Quốc hội khóa X là Quốc hội của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Quốc hội khóa X có trọng trách tiếp tục thể chế hoá cương lĩnh và chiến lược của Ðảng; cụ thể hóa đường lối, chính sách mà Ðại hội Ðảng lần thứ VIII và lần thứ IX đề ra.
Bám sát yêu cầu nhiệm vụ mới, Quốc hội khoá X đã bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, lắng nghe và tiếp thu ý kiến của nhân dân, từng bước đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, giảm dần tính hình thức, hiệu quả hoạt động ngày càng cao và được nhân dân tin cậy.
Trong cả nhiệm kỳ, Quốc hội khóa X đã thông qua 32 luật và bộ luật; 39 pháp lệnh. Trong đó, nổi bật là Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 1992, thể chế hoá đường lối, chủ trương của Đảng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ IX của Đảng. Quốc hội cũng đã ban hành Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân.
Để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế trong giai đoạn CNH, HĐH đất nước, Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã dành sự ưu tiên cho việc xây dựng và ban hành các luật, pháp lệnh về lĩnh vực kinh tế; trong đó chú trọng các vấn đề về doanh nghiệp, chính sách đầu tư, tín dụng, ngân hàng, tiếp tục cải cách chính sách thuế, chống tham nhũng, lãng phí, hội nhập khu vực và thế giới... như: Luật Doanh nghiệp, Luật Hải quan, Luật Ngân hàng nhà nước Việt Nam, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Kinh doanh bảo hiểm, sửa đổi các Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật Khuyến khích đầu tư trong nước, Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, Pháp lệnh Chống tham nhũng, Pháp lệnh Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí...
Bên cạnh việc ưu tiên thông qua luật, pháp lệnh để phát triển kinh tế, Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã quan tâm đến việc thông qua các luật, pháp lệnh về các lĩnh vực xã hội. Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung các luật, pháp lệnh cần thiết để điều chỉnh các vấn đề xã hội bức xúc. Luật Phòng, chống ma tuý là cơ sở pháp lý quan trọng để phòng ngừa, ngăn chặn và đấu tranh với tệ nạn xã hội nguy hại này. Việc ban hành Pháp lệnh Người cao tuổi và Pháp lệnh Người tàn tật thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước ta đối với các đối tượng đã có nhiều đóng góp cho xã hội, nay mất sức lao động hoặc những người bị khuyết tật, tạo điều kiện cho họ vươn lên ổn định cuộc sống riêng và tiếp tục đóng góp cho xã hội.
Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã ban hành các văn bản pháp luật điều chỉnh kịp thời các lĩnh vực văn hoá, giáo dục, khoa học, công nghệ, môi trường như: Luật Giáo dục, Luật Khoa học và công nghệ, Luật Tài nguyên nước, Luật Di sản văn hoá, Pháp lệnh Chất lượng hàng hoá, Pháp lệnh Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Pháp lệnh Quảng cáo, Nghị quyết về đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, Nghị quyết về thực hiện phổ cập giáo dục THCS...
Nhằm tăng cường pháp chế XHCN, phát huy dân chủ, giữ vững an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã ban hành một số luật, pháp lệnh quan trọng, như: Bộ luật Hình sự (sửa đổi), Luật Hôn nhân và gia đình (sửa đổi), Luật Khiếu nại, tố cáo, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Giao thông đường bộ, Luật Sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam, Pháp lệnh Cán bộ, công chức, Pháp lệnh Luật sư…