại biểu chuyên trách, nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn của đại biểu đã góp phần quan trọng, thiết thực trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội.
Đại biểu Bùi Văn Xuyền, đoàn Thái Bình cho hay việc tăng số lượng đại biểu chuyên trách là một trong những yêu cầu đặt ra để hoạt động Quốc hội chuyên nghiệp hơn, tập trung hơn. “Muốn chuyên nghiệp thì đại biểu Quốc hội phải là hạt nhân, phải toàn tâm, 100% thời gian,” đại biểu Xuyền nói.
Tuy nhiên, cũng theo đại biểu Bùi Văn Xuyền, Quốc hội có yêu cầu đặt ra là phải là đại diện của các giai tầng, vùng miền. Vì thế, không thể 100% đại biểu hoạt động chuyên nghiệp như một số nghị viện của thế giới. Tỷ lệ đại diện bao nhiêu là vấn đề đang xem xét cho hợp lý. Nhiệm kỳ khóa XIV, tỷ lệ đại biểu chuyên trách đã được tăng lên, chiếm 35%. Theo quy định của Luật Tổ chức Quốc hội, nhiệm kỳ tới, số lượng đại biểu chuyên trách của Quốc hội sẽ nâng lên 40%.
“Nhiều đại biểu kỳ vọng tăng 50% số đại biểu hoạt động chuyên nghiệp. Tôi nghĩ đó là điều tốt, là yêu cầu đặt ra cho giai đoạn tới. Chuyên nghiệp kết hợp với đại diện vùng miền, giai tầng sẽ càng tốt. Quốc hội có ba nhiệm vụ quan trọng là lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề lớn của đất nước. Đó là những vấn đề rất lớn của đất nước và cử tri đã ủy quyền cho đại biểu Quốc hội, và đại biểu phải chuyên tâm mới hoàn thành được. Đại biểu chuyên nghiệp sẽ toàn tâm, dành 100% thời gian cho hoạt động của Quốc hội. Nhưng nếu không chuyên nghiệp thì họ chỉ dành 30% cho hoạt đông của Quốc hội, 70% dành cho công việc ở cơ quan, đơn vị của họ, vì thế, chắc chắn không thể nói là sẽ tốt hơn. Quan điểm của tôi là nhiều đại biểu chuyên nghiệp sẽ tốt hơn,” đại biểu Bùi Văn Xuyền chia sẻ.
Cũng quan tâm đến vấn đề này, đại biểu Ngô Sách Thực đề nghị Quốc hội cần tiếp tục quan tâm tới đại biểu chuyên trách. “Cần tăng số lượng, chất lượng đại biểu chuyên trách, hoàn thiện địa vị pháp lý, chế độ cho đại biểu chuyên trách, lựa chọn đại biểu có tâm, có tầm, đủ tiêu chuẩn, kinh nghiệm, điều kiện hoạt động chuyên trách, thể hiện ý chí, trí tuệ của nhân dân và khát vọng vươn lên của dân tộc,” ông Thực nói.
Chất lượng đại biểu là yếu tố then chốt quyết định chất lượng của hoạt động Quốc hội. (Ảnh: TTXVN)
Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm, đoàn Thành phố Hồ Chí Minh bày tỏ mong muốn nhiệm kỳ tới chất lượng đại biểu quốc hội chuyên trách sẽ được nâng lên, có nhiều đại biểu dám nói, dám phản biện, sát thực tiễn. “Đại biểu Quốc hội chuyên trách phải được đi thực tiễn nhiều để nắm bao quát các vấn đề chứ không chỉ dừng ở việc biết thực tiễn. Đại biểu quốc hội phải thực sự là những người có tố chất,” bà Tâm cho hay.
Đại biểu Hoàng Quốc Thưởng, đoàn Hải Dương kiến nghị cần trao quyền nhiều hơn cho các đại biểu chuyên trách, gắn với trách nhiệm của các đại biểu chuyên trách của trung ương cũng như của mỗi địa phương.
Xây dựng phương án khung nhân sự
Theo đại biểu Hoàng Đức Thắng, đoàn Quảng Trị, đại biểu Quốc hội giữ vai trò trung tâm là hạt nhân then chốt, quyết định chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Vì vậy, vấn đề lựa chọn, quản lý và đánh giá đại biểu Quốc hội như thế nào là vấn đề lớn để không ngừng nâng cao chất lượng đầu vào, chất lượng hoạt động thực chất của đại biểu Quốc hội.
Đại biểu Hoàng Đức Thắng cho rằng việc lựa chọn đại biểu Quốc hội lâu nay về cơ bản qua nhóm đối tượng, trên cơ sở số lượng, cơ cấu được phân bổ theo kiểu "so bó đũa, chọn cột cờ."
Theo ông Thắng, cách làm này dẫn đến sự thiếu chủ động, phạm vi lựa chọn còn hạn hẹp, thời gian lựa chọn rất ngắn, gấp gáp cùng với nhiều yếu tố khác nên đại biểu Quốc hội được lựa chọn đôi khi chưa thực sự tiêu biểu đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân, cá biệt còn lọt vào Quốc hội những người có vi phạm không đủ tư cách làm đại biểu buộc phải xử lý sau đó.
[Quốc hội thảo luận các báo cáo công tác của Chủ tịch nước, Chính phủ]
“Vì vậy, cần xem xét, đánh giá đầy đủ cách thức tổ chức lựa chọn, giới thiệu đại biểu Quốc hội,” đại biểu Thắng nói.
Theo đó, đại biểu Hoàng Đức Thắng kiến nghị cần xây dựng sớm phương án khung về nhân sự đại biểu Quốc hội nhiệm kỳ khóa sau, ngay từ đầu nhiệm kỳ hay giữa nhiệm kỳ của khóa trước; không để đến cuối nhiệm kỳ mới xây dựng phương án, mà phải xét phương án nhân sự do Hội đồng Bầu cử Quốc gia quyết định. Trên cơ sở định hướng nhân sự khung để thực hiện quy hoạch tạo nguồn, bồi dưỡng nguồn đại biểu Quốc hội, đặc biệt là đại biểu chuyên trách các cấp.
“Khi đã có cơ chế tạo nguồn quy hoạch, bồi dưỡng, lựa chọn một cách chủ động, khoa học, chặt chẽ, rộng mở thì chúng ta mới có nguồn để lựa chọn ra những đại biểu Quốc hội thực sự có tâm, có tầm, thực sự hiện tại như mong đợi của nhân dân; khắc phục được những tình trạng là trước kỳ bầu cử Quốc hội phải đốt đuốc đi tìm nhân sự,” đại biểu Thắng nói.
Cũng theo đại biểu Hoàng Đức Thắng, cần có cơ chế quy hoạch, tạo dựng nguồn đại biểu chuyên trách ngay trong đội ngũ cán bộ, công chức, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố và các vụ thuộc Văn phòng Quốc hội bởi đây là nguồn nhân sự thực sự có chất lượng, được trải nghiệm qua thực tiễn hoạt động tham mưu, giúp việc cho hoạt động Quốc hội./.
Nhóm PV / (Vietnam+)