Quốc hội khóa XII được cử tri cả nước bầu ra ngày 20 tháng 5 năm 2007 và hoạt động trong bối cảnh vừa có những thuận lợi cơ bản, vừa có những khó khăn thách thức. Công cuộc đổi mới toàn diện đất nước do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo sau hơn 20 năm, gần nhất là 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội IX, 1 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội X của Đảng, cũng là 6 năm đầu tiên của thế kỷ XXI, đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử cả về lý luận và thực tiễn trên các lĩnh vực kinh tế-xã hội, an ninh quốc phòng, đối ngoại, xây dựng Đảng, xây dựng nhà nước, tăng cường đoàn kết toàn dân tộc. Những thành tựu của quá trình đổi mới đã đưa nước ta ra khỏi tình trạng khủng hoảng kinh tế-xã hội kéo dài nhiều năm, tạo nền tảng đẩy mạnh một bước công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tình hình chính trị xã hội ổn định; uy tín và vị thế của nước ta trên trường quốc tế được nâng cao. Những kinh nghiệm tích lũy được trong việc giải phóng tiềm năng phát triển của đất nước tạo điều kiện để phát huy sức sản xuất, nâng cao tốc độ phát triển kinh tế đi liền với thực hiện công bằng xã hội, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa có tiến bộ trên cả ba lĩnh vực lập pháp, hành pháp và tư pháp, trong đó, Quốc hội có bước đổi mới quan trọng, từng bước hoàn thiện cơ cấu tổ chức, phương thức hoạt động, tăng cường đại biểu chuyên trách; thực hiện ngày càng tốt hơn chức năng lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước; ngày càng dân chủ hơn; tranh luận, thảo luận một cách thẳng thắn, thiết thực; mở rộng chất vấn; tăng cường lắng nghe và tiếp xúc cử tri… Nhờ vậy, hiệu quả và hiệu lực được nâng lên, được nhân dân quan tâm nhiều hơn, hoan nghênh và đánh giá cao.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, đất nước ta gặp không ít khó khăn, thách thức, đó là kinh tế trình độ thấp; chất lượng còn hạn chế; cơ sở hạ tầng còn nhiều bất cập; sự phân hóa giàu nghèo ngày càng tăng; thiên tai, dịch bệnh xảy ra nhiều nơi… Tình hình thế giới và khu vực có những diễn biến phức tạp, nhất là cuộc khủng hoảng tài chính, tiền tệ và suy giảm kinh tế thế giới đã tác động bất lợi đến phát triển kinh tế-xã hội nước ta. Hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, nhưng các cuộc chiến tranh cục bộ, xung đột vũ trang, sắc tộc, tôn giáo, khủng bố có nguy cơ gia tăng. Nguy cơ gây mất ổn định liên quan đến tranh chấp lãnh thổ, biển đảo, tài nguyên… vẫn còn tiềm ẩn. Biến đổi khí hậu, đói nghèo, thiên tai, dịch bệnh vẫn còn là vấn đề rất đáng quan tâm. Các thế lực thù địch tiếp tục đẩy mạnh chiến lược “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ, sử dụng chiêu bài “dân chủ”, “nhân quyền”, vấn đề dân tộc, tôn giáo để can thiệp vào công việc nội bộ của ta…
Thực tế đó, đòi hỏi đất nước ta phải xây dựng được một môi trường hòa bình, ổn định, một nền kinh tế phát triển, một nền quốc phòng - an ninh vững mạnh, một chiến lược, định hướng đúng đắn…, để tận dụng thời cơ và thuận lợi, vượt qua khó khăn thách thức, huy động tốt mọi nguồn lực đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững theo con đường xã hội chủ nghĩa. Đây cũng là yêu cầu và trách nhiệm nặng nề đặt ra đối với Quốc hội trong nhiệm kỳ khóa XII, trong điều kiện thời gian hoạt động ngắn hơn do rút ngắn một năm (từ 5 năm còn 4 năm) để phù hợp với nhiệm kỳ Đại hội Đảng và nhiệm kỳ Hội đồng nhân dân các cấp, đòi hỏi phải thống nhất ý chí, thống nhất hành động, tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trên các lĩnh vực lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, hoạt động đối ngoại; cải tiến mạnh mẽ phương thức làm việc, tăng cường phối hợp công tác, góp phần xây dựng, củng cố và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.
Quán triệt tinh thần đó, bốn năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội khóa XII đã kế thừa, phát huy những thành quả, những bài học kinh nghiệm của Quốc hội các khóa trước, nêu cao tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, tiếp tục đổi mới toàn diện và mạnh mẽ cả về tổ chức và phương thức hoạt động, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình theo quy định của Hiến pháp và pháp luật, đạt được nhiều kết quả quan trọng, đóng góp to lớn vào những thành tựu chung của đất nước.
Trong 4 năm, Quốc hội đã thông qua 67 luật, 13 nghị quyết; Ủy ban thường vụ Quốc hội đã thông qua 14 pháp lệnh và 9 nghị quyết có chứa quy phạm pháp luật, trong đó, đáng chú ý là phần lớn các văn bản được ban hành hoặc là sửa mới hoặc sửa một cách toàn diện.
Các dự án luật được ban hành có chất lượng cao, cụ thể, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất, tính đồng bộ của hệ thống pháp luật, xử lý tốt một số vấn đề nhạy cảm; bám sát, phản ánh đầy đủ hơn thực tiễn kinh tế-xã hội. Nhiều văn bản sau khi ban hành có thể triển khai thực hiện ngay mà ít phải chờ hướng dẫn thi hành, nên sớm đi vào cuộc sống, đáp ứng kịp thời yêu cầu quản lý và điều hành kinh tế- xã hội của đất nước. Nội dung các quan hệ xã hội được điều chỉnh trong các đạo luật liên quan hầu hết các lĩnh vực, từ quy trình, thủ tục ban hành văn bản quy phạm pháp luật đến các vấn đề về kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ, môi trường, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, tổ chức bộ máy nhà nước, hành chính, dân sự, hình sự, tư pháp. Một số quan hệ kinh tế quan trọng, phức tạp, nhạy cảm vẫn còn khoảng trống chưa có luật điều chỉnh như: quản lý và sử dụng tài sản nhà nước; quản lý nợ công; trưng mua, trưng dụng tài sản; thuế sử dụng đất nông nghiệp; thuế tài nguyên; thuế thu nhập cá nhân, đã được Quốc hội dành nhiều thời gian, trí tuệ, công sức xây dựng và ban hành. Đồng thời, quan tâm sửa đổi, bổ sung kịp thời một số chế định pháp luật không còn phù hợp thuộc các lĩnh vực: ngân hàng; tín dụng; thuế; đầu tư xây dựng cơ bản; phòng, chống tham nhũng; quốc tịch; giao thông đường bộ; xuất bản; sở hữu trí tuệ,... để đáp ứng nhu cầu hội nhập, phát triển kinh tế, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Quy trình lập pháp tiếp tục được đổi mới, cải tiến theo hướng nâng cao chất lượng, tăng tính chủ động, dân chủ, cụ thể trong văn bản pháp luật. Với việc thông qua Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008, một số khâu trong quy trình lập pháp đã có sự thay đổi, bảo đảm khoa học, dân chủ và chặt chẽ hơn. Việc điều chỉnh thời gian Quốc hội thông qua chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hàng năm vào kỳ họp đầu năm của năm trước thay vì kỳ họp cuối năm đã tạo điều kiện để cơ quan soạn thảo, cơ quan trình dự án có thêm thời gian, chủ động trong việc chuẩn bị, xây dựng văn bản. Quá trình sửa đổi, bổ sung Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh được thực hiện linh hoạt hơn, theo đó Ủy ban thường vụ Quốc hội có thể xem xét thay đổi Chương trình và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất. Bên cạnh đó, việc quy định vấn đề lồng ghép giới trong quy trình lập pháp là một bước tiến bộ, phù hợp với xu hướng của thế giới. Bên cạnh đó, việc giao Ủy ban thường vụ Quốc hội là cơ quan chủ trì chỉ đạo tiếp thu, hoàn thiện dự án trình Quốc hội thông qua đã phần nào tăng thêm chủ động từ phía các cơ quan của Quốc hội, góp phần nâng cao chất lượng, đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện dự án.
Cùng với hoạt động lập pháp, hoạt động giám sát được đặc biệt tăng cường nhằm kịp thời phát hiện và có các kiến nghị nhằm điều chỉnh, bổ sung, phát huy tính tích cực, giảm thiểu những hệ lụy nẩy sinh từ chính sách; chấn chỉnh kịp thời các sai sót, khuyết điểm, thúc đẩy thực hiện tốt các nhiệm vụ. Nội dung giám sát tập trung vào nhiều vấn đề bức xúc của cuộc sống, bao quát hầu hết các lĩnh vực từ kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước, đến văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ, quốc phòng an ninh, đối ngoại, hoạt động của các cơ quan tư pháp... Cùng với giám sát tối cao qua việc xem xét các báo cáo của cơ quan, cá nhân theo quy định, Quốc hội đã giám sát tối cao tại kỳ họp sáu chuyên đề.
Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn -một hình thức giám sát trực tiếp và quan trọng của Quốc hội, tiếp tục có những cải tiến mạnh mẽ theo hướng thực chất hơn. Cách thức tiến hành, điều hành phiên chất vấn được cải tiến theo hướng chất vấn và trả lời chất vấn theo nhóm vấn đề với sự tham gia của nhiều bộ trưởng, trưởng ngành; hạn chế đến mức thấp nhất thời gian trả lời bằng văn bản; đề nghị Thủ tướng Chính phủ hoặc Phó Thủ tướng Chính phủ trả lời trực tiếp chất vấn của đại biểu Quốc hội; tăng thời gian đối thoại giữa đại biểu Quốc hội với người trả lời chất vấn để tạo không khí cởi mở, thẳng thắn.
Một trong những điểm mới trong hoạt động giám sát là Quốc hội đã xem xét báo cáo của Ủy ban thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri cả nước. Hoạt động này đã có những tác động tích cực đến tâm tư, tình cảm của nhân dân, góp phần củng cố lòng tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước, đồng thời, động viên, khuyến khích nhân dân tiếp tục tham gia tích cực hơn nữa vào các hoạt động quản lý nhà nước.
Trong nhiệm kỳ, Quốc hội đã quyết định chủ trương đầu tư dự án thủy điện Lai Châu và dự án điện hạt nhân Ninh Thuận; xem xét thông qua các Nghị quyết về rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội khoá XII; kéo dài nhiệm kỳ hoạt động 2004-2009 của Hội đồng nhân dân các cấp; điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội và một số tỉnh có liên quan; điều chỉnh địa giới hành chính giữa một số tỉnh; thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường. Đồng thời, để đáp ứng yêu cầu mới của thực tiễn nhằm nâng cao thẩm quyền, trách nhiệm của Quốc hội nói riêng, của các cơ quan quản lý nhà nước nói chung trong việc quyết định chủ trương đầu tư, quản lý và sử dụng có hiệu quả các công trình, dự án có quy mô lớn đầu tư tại Việt Nam và ra nước ngoài, Quốc hội đã quyết định sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 66/2006/QH11 ngày 29/6/2006 về dự án công trình quan trọng quốc gia trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư.
Hoạt động đối ngoại của Quốc hội tiếp tục được đẩy mạnh, củng cố và mở rộng. Đã tăng cường đối ngoại song phương, tạo sự chuyển biến tích cực trong quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt với các nước trong khu vực và thế giới. Củng cố, phát triển quan hệ với các nước láng giềng, các nước ASEAN và Đông Bắc Á, đẩy mạnh quan hệ với Hoa Kỳ, nghị viện châu Âu, nghị viện nhiều nước thuộc liên minh Châu Âu, đưa các mối quan hệ này đi vào thực chất, phát triển cả chiều rộng lẫn chiều sâu; khai thông và phát triển quan hệ với nghị viện nhiều nước thuộc khu vực Châu Phi và các nước Trung, Nam Mỹ theo chủ trương chung của Đảng và Nhà nước ta; quan tâm đẩy mạnh và củng cố quan hệ truyền thống với các nước Trung và Đông Âu, tạo môi trường quốc tế thuận lợi cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc;
Việc Quốc hội nước ta đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch và tổ chức thành công Đại hội đồng Liên nghị viện Hiệp hội các nước Đông Nam Á lần thứ 31 (AIPA-31); được bầu làm Phó Chủ tịch Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) nhiệm kỳ 2010-2011; đảm nhận cương vị Chủ tịch Nhóm ASEAN+3 đã đánh dấu sự trưởng thành mạnh mẽ của ngoại giao nghị viện Việt Nam, góp phần thiết thực vào tiến trình hội nhập quốc tế và khu vực của nước ta.