Trưởng Ban Tiếp công dân: Rất ít đơn thư liên quan đến nhân sự ứng cử

Xuân Tùng / (TTXVN/Vietnam+)
Theo Trưởng Ban Tiếp công dân Trung ương, các khiếu nại, tố cáo liên quan đến nhân sự của Đại hội Đảng các cấp và nhân sự ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp đều giảm rõ rệt.
Truong Ban Tiep cong dan: Rat it don thu lien quan den nhan su ung cu hinh anh 1Ông Nguyễn Hồng Điệp, Trưởng Ban Tiếp công dân Trung ương, Thanh tra Chính phủ. (Ảnh: Xuân Tùng/TTXVN)

Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan tới bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 được các cơ quan, đơn vị phối hợp, chủ động xây dựng kế hoạch tiếp công dân, giải quyết dứt điểm các vụ khiếu kiện bức xúc, kéo dài để tránh ảnh hưởng tới cuộc bầu cử.

Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị triển khai các phương án, kế hoạch từ cấp cơ sở để nắm chắc tình hình tại các địa bàn trọng điểm có thể xảy ra “điểm nóng” về khiếu kiện, chủ động có biện pháp giải quyết...

Để làm rõ hơn về những vấn đề này, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Hồng Điệp, Trưởng Ban Tiếp công dân Trung ương, Thanh tra Chính phủ.

Rất ít đơn thư liên quan đến nhân sự ứng cử

- Xin ông đánh giá về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan tới bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026?

Ông Nguyễn Hồng Điệp: Qua theo dõi tại Trụ sở Ban Tiếp công dân Trung ương cũng như trong phạm vi cả nước, tình hình khiếu nại, tố cáo của công dân giảm rõ rệt. Đặc biệt là năm 2020 so với 2019, các tiêu chí chủ yếu đã giảm rõ rệt về số vụ việc, số lượt công dân, số đoàn đông người. Trong đó, riêng số lượt công dân giảm tới 38%; số đoàn đông người giảm tới 30%; đơn thư giảm gần 20%.

Trong nhiệm kỳ này, các khiếu nại, tố cáo liên quan đến nhân sự của Đại hội Đảng các cấp và nhân sự ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp đều giảm rõ rệt.

Trong thời gian gần đây, chúng tôi nhận được rất ít đơn thư, chỉ có khoảng hơn 10 đơn liên quan đến nhân sự ứng cử đại biểu Quốc hội, Hội đồng Nhân dân các cấp.

Truong Ban Tiep cong dan: Rat it don thu lien quan den nhan su ung cu hinh anh 2Người dân xem danh sách cử tri được niêm yết tại thị trấn Trà Lĩnh, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Căn cứ quy định, chúng tôi đã xử lý các nội dung đơn theo thẩm quyền và sắp đến ngày bầu cử, Ban Tiếp công dân Trung ương vẫn tiếp tục xử lý.

Đánh giá cả nhiệm kỳ vừa qua, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo và công tác tiếp dân được quan tâm rõ rệt, có sự vào cuộc tích cực, bằng trách nhiệm chứ không phải bằng chỉ đạo, tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan giải quyết. Từ đó, những nội dung khiếu nại, tố cáo liên quan đến công tác nhân sự, liên quan đến các lĩnh vực đã được đảm bảo và không phát sinh những khiếu nại, tố cáo mới. Công dân, cử tri không gửi nhiều đơn tới Trung ương như trước đây.

Chúng tôi đánh giá 3 năm gần đây, công tác này đã đi vào nền nếp và có kết quả rất tích cực. Rất nhiều các vụ việc khiếu nại, tố cáo mới không phát sinh. Các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp dần dần từng bước được giải quyết; có những vụ việc đã giải quyết xong; có những vụ việc đang tiếp tục được giải quyết nhưng sự bức xúc của người dân, kéo các đoàn đông người đến các cơ quan Trung ương giảm đi rõ rệt, kể cả việc tập trung khiếu kiện đông người tại trụ sở của các địa phương cũng giảm rõ rệt.

Theo đánh giá của các địa phương, tỷ lệ giải quyết khiếu nại, tố cáo đảm bảo theo quy định pháp luật đạt tới 85%.

Phải quan tâm đến những vấn đề "hậu thu hồi đất"

Tình hình khiếu nại, tố cáo được đánh giá đã giảm rõ rệt, tuy nhiên vẫn còn tình trạng khiếu kiện đông người, phức tạp, kéo dài, nhất là liên quan đến lĩnh vực đất đai. Ông có thể đánh giá về vấn đề này?

Ông Nguyễn Hồng Điệp: Khiếu nại, tố cáo mặc dù có giảm nhưng theo thống kê của chúng tôi, có tới hơn 70% là khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai. Có rất nhiều nguyên nhân, trong đó có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan.

Nguyên nhân chủ quan trước hết là có nhiều vụ việc các cấp chính quyền chưa quan tâm thực sự đến công tác giải quyết. Đặc biệt, nhiều nơi, cấp cơ sở chưa quan tâm đến giải quyết hết vụ việc mà giải quyết hết thẩm quyền; chưa quan tâm đến an sinh xã hội, cuộc sống người dân sau khi bị thu hồi đất.

Có cả những vụ việc mà cấp cơ sở giải quyết sai và những cái sai này khó sửa, để tồn đọng lâu dài. Hoặc có cả nguyên nhân là không có sự tham gia tích cực của người đứng đầu chính quyền để đối thoại, giải quyết thỏa đáng với người dân ngay tại cơ sở. Có những vụ việc mang tính lịch sử, áp dụng các quy phạm pháp luật trong các thời kỳ khác nhau dẫn đến vướng mắc trên thực tiễn.

Một nguyên nhân chủ quan nữa là hiểu biết pháp luật của người dân. Hiện nay, hiểu biết pháp luật của người dần được nâng lên nhưng hiểu biết về quy định về công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, quy định về Luật Đất đai thì không phải là người dân nào cũng nắm được, hiểu được. Cho nên, nhiều vụ việc người dân không am hiểu quy định pháp luật, dẫn đến khiếu nại, tố cáo kéo dài.

Một nguyên nhân nữa, theo chúng tôi đánh giá, các cơ quan chưa có sự phối hợp chặt chẽ với nhau. Thanh tra Chính phủ xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về khiếu nại, tố cáo như một sự kết nối liên thông giữa địa phương với Trung ương, giữa các cơ quan với nhau. Nhưng hiện việc sử dụng, khai thác dữ liệu vẫn còn hạn chế.

Về mặt khách quan, nhiều văn bản quy phạm pháp luật có "sức sống" không dài, có nhiều thay đổi liên tục dẫn đến việc áp dụng không thống nhất, là nguyên nhân phát sinh khiếu kiện.

[Kịp thời giải quyết các khiếu nại, tố cáo, phản ánh về công tác bầu cử]

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các cơ quan phải tổng kết thi hành Luật Đất đai. Nếu như chúng ta xây dựng được một văn bản quy phạm pháp luật về đất đai sửa đổi tốt, phù hợp với thực tiễn; giải quyết được những vấn đề phát sinh, các vấn đề còn tồn đọng trước đây thì công việc giải quyết khiếu nại, tố cáo sẽ thuận lợi hơn và khiếu nại, tố cáo của người dân liên quan đến đất đai sẽ giảm hơn.

Cá nhân tôi cho rằng cần áp dụng cơ chế về trưng mua, trưng thu đất của dân để đảm bảo quyền lợi của người dân. Thứ hai phải quan tâm đến những vấn đề "hậu thu hồi đất," tức là bảo đảm cuộc sống, sinh kế của người dân sau khi thu hồi đất. Vấn đề an sinh xã hội được đảm bảo thì người dân sẽ không khiếu kiện.

Vấn đề nữa mà tôi cho rằng rất quan trọng là sự công khai, minh bạch. Các cấp chính quyền, kể cả Trung ương, địa phương cần công khai các quy hoạch, các dự án về phát triển kinh tế-xã hội ngay từ đầu; để người dân tham gia cho ý kiến ngay từ đầu quy hoạch, tham gia vào quá trình thực hiện quy hoạch và giám sát việc thực hiện, thụ hưởng chính quy hoạch đó.

Xét cho cùng, Nhà nước thu hồi đất mục đích để phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống người dân.

Nâng cao trách nhiệm của các đại biểu, góp phần hạn chế khiếu nại, tố cáo

- Là Trưởng Ban Tiếp công dân Trung ương, ông có gì mong muốn, gửi gắm đến các đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp - những người sẽ trực tiếp góp phần trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp xúc với nhân dân và xây dựng pháp luật?

Ông Nguyễn Hồng Điệp: Ngoài trình độ, vấn đề trước hết là thái độ của đại biểu với người dân. Tôi cho rằng thái độ của cán bộ trước nhân dân phải cầu thị, thực sự vì dân. Họ phải có cái tầm, cái tâm, dám nói, dám nghĩ, dám làm nhưng phải phục vụ cho người dân chứ không phải dám nói, dám nghĩ, dám làm vì mình. Và người dân sẽ đánh giá được, kể cả với các đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân.

Bên cạnh người dân giám sát việc thực hiện lời hứa, giám sát việc thực hiện chương trình hành động của các đại biểu, theo tôi, cần phải phát huy các cơ chế giám sát của các cơ quan, đoàn thể. Đặc biệt đối với Mặt trận Tổ quốc, là cơ quan tổ chức hiệp thương cần phải tăng cường giám sát việc thực hiện lời lứa, chương trình hành động của đại biểu.

Truong Ban Tiep cong dan: Rat it don thu lien quan den nhan su ung cu hinh anh 3Ông Nguyễn Hồng Điệp, Trưởng Ban Tiếp công dân Trung ương, Thanh tra Chính phủ. (Ảnh: Xuân Tùng/TTXVN)

Về xây dựng pháp luật, tôi muốn gửi gắm đến các đại biểu Quốc hội cần nâng cao chất lượng văn bản quy phạm pháp luật. Thực ra, công tác xây dựng thể chế, pháp luật rất khó, phải đáp ứng kịp thời được với thực tế cuộc sống phát sinh. Các đại biểu Quốc hội cần chuyên tâm, tập trung nhiều hơn vào công tác xây dựng thể chế, đặc biệt là những lĩnh vực mới, lĩnh vực sát với đời sống người dân, từ đó sẽ góp phần hạn chế việc khiếu nại, tố cáo.

Công tác xây dựng thể chế, pháp luật phải có tầm nhìn, đảm bảo "sức sống" lâu dài, để áp dụng được đồng bộ hơn. Các văn bản quy phạm pháp luật tránh việc trùng lặp, chồng chéo, mâu thuẫn. Bởi khi không có sự đồng bộ, không có sự thống nhất trong quá trình giải quyết, những cơ quan tiếp dân như chúng tôi rất khó khăn.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!

Xuân Tùng / (TTXVN/Vietnam+)