Quốc hội khóa XI là Quốc hội của thời kỳ tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Trong 5 năm qua, Quốc hội khóa XI tiếp tục xây dựng, hoàn thiện tổ chức của Quốc hội, đổi mới mạnh mẽ hoạt động lập pháp.
Tính đến tháng 4 năm 2007, Quốc hội khóa XI đã ban hành 84 luật, bộ luật, 68 nghị quyết; Ủy ban thường vụ Quốc hội đã ban hành 31 pháp lệnh, đưa số lượng văn bản pháp luật được thông qua trong nhiệm kỳ tăng lên rất nhiều so với trước đây. Nội dung các vấn đề được quy định trong các đạo luật đã cơ bản bao quát các lĩnh vực của đời sống, từ kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục, khoa học, công nghệ, quốc phòng, an ninh, đối ngoại đến tổ chức bộ máy nhà nước, phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Đặc biệt, Quốc hội đã dành thời gian, công sức để sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các đạo luật kinh tế nhằm tạo cơ sở pháp lý cho quá trình đổi mới kinh tế, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, nhất là việc Việt Nam gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO).
Trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XI là nhiều dự án pháp lệnh đã được Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội nâng lên thành các dự án luật và đã được Quốc hội chấp thuận xem xét, thông qua. Điều này là góp phần giảm dần việc ban hành pháp lệnh, tăng cường ban hành luật nhằm đề cao vai trò của Quốc hội là cơ quan duy nhất có quyền lập pháp ở nước ta.
Điểm mới trong hoạt động lập pháp của Quốc hội nhiệm kỳ XI là đã có Ủy ban của Quốc hội chủ động đề xuất và chủ trì soạn thảo dự án luật, trong đó có dự án đã trình Quốc hội thông qua, có dự án đang trong quá trình chuẩn bị. Điều này mở ra khả năng các cơ quan của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội có thể đề xuất, thực hiện việc soạn thảo và trình dự án luật ngày càng nhiều hơn trong thời gian tới.
Cũng trong nhiệm kỳ này, Quốc hội đã áp dụng kỹ thuật lập pháp mới là ban hành một luật để sửa đổi, bổ sung đồng thời các quy định trong các đạo luật khác có liên quan (kỹ thuật một luật sửa nhiều luật). Cụ thể là Quốc hội đã ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng và Luật thuế tiêu thụ đặc biệt. Cách làm mới này góp phần đáp ứng kịp thời yêu cầu của cuộc sống, tiết kiệm thời gian, đơn giản thủ tục mà vẫn bảo đảm chất lượng của dự án luật.
Trong nhiệm kỳ này, Quốc hội đã xem xét, quyết định phương án xây dựng công trình thỦy điện Sơn La, một công trình rất lớn, tác động trực tiếp đến công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và đời sống của nhân dân.
Từ năm 2003, thực hiện quy định của Luật ngân sách nhà nước mới, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2004 và Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2004. Đây là lần đầu tiên Quốc hội trực tiếp thực hiện phân bổ ngân sách trung ương và mức bổ sung từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương.
Nhiệm kỳ qua, Quốc hội cũng đã ban hành nhiều quyết định quan trọng khác như Nghị quyết về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp từ năm 2003; Nghị quyết về giáo dục; nghị quyết về chủ trương xây dựng đường Hồ Chí Minh; Nghị quyết về tập trung chỉ đạo xây dựng nhà máy lọc dầu số 1 Dung Quất; Nghị quyết về việc phê chuẩn “Hiệp định giữa nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa về phân định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục điạ của hai nước trong vùng vịnh Bắc Bộ”; Hiệp ước giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Vương quốc Cam-pu-chia bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới năm 1985; phê chuẩn Nghị định thư về việc Việt Nam gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO).
Đặc biệt, trong nhiệm kỳ khóa XI Quốc hội đã Luật hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2003, luật này là cơ sở pháp lý quan trọng cụ thể hóa chức năng giám sát tối cao của Quốc hội, nhiệm vụ giám sát việc thi hành Hiến pháp, pháp luật của các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội. Hoạt động giám sát của Quốc hội đã được tăng cường và đẩy mạnh nhất là sau khi Luật hoạt động giám sát của Quốc hội được ban hành, tạo thêm cơ sở pháp lý quan trọng để Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội thực hiện quyền giám sát chủ động, tích cực, đầy đủ và có nề nếp hơn theo chương trình, kế hoạch. Nội dung giám sát tập trung vào nhiều vấn đề bức xúc trong cuộc sống, bao quát hầu hết các lĩnh vực từ kinh tế-ngân sách, văn hóa, xã hội, giáo dục, khoa học-công nghệ, quốc phòng-an ninh đến đối ngoại, công tác tư pháp. Quốc hội đã tăng cường giám sát tối cao tại kỳ họp về các chuyên đề. Cụ thể là trong lĩnh vực kinh tế và ngân sách Nhà nước, Quốc hội đã tập trung giám sát việc triển khai thực hiện nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ và về ngân sách Nhà nước, trong đó có những vấn đề nóng bỏng, cấp bách nổi lên như thu chi ngân sách, các biện pháp tăng thu, giảm chi, giảm bội chi ngân sách, kiềm chế lạm phát, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đầu tư vốn cho phát triển, hoạt động của ngân hàng, hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, tình trạng nhập siêu quá lớn; khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, chống thất thoát trong đầu tư xây dựng cơ bản; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; việc triển khai thực hiện dự án nhà máy lọc dầu Dung Quất, chương trình trồng mới 5 triệu ha rừng...
Hoạt động đối ngoại của Quốc hội khóa XI tiếp tục được tăng cường cả trong quan hệ song phương và tại các diễn đàn nghị viện đa phương. Kết quả nổi bật là hoạt động đối ngoại đã củng cố, phát triển quan hệ với các nước láng giềng, các nước ASEAN và Đông Bắc Á, tạo môi trường quốc tế thuận lợi cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đẩy mạnh quan hệ với Hoa kỳ, nghị viện châu Âu, nghị viện nhiều nước thuộc liên minh châu Âu, đưa các mối quan hệ này đi vào thực chất, phát triển cả chiều rộng lẫn chiều sâu; khai thông và phát triển quan hệ với các nước thuộc khu vực châu Phi và các nước Trung, Nam Mỹ theo chủ trương chung của Nhà nước ta; củng cố và từng bước đẩy mạnh quan hệ truyền thống với các nước Trung Đông Âu. Trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XI, tổng cộng có 150 Đoàn đại biểu nghị viện từ 40 nước thuộc nhiều khu vực khác nhau trên thế giới đã đến thăm và làm việc với Quốc hội nước ta.
Các hoạt động đối ngoại nổi bật như lần đầu tiên, Quốc hội nước ta tổ chức thành công Diễn đàn đối tác Nghị viện Á - Âu ASEP lần thứ ba (ASEP3) tại thành phố Huế với sự tham dự của 120 đại biểu đến từ 7 nước ASEAN và 15 nước thuộc liên minh châu Âu (EU), cùng 3 đối tác ASEAN là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc. Tiếp đó, Quốc hội nước ta đã tổ chức thành công Diễn đàn Nghị viện Châu Á – Thái Bình Dương lần thứ 13 (APPF13) tại Quảng Ninh vào tháng 1 năm 2005 với sự tham gia của 275 nghị viên đến từ 23 nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Tháng 9 năm 2005, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An đã dẫn đầu Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam tham dự Hội nghị toàn thế giới lần thứ hai những người đứng đầu các cơ quan lập pháp các nước được tổ chức tại trụ sở Đại hội đồng Liên hợp quốc ở New York. Trong năm 2006, Quốc hội nước ta đã tổ chức thành công Hội nghị liên minh Nghị viện thế giới về quyền trẻ em tại Hà Nội (tháng 2-2006), Hội nghị chuyên đề về hợp tác pháp lý trong phòng chống buôn bán phụ nữ và trẻ em tại thành phố Hồ Chí Minh (tháng 7/2006)...
Tháng 11 năm 2006, tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội nước ta đã phê chuẩn Nghị định thư gia nhập Hiệp định thành lập Tổ chức thương mại thế giới (WTO) của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, hoàn tất thủ tục pháp lý quan trọng cuối cùng để nước ta chính thức trở thành thành viên của WTO. Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng khẳng định vị thế đất nước ta, thể hiện chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế và chủ động, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế. Hoạt động đối ngoại của Quốc hội đã phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế trên cả bình diện song phương, đa phương, tích cực vận động các đối tác kết thúc đàm phán để Việt Nam gia nhập WTO.
Thành công của quá trình đàm phán gia nhập Tổ chức thương mại thế giới nói riêng và thành tựu của hoạt động đối ngoại nói chung, như Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng phát biểu nhân dịp Quốc hội phê chuẩn việc Việt Nam gia nhập WTO là "kết quả phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Trung ương Đảng, sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, sự nỗ lực vượt bậc của Quốc hội và các cơ quan hữu quan trong hoạt động lập pháp và lập quy, đáp ứng các yêu cầu của quá trình hội nhập quốc tế”.