Bà Trần Thị Quốc Khánh, đại biểu Quốc hội khóa XIV.
Phóng viên báo Tin tức đã có cuộc phỏng vấn bà Trần Thị Quốc Khánh, đại biểu Quốc hội khóa XIV về vấn đề này.
Thưa bà, theo Nghị quyết 559/NQ-HĐBCQG của Hội đồng bầu cử Quốc gia thì tỷ lệ người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV là phụ nữ có 393 trên tổng số 868 ứng cử viên, bằng 45,28% (tăng 6,31% so với Quốc hội khóa XIV). Theo bà, tỷ lệ này nói lên điều gì?
Qua những khóa Quốc hội gần đây, tỷ lệ nữ đại biểu có lúc tăng, lúc giảm. Dù vậy, đại biểu nữ trong Quốc hội sau khi được cử tri tín nhiệm, bầu chọn vào Quốc hội thực sự là những người tiêu biểu trên các lĩnh vực, luôn chủ động, tích cực, đóng góp ý kiến có chất lượng trong công tác lập pháp, giám sát tối cao, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước.
Vì vậy, Nghị quyết của Hội đồng bầu cử Quốc gia lần này nâng tỷ lệ người ứng cử là nữ như trên là tín hiệu vui. Điều đó thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo của Đảng, Nhà nước đối với sự phát triển của nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam, để từ đó tạo thuận lợi, động viên nữ đại biểu Quốc hội tiếp tục phát huy truyền thống, khẳng định vị thế, tiếng nói có trọng lượng trên nghị trường.
Tôi cũng là nữ đại biểu Quốc hội may mắn được tham gia trọn vẹn 4 khóa Quốc hội, từ năm 2002 đến năm 2021. Tôi rất cảm ơn các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc các cấp và cử tri của Thủ đô Hà Nội luôn tin tưởng, ủng hộ, khích lệ, tạo thuận lợi để tôi tham gia đại biểu Quốc hội, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân Thủ đô và cả nước. Chính vì thế tôi có điều kiện nhận thấy trình độ, năng lực, chất lượng ứng cử viên, đại biểu Quốc hội các khóa gần đây ngày một nâng lên. Đợt quy hoạch, rà soát, giới thiệu ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XV được làm rất cẩn trọng, tỷ mỷ, hầu hết bảo đảm đúng tiêu chuẩn (trừ một số ít trường hợp ngoại lệ rất đặc biệt).
Tôi tin tưởng các ứng cử viên được cử tri tín nhiệm bầu làm đại biểu Quốc hội khóa XV sẽ luôn ghi nhớ những tình cảm của cử tri dành cho mình, bám sát chương trình hành động đã hứa với cử tri, cố gắng thực hiện đúng chức trách nhiệm vụ của đại biểu Quốc hội theo quy đinh. Đóng góp phần công sức nhỏ bé của mình trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, hội nhập quốc tế, bảo đảm quốc phòng, an ninh trong thời kỳ mới.
Bà có thể cho biết vai trò, trách nhiệm của các đại biểu chuyên trách trong Quốc hội hiện nay như thế nào?
Theo quy định hiện hành, đại biểu Quốc hội chuyên trách là người dành toàn bộ thời gian làm việc để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu tại cơ quan của Quốc hội hoặc tại Đoàn đại biểu Quốc hội ở địa phương.
Trên thực tế, một người được nhận về làm đại biểu Quốc hội chuyên trách, phải là người có quá trình, kinh nghiệm công tác thực tiễn từ địa phương, đơn vị ở các Vụ, Cục, Tổng cục của bộ, ngành, phải đạt đủ tiêu chuẩn là Giám đốc Sở, Vụ trưởng hoặc tương đương trở lên, trừ một vài trường hợp ngoại lệ.
Đại biểu Quốc hội chuyên trách không kiêm giữ bất cứ chức vụ nào trong bộ máy quản lí hành chính nhà nước, các cơ quan tư pháp, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân…; được bố trí nơi làm việc, phương tiện và các điều kiện cần thiết khác phục vụ cho hoạt động đại biểu, được hưởng lương và phụ cấp khác do Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quy định.
Về nguyên tắc, họ không bị chi phối về lợi ích cá nhân trong quá trình hoạt động đại biểu, có thể toàn tâm, toàn ý phục vụ Quốc hội và cử tri.
Từ Quốc hội khóa XI đến nay, việc bổ sung đại biểu Quốc hội chuyên trách đã được quan tâm, ngày càng đông về số lượng, mạnh về chất lượng. Tại các kỳ họp Quốc hội, các phiên họp đại biểu Quốc hội chuyên trách, các buổi thảo luận ở Tổ và tại các Đoàn đại biểu Quốc hội, nhiều ý kiến thẳng thắn, chính xác, sâu sắc, có bản lĩnh của họ được Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành tiếp thu. Họ thực sự là nòng cốt trong công tác lập pháp, giám sát tối cao, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước trong Quốc hội.
Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp diễn ra trong bối cảnh dịch COVID-19 đang bùng phát ở nhiều địa phương. Theo bà, các địa phương cần tiếp tục chuẩn bị những gì để người dân, cử tri đi bầu cử được an toàn, thực sự là ngày hội của toàn dân?
Nhìn lại lịch sử 75 năm hoạt động của Quốc hội Việt Nam, đợt bầu cử Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021- 2026 với khó khăn thật hy hữu và nguy hiểm. Đó là đại dịch COVID-19 bùng phát, lây lan ra nhiều tỉnh, thành phố trực truộc Trung ương.
Tuy nhiên, ý chí, quyết tâm mạnh mẽ, phối hợp chặt chẽ đồng bộ của ngành y tế, công an, quân đội và cả hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương, cơ sở đã và đang cho chúng ta những kết quả tích cực.
Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Hội đồng bầu cử Quốc gia; Tổ bầu cử các cấp cùng Ban Chỉ đạo quốc gia đã chỉ đạo sát sao công tác phòng chống dịch COVID-19 ở các cấp. Nhiều giải pháp được đưa ra đã và đang phát huy hiệu quả nhằm tăng cường chỉ đạo để tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021- 2026 thực sự an toàn, trở thành Ngày hội của toàn dân.
Cử tri và nhân dân cả nước tin tưởng, tích cực hưởng ứng, tham gia đi bầu cử với tình thần thực hiện tốt 5K của Bộ Y tế để phòng chống dịch COVID-19 theo hướng dẫn của tổ chức bầu cử địa phương.
Xin trân trọng cảm ơn bà!
[Cử tri đi lao động, không có mặt ở nơi cư trú sẽ bầu cử thế nào?]
Viết Tôn (Báo Tin tức)